An toàn vệ sinh thực phẩm: Phụ thuộc nhiều vào hậu kiểm

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Nhiên (ảnh), Chánh Thanh tra Cục ATTP.

Ông Nguyễn Văn Nhiên (ảnh), Chánh Thanh tra Cục ATTP.

* Phóng viên: Ông có cảnh báo gì về nguy cơ không đảm bảo ATVSTP thường xảy ra vào dịp cuối năm?

* Ông NGUYỄN VĂN NHIÊN: Vào dịp cuối năm và tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân luôn tăng mạnh kéo theo việc sản xuất, kinh doanh và vận chuyển thực phẩm cũng tăng rất cao. Do đó, đây cũng là thời điểm mà nguy cơ không đảm bảo ATVSTP diễn ra phức tạp, với nhiều loại mặt hàng thực phẩm không bảo đảm chất lượng, hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc. Hơn nữa, công tác thanh kiểm tra về ATVSTP thời gian qua cũng đã phát hiện tới gần 100.000 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm. Trong đó có 5.116 cơ sở có sản phẩm không đạt bị tiêu hủy với trên 5.500 loại sản phẩm khác nhau.

Tuy nhiên đáng lo hơn là việc xử lý các vi phạm về ATVSTP còn chưa nghiêm, nhất là ở tuyến xã và tuyến huyện nơi có tỷ lệ cơ sở vi phạm không bị xử lý chiếm 80%. Trong số các cơ sở vi phạm có những cơ sở cố tình sử dụng nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm an toàn như: sử sản phẩm động vật chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, đã thối rữa hoặc sử dụng chất cấm, chất độc hại như Tinopal, Axit Maleic, Rhodamine B... để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, sau vụ việc nhiều người ngộ độc và 6 ca tử vong ở Quảng Ninh do “Rượu nếp 29 Hà Nội” gây ra do có hàm lượng methanol cực cao đã thêm một hồi chuông cảnh báo nữa về tình trạng vi phạm về các quy định ATVSPT ngày càng phức tạp và tinh vi. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm cố tình quảng cáo sai quy định, quá công dụng, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm chức năng cũng đã gây bức xúc trong xã hội.

Trước các nguy cơ trên, Cục ATTP sẽ có biện pháp gì để bảo đảm ATVSTP vào dịp cuối năm và Tết 2014 sắp tới?

* Nhằm tăng cường công tác bảo đảm ATVSTP cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2014, Cục ATTP sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh thành đẩy mạnh và duy trì thường xuyên các hoạt động thanh kiểm tra, kiểm soát về ATVSTP. Theo kế hoạch sẽ có 9 đoàn liên ngành trung ương đi kiểm tra tại 18 tỉnh thành trọng điểm trong cả nước. Cùng với đó, tại các tỉnh thành và các quận huyện cũng sẽ lập các đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý. Công tác kiểm tra sẽ được kéo dài cho tới tháng 2-1014.

Chúng tôi cũng xác định quá trình kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm các quy định về ATVSTP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong các dịp lễ tết như: bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, giò chả, thủy hải sản… các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các làng nghề truyền thống. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành các cuộc hậu kiểm đối với các cơ sở trước đó đã bị phát hiện có vi phạm. Bên cạnh đó, đối với các tỉnh biên giới và khu vực lân cận với các tỉnh biên giới sẽ chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn ngốc, gia cầm nhập khẩu trái phép, không bảo đảm an toàn.

Qua kiểm tra, việc xử lý các cơ sở vi phạm về ATVSTP sẽ được thực hiện như thế nào và có điểm gì mới so với các đợt kiểm tra trước đây?

* Khi phát hiện trường hợp vi phạm về ATVSTP, đoàn thanh tra, kiểm tra phải tiến hành xử lý theo đúng quy định, với mục tiêu tuyệt đối không để sản phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác hoặc có nhãn mác sai quy định tiếp tục lưu thông trên thị trường. Đối với các cơ sở thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm ATVSTP sẽ phải dừng hoạt động, đóng cửa ngay để khắc phục và chỉ được tiếp tục hoạt động khi hoàn thành đầy đủ biện pháp khắc phục có sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị lực lượng công an, quản lý thị trường, khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông phối hợp chặt chẽ với lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATVSTP và UBND các cấp xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm, tuyệt đối không để cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm ATVSTP tiếp tục hoạt động, sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn tiếp tục lưu thông, tài liệu quảng cáo sai quy định tiếp tục lưu hành. Đồng thời, thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về những cơ sở vi phạm, sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn để người dân biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.
Dongoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý