Váy Muslin
Cuối thế kỷ 18, những chiếc váy muslin mỏng manh được phụ nữ Pháp ưa chuộng. Trước khi khoác lên mình bộ váy này, họ phải dầm mình vào nước lạnh để vải bám vào cơ thể, khoe trọn đường cong và đồ lót quyến rũ bên trong. Tuy vậy, thời tiết quá lạnh cộng với việc người luôn bị ướt nhẹp khiến phụ nữ thời này thường xuyên mắc bệnh viêm phổi. Thậm chí, một vài bác sĩ còn khẳng định đây là nguyên nhân bùng phát dịch cúm tại Paris vào năm 1803.
Giày sen
Suốt hơn 1.000 năm, phụ nữ Trung Quốc gắn liền với những đôi giày sen. Xu hướng này nổi nhất vào khoảng thế kỷ 18 với quan niệm "phụ nữ phải có chân nhỏ". Để đặt được đôi chân vào loại giày này, họ phải làm cho chân nhỏ hơn bằng cách ngâm trong một loại dung dịch đặc biệt, cắt bỏ móng rồi quấn băng bó chặt cho đến khi xương cong lại mới thôi. Ngoài việc di chuyển và làm việc khó khăn, phụ nữ thời này còn có nguy cơ bị hoại tử ngón chân do thiếu máu nuôi dưỡng, tồi tệ hơn là bị nhiễm trùng máu, ngón chân bị thối và rụng đi. Theo Daily Beast, trong số 10 triệu phụ nữ từng bó chân, có khoảng 10% bị chết vì những biến chứng này.
Cổ áo cao có thể tháo rời
Đây là phụ kiện thịnh hành nhất dành cho đàn ông vào thế kỷ 19. Những chiếc cổ này được gắn với áo nhờ đinh tán. Có tính thẩm mỹ nhưng loại cổ áo này cũng nguy hiểm không kém. Do kết cấu cứng và chặt, nó có thể tác động xấu đến vòng tuần hoàn của người mặc, gây ngạt thở hoặc tệ hơn là có áp-xe não (bọc mủ trong hộp sọ). Năm 1912, một người đàn ông có tên William F. Dillon mắc chứng bệnh khó tiêu, cổ của ông bị sưng vì bị cổ áo ép chặt gây khó thở. Ông đã tử vong vì các chứng bệnh này kéo dài.
Giày chopine
Món phụ kiện này phổ biến đối với phụ nữ châu Âu vào những năm 1400 đến giữa 1600. Công dụng của chúng là giúp phái đẹp không bị bẩn quần áo khi giẫm phải những vùng bùn đất trên đường đồng thời "ăn gian" chiều cao. Tuy vậy, theo thời gian, chiều cao của những đôi giày này ngày một tăng lên, đỉnh điểm là gần 80 cm. Điều này không những tạo ra sự khó khăn trong đi lại mà còn gây nguy hiểm. Một số phụ nữ gần như không thể bước đi nếu không có người giúp đỡ. Nếu vẫn cố làm mọi thứ một mình, họ có thể bị thương tích nặng.
Áo corset
Tạo nên vóc dáng "thắt đáy lưng ong" quyến rũ cho người phụ nữ nhưng món thời trang này lại gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài khiến việc hơi thở trở nên nặng nhọc, nó còn có thể làm gãy xương sườn, chảy máu nội tạng vì các cơ quan bị dồn ép quá mức. Khi xu hướng áo corset buộc dây trở thành hiện tượng vào những năm 1890, chúng càng trở nên đáng sợ khi ảnh hưởng cả đến xương hông và cột sống. Là "tín đồ" trung thành của áo corset, phụ nữ tầng lớp thượng lưu thời này phải sở hữu một cơ thể kém cân đối với vòng eo quá nhỏ còn các phần ngực, vai và cổ phình to. Một số người sử dụng áo corset như một cách giảm cân. Kết quả là không ít phụ nữ tử vong do tràn khí màng phổi hoặc xẹp phổi do cơ thể không chịu được sức ép.
Váy phồng
Những chiếc lồng đuôi ngựa hoặc lồng thép là phụ kiện gia cố không thể thiếu cho các bộ váy phồng của phụ nữ phương Tây thời xưa. Khi đã khoác trang phục này lên người, phái đẹp gần như không thể ngồi hoặc bước qua một cánh cửa hẹp. Thảm khốc nhất là tai nạn của vợ nhà thơ Henry Wadsworth Longfellow vào năm 1861. Váy của bà bị dính một vài tàn lửa nhỏ và cháy lan sang toàn bộ trang phục. Đã cố dập tắt đám cháy nhưng vợ ông cũng không thoát khỏi cái chết do bị bỏng quá nặng.
Niềng răng đính hạt
Xu hướng này thịnh hành tại Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc vào những năm gần đây, đặc biệt là với tầng lớp vị thành niên. Nó từng gây ra hai cái chết tại Thái Lan, trong đó một ca qua đời vì nhiễm trùng tuyến giáp. Chính phủ nước này sau đó đã ban bố lệnh cấm sản xuất và lưu hành. Tuy vậy, không ít trẻ vị thành niên tìm cách tự chế niềng răng đính hạt ở nhà mà không biết rằng nếu không được lắp ráp đúng cách, loại phụ kiện này có thể rơi vào họng gây nguy hiểm.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất
Bình luận của bạn