111 ca tử vong, 7.000 trẻ mắc sởi, Thủ tướng yêu cầu dập dịch

Số ca mắc sởi tăng nhanh

Sáng 16/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã xuống thăm "chảo lửa" Nhi Trung ương trước buổi họp kín với các bệnh viện điều trị nhi và truyền nhiễm, đã chứng kiến một trường hợp tử vong do sởi tại bệnh viện. Riêng sáng 16/4, tại Bệnh viện Nhi TW đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do nhiễm sởi, nâng tổng số trẻ tử vong do sởi và biến chứng từ sởi lên 104 trường hợp.


Bộ trưởng Bộ Y tế và đại diện Tổ chức Y tế Thế giới bất ngờ chứng kiến một trường hợp bệnh nhi 9 tháng tuổi tử vong do sởi

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tính đến ngày 16/4, cả nước có 111 trường hợp tử vong do sởi và các biến chứng do sởi. Cũng đến chiều 16/4, cả nước ghi nhận 7.000 ca nhiễm sởi, tăng hơn gấp đôi so với công bố sáu ngày trước đó.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về con số báo động 1.000 ca sởi/ngày, PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, sởi là bệnh lây lan rất mạnh. Hiện tại, số bệnh nhi đang tập trung quá tải tại một số nơi, nhất là Bệnh viện Nhi Trung ương. Một trẻ mắc sởi có đến 3, 4 người lớn đi theo, khiến tình trạng lây nhiễm trong bệnh viện càng tăng cao. Những người này lại quay trở lại gia đình tiếp tục làm tăng nguy cơ lây lan virus ra cộng đồng. “Nếu không thực hiện tốt việc giảm tải tại bệnh viện, thực hiện tốt công tác dự phòng thì số mắc sẽ còn tiếp tục tăng, một người mang virus sởi có thể truyền bệnh cho hàng trăm người”, ông Kính cảnh báo.

Không chỉ tấn công trẻ em, PGS.TS Kính cho biết, căn bệnh này cũng đang có nguy cơ với người lớn. Hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có 313 ca sởi thì có 238 người lớn (chiếm 90% số mắc điều trị tại bệnh viện). Tuy nhiên, các trường hợp ở người lớn năm nay có diễn biến lâm sàng giống như các ca sởi cổ điển. Biến chứng nguy hiểm nhất ở sởi người lớn là viêm não, dẫn tới rối loạn thần kinh trung khu, rối loạn tuần hoàn hô hấp và tử vong. Trong khi ở trẻ em là biến chứng gặp nhiều nhất là nhiễm trùng bội nhiễm ở đường hô hấp, dẫn tới suy hô hấp nặng và tử vong. “Hiện tại có nhiều ca sởi người lớn diễn biến nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhưng điều may mắn là đến giờ vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong”, PGS.TS Kính nói.

Bổ sung phác đồ điều trị

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Hội đồng chuyên môn phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế đã họp và thống nhất bổ sung phác đồ điều trị bệnh sởi. Theo đó, Bộ quy định thêm về việc sử dụng Gamma globuline miễn dịch (bao gồm 2 loại tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch) nhằm tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho bệnh nhân. Trường hợp nặng sẽ tiêm tĩnh mạch, trường hợp ca bệnh trung bình thì tiêm bắp. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng cố gắng để kết hợp với phát hiện sớm những trường hợp có biến chứng về hô hấp, viêm não để có điều trị cụ thể nhằm giảm bớt tử vong.


Dù số lượng bệnh nhân sởi tăng nhanh nhưng Bộ Y tế vẫn khẳng định không có dịch và Bộ không giấu dịch

PGS.TS Kính chia sẻ, bệnh sởi là bệnh dẫn tới suy giảm miễn dịch cấp tính. Ngay sau khi mắc sởi, cơ thể đáp ứng với các mầm bệnh, vi sinh vật rất kém nên rất dễ dàng bị lây nhiễm, bội nhiễm các vi sinh vật trong môi trường. Đặc biệt trong môi trường bệnh viện, có những vi khuẩn đa kháng với kháng sinh, hầu hết vũ khí là kháng sinh không còn tác dụng khiến bệnh nhi nếu bội nhiễm rất dễ trở nặng và tử vong. Thực tế đã cho thấy, tại BV Nhi Trung ương đã có 78 trẻ tử vong do sởi có nền bệnh cảnh như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, viêm não…

Do đó, để giảm tải số ca mắc và tử vong, vị chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm này cho biết, Bộ Y tế đã thống nhất một số giải pháp, trong đó quan trọng nhất là giảm tải cho Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai bằng cách tăng cường hoạt động của các bệnh viện vệ tinh trong khu vực Hà Nội. Tất cả những bệnh viện tuyến dưới này sẽ được cập nhất phác đồ chung, mới nhất của Bộ Y tế.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương dập dịch

Trước những diễn tiến phức tạp của dịch sởi, chiều 16/4, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc phòng chống dịch sởi. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh sởi tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế thấp nhất trường hợp bị tử vong, ngăn chặn lây chéo trong bệnh viện, đặc biệt là các cơ sở y tế tuyến trung ương bị quá tải, khẩn trương dập tắt dịch sởi. Bổ sung ngay máy thở, trang thiết bị y tế, thuốc để bảo đảm cấp cứu điều trị bệnh nhân, sinh phẩm cần thiết phòng lây chéo tại các bệnh viện và chế độ đối với người làm công tác phòng chống dịch sởi...

Thủ tướng cũng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phối hợp Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác cấp cứu, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh cũng như ngăn chặn lây lan dịch bệnh tại cộng đồng và trong bệnh viện; khoanh vùng ổ dịch và xử lý triệt để không để lan rộng; tiêm đủ văcxin sởi cho đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Bảo đảm việc cấp đủ phương tiện, kinh phí phòng chống dịch sởi cho các cơ sở y tế trên địa bàn.

Hiện, đã có 61/63 tỉnh thành có bệnh nhân sởi.
thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin