Tác giả TS. Trần Ngọc Châu với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tại Saigon Times Club
Mất ngủ hậu COVID-19 diễn ra như thế nào?
ĐT Việt Nam xứng đáng được vui và tận hưởng thành quả
Chế độ ăn thực dưỡng và ung thư
Hậu COVID-19: Không chủ quan khi bị khó thở, đau tức ngực
“Tự say” ở Cognac và triết lý làm người
Năm 1995 lần đầu tiên tôi đến Pháp, do lời mời của ông Jean Coutier, chủ của một hãng rượu lâu đời, và cũng là một người bạn của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.Trịnh Công Sơn là cái tên mà ông Jean Coutier nhắc đến với tất cả ngưỡng mộ! Thứ nhất vì tài năng, tất nhiên, và thứ hai, anh ấy còn biết uống rượu. “Boire, c’est être” (Uống, là hiện hữu) ông Jean Coutier nhắc lại lời triết lý… vui của anh Sơn khi đến đây: Uống, là hiện hữu. Giờ đây thị trấn còn lưu giữ những lâu đài thời trung cổ khiến thành phố không già đi mà lại trở nên tươi mát, khi UNESCO công nhận đó là các di sản thế giới.
"Chỉ là một thị trấn nhỏ", ông Coutier nói với vẻ tự hào, "mà Cognac có tới sáu di tích được công nhận là Di sản thế giới". Tuy vậy, cái ông muốn giới thiệu không phải là các nhà thờ Di sản thế giới mà chính là di bút của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Việt Nam. Ông nói: "Remy Martin là một loại rượu mà nhạc sỹ lừng danh Trịnh Công Sơn thích uống, và chúng tôi đã mời được nhạc sỹ Trịnh đến thăm hầm rượu Martin ở Cognac một lần". Ở hầm rượu Cognac - như một viện bảo tàng rượu - ông Coutier chỉ cho chúng tôi những câu thơ viết bằng tiếng Pháp của nhạc sỹ họ Trịnh. Những dòng thơ được viết trên một thùng rượu hai trăm năm tuổi. Tôi không thể nhớ nguyên văn câu thơ, nhưng đại ý là: Cám ơn rượu đã cho ta say. Vì không say không phải là người. Rượu chính là nước mắt của Thượng đế. Uống vào đi bạn sẽ biết vị đắng cay. Chỉ khi ấy bạn mới trở thành Người. Cám ơn Rượu!
(Merci pour le vin ivre. Malheur à qui ne sait pas boire. Le vin est les larmes de Dieu. Buvez-le et vous saurez l'amertume. C'est seulement alors que vous deviendrez humain.)
…Và trong thời gian Covid-19 tôi có thì giờ, tự dịch ra mấy vần lục bát, như một nén hương tưởng nhớ thần tượng âm nhạc duy nhất thời mới lớn (tuổi teen) của tôi:
Cám ơn rượu đã cho say
Không biết uống rượu khổ thay làm người!
Nước mắt Thượng đế ban vui
Uống đi để biết đủ mùi thế gian
Chỉ khi ấy mới thành nhân
Cám ơn rượu đắng, ngàn lần cám ơn!
Dưới những dòng chữ thảo nguệch ngoạc ký một cái tên quá đỗi quen thuộc với tôi: Trịnh Công Sơn. Thật ra men rượu không làm người ta say, mà người tự say thôi: Tửu bất túy nhân, nhân tự túy! (Câu này trích từ vở kịch thơ “Người chép sử” nói về tráng sỹ Kinh Kha và Tần Thủy Hoàng của Mặc Thu, Sài gòn 1969).
Trong đêm kỷ niệm 300 năm hãng rượu Martin, người ta đã bắn lên trời “một lịch sử bằng ánh sáng lazer” rực rỡ mà tôi chưa từng thấy. Trong ánh sáng đó, tôi thấy những câu thơ về rượu phảng phất nỗi buồn “da vàng nhược tiểu” của anh.
Giải thưởng Magsaysay và “mảnh đất nghệ thuật tự do”
Ký ức này dẫn tôi trở về với nỗi vui âm thầm khi được đề cử anh Trịnh Công Sơn vào một giải thưởng khu vực, mà trong thâm tâm, tôi mong giải thưởng sẽ không chỉ vinh danh anh Sơn, mà thêm một hào quang góp phần xua đi “tâm lý tự ti dân tộc nhược tiểu” của riêng tôi?
Linda Bolibo và TS. Trần Ngọc Châu cùng chủ trì hội thảo tại Manila (Philippines)
Khoảng cuối năm 1998, chị Linda Bolido, nguyên là Tổng biên tập của tờ Manila Times, và bạn đồng môn với tôi tại Học viện Truyền thông Hoa Kỳ ở Virginia, gửi một email mời tôi đến Manila. Dịp đó chị đề nghị với tôi làm một trong các giám khảo đề cử cho giải thưởng Magsaysay năm sau. Tôi có hỏi chị tại sao tôi được vinh dự đó, chị cho biết đơn giản vì tôi là chủ biên của báo tiếng Anh Saigon Times (thực ra chính thức là Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài gòn, phụ trách Saigon Times). Chị đưa cho tôi một tập tài liệu và các quy định dành cho giám khảo đề cử, trong đó có một điều kiện rất khó là không được công khai với người mình đề cử, vì sợ “xung đột lợi ích”. Tôi chỉ được phép âm thầm điều tra, tìm hiểu về tiểu sử hay thành tích của người tôi muốn đề cử. Sau hơn một tháng suy nghĩ, đắn đo, tôi quyết định đề cử nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Tôi biết trước đó Việt Nam có 3 người nhận giải này ở các hạng mục khác nhau. Gần nhất là GS Võ Tòng Xuân, năm 1993, hạng mục “Phục vụ cộng đồng". Tôi đề cử Trịnh Công Sơn vào hạng mục "Hòa bình và ảnh hưởng quốc tế" với hy vọng chủ đề tình yêu và hòa bình trong nhạc của anh sẽ chiến thắng các ứng viên nặng ký khác. Không một vùng đất nào ở châu Á bị chiến tranh tàn phá nhiều như Việt Nam, đất nước của anh và không nghệ sỹ nào tha thiết với hòa bình bằng anh.
Còn ảnh hưởng quốc tế, tôi nghĩ, thế giới biết đến anh nhiều. Nhưng tôi “bé cái nhầm” khi không lường hết những “phản ứng phụ” từ một cộng đồng quốc tế khác…, đó là đồng bào của anh đang cư trú ở hải ngoại, vì nhiều lý do khác nhau đã chống lại hành vi của anh hơn là âm nhạc. Tôi phải tự mình dịch ra tiếng Anh tất cả tài liệu, kể cả một số ca khúc mang tính cổ vũ hòa bình, tình yêu con người…. Riêng mục tiểu sử tác giả, tôi không thể hỏi trực tiếp anh Sơn dù tôi có quen anh (như hầu hết những anh chị em làm báo ở Sài Gòn thời đó). Tôi đành nhờ một đồng nghiệp chơi thân với anh Sơn là nhà báo Huỳnh Phi Long công tác tại báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Phi Long nghĩ tôi muốn viết bài về Trịnh Công Sơn, nên nói: “Thôi, ông đừng viết về anh Sơn nữa, nhiều người viết rồi, tốt hơn ông mua một chai Ararat tặng anh Sơn.” Tôi không nói gì, chỉ cười, và Long vẫn giúp tôi một cách nhiệt tình với nhiều chi tiết.
Các chủ đề trong bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đều hướng về tình yêu và hòa bình
Tôi thức cả đêm dịch ra tiếng Anh và tất nhiên không cho ai biết, trừ người hiệu đính tiếng Anh của báo Saigon Times, chị Helda, một người Scotland. Chị Helda giúp tôi edit toàn bộ tài liệu, theo tính chuyên nghiệp, chị không bao giờ hỏi: để làm gì. Toàn bộ tài liệu về người được đề cử phải gửi bảo đảm bưu điện đến địa chỉ của Ban tuyển chọn Magsaysay ở Philippines.
Bẵng đi một thời gian, một hôm tôi nhận điện thoại đường dài, đó là chị Bolido thân thiết với tôi. Chị cho hay người tôi đề cử đã qua vòng sơ tuyển và vào vòng trong. Đến vòng này Ban tổ chức sẽ cử người từ Manila sang Việt Nam trực tiếp phỏng vấn người được đề cử, nhưng không nói rõ mục đích cho người ấy biết.
Linda Bolido và Nona, hai người của Ban tổ chức Magsaysay bay sang Việt Nam. Tôi nhờ Phi Long hẹn ngày với anh Sơn. Nghe có phóng viên nước ngoài, nhất là nữ, anh Sơn nhận lời ngay, như tính hay chìu phụ nữ của anh.Tôi tiếc những tấm hình chụp hôm đó (do một phóng viên ảnh của báo Saigon Times chụp) đã bị mất trong một vụ cháy phòng làm việc của tôi tại tòa soạn Saigon Times, 35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP.HCM. Trong những bức hình đó, tôi thích nhất tấm hình tôi ôm đàn ghi-ta làm bộ như đang đàn cho anh Sơn hát và hình anh Sơn ôm hai cô nhà báo (như tôi giới thiệu) người Philippines “không phải là đẹp lắm nhưng rất hấp dẫn”, theo như nhận xét vui của anh. Phải nói hôm đó, anh Sơn lúc đầu không được khỏe, nhưng sau một hồi nói chuyện anh “sung” hẳn lên, khiến đôi khi, tôi tìm không ra từ thích hợp để dịch, và đôi khi anh hào hứng nói luôn vài câu tiếng Pháp… và thỉnh thoảng tự dịch hay chỉnh vài câu dịch của tôi bằng tiếng Anh, tất nhiên vì sát nghĩa nên rất khó hiểu khiến Linda và Nona tròn mắt nhìn tôi cầu cứu, và kêu lên: Excuse me! Excuse me!... Cả hai cô ghi chép cẩn thận và tỉ mỉ, không ngại hỏi đi hỏi lại nhiều lần, khiến tôi thỉnh thoảng hơi bực bội, phải dừng lại uống nước. Nói thật, tôi không phải là người giỏi dịch, nhất là vừa dịch tiếng Anh ra tiếng Việt và ngược lại cùng lúc.
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “…Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn diễn đạt mình…”
Câu chuyện của anh Sơn về từng ca khúc thường nặng tính triết lý, về thân phận con người, về chiến tranh và hòa bình. Tôi muốn làm nổi bật nội dung cổ vũ tình người và hòa bình và ảnh hưởng rộng lớn của anh trong dân tộc Việt Nam cho hai người “điều tra viên” của giải thưởng. Thoạt đầu, Linda email cho tôi báo tin vui: anh Sơn đã vào chung kết với danh sách hai đề cử cuối cùng. Năm 2000 trôi đi cùng sự hân hoan lặng lẽ của riêng tôi và nếu có thể, của cả Linda Bolido và Nona, về sự vinh danh một nhạc sỹ Việt Nam. Nhưng cuối cùng, khi Linda gọi điện báo tin anh Sơn chỉ vào danh sách cuối mà không phải danh sách chiến thắng, tôi biết rằng nỗi lo của tôi là sự thật: anh là một nghệ sỹ nhiều hơn là một nhà hoạt động. Hầu hết các người chiến thắng năm 2000 của Magsaysay là những nhà hoạt động. Một cựu thị trưởng thành phố Philippines, một nhà bảo vệ môi trường Trung Quốc, hai nhà hoạt động vì người nghèo Ấn Độ và một nhà báo Indonesia sẽ chia sẻ Giải thưởng Ramon Magsaysay 2000, giải thưởng danh giá mà BBC gọi là “phiên bản châu Á của giải Nobel”. Năm 2000 không có giải cho hạng mục “hòa bình” mà anh Sơn được đề cử.
Như mọi người biết, giải thưởng được đặt theo tên của cố tổng thống Philippines Ramon Magsaysay, người đã chết trong một vụ tai nạn máy bay năm 1957. Ông Magsaysay được tôn kính vì cam kết của ông đối với dân chủ và cải thiện cuộc sống cho người dân bình thường. Trong hơn 40 năm, giải thưởng đã công nhận những người cam kết phục vụ cộng đồng. Các giám khảo chung kết không đánh giá cao nhạc sỹ Việt Nam như một nhà “hoạt động” vì hòa bình, hơn nữa một số phản ứng tiêu cực từ vài cộng đồng người Việt hải ngoại, trong đó có cộng đồng Việt ở Philippines cũng có tác động phần nào đến lá phiếu cuối cùng dành cho anh.
Chị Linda Bolido sau này có nói với tôi đại ý rằng: “Đề cử của Việt Nam hoàn toàn có thể chiến thắng, nhưng năm 2000 quá đặc biệt khi người ta muốn trao cho những nhà hoạt động về môi trường và người nghèo hơn là người nghệ sỹ cổ vũ hòa bình”. Và năm đó không có mặt anh Sơn trong số năm người nhận giải thưởng vào ngày 31.8.2000, sinh nhật của Ramon Magsaysay. Tám tháng sau, ngày 1/4/2001, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ra đi, và hy vọng của tôi cho việc tái đề cử Magsaysay năm 2001, (theo điều lệ không trao giải cho người đã khuất), cũng tan theo cát bụi cùng anh.
Khi ở Paris tôi luôn nhớ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “…Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn diễn đạt mình… Tôi chọn ca khúc để diễn đạt mình vì trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn đó, tôi đã tìm thấy tự do.” (Trịnh Công Sơn và nhiều tác giả: “Tôi là ai…?”, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2019, tr.14)
Tôi mong “mảnh đất” đó không chỉ là “mảnh đất nghệ thuật”!
Bình luận của bạn