Bắc Ninh sai hay đúng khi bán đấu giá tê tê quý hiếm?!

Tê tê đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng (Ảnh: Arkive)

Bắc Ninh: Vội vàng bán đấu giá động vật hoang dã

Vụ xe cứu thương chở tê tê: Phạt tài xế 450 triệu đồng

Bắt 50 kg tê tê dưới gầm ghế tàu lửa

Xe cứu thương chở... 49 con tê tê

Ngày 5/2, ENV đã gửi thông tin đến các cơ quan báo chí, truyền thông về thực trạng xử lý vi phạm và xử lý tang vật đối với tê tê vàng và tê tê Java (hai loài tê tê được nâng mức độ bảo vệ lên cao nhất theo quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP), trong đó có trích dẫn ví dụ mới nhất về trường hợp xử lý 42 cá thể tê tê Java của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ngày 1/2/2014.

Ngay sau đó chỉ một ngày, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh đã phản hồi, cho rằng hành vi trong vụ việc trên là đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, ông Lê Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Ninh cho rằng: 42 cá thể tê tê được định dạng là loài tê tê Java thuộc nhóm IIB (theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP). Do "tình trạng sức khỏe của các cá thể tê tê ốm yếu, không có cơ sở khoa học để xác định được có nguồn gốc gây nuôi hay từ tự nhiên" và áp dụng quy định tại Nghị định 157/2013/NĐ-CP nên "tang vật của vụ vi phạm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 160/2013/NĐ-CP".

Cụ thể tại điểm a, khoản 1, điều 6 Nghị định 157/2013 ngày 11/11/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng và bảo vệ rừng và quản lý lâm sản nêu: "Đối với tang vật là vật phẩm tươi sống, động vật rừng bị yếu không thuộc nhóm IB, hoặc lâm sản khác còn tươi không thuộc nhóm IA thì người có quyền xử phạt tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay theo giá thị trường địa phương tại thời điểm bán. Tiền thu được gửi vào tài khoản tạm giữ của cơ quan, đơn vị người có quyền xử phạt mở tại kho bạc Nhà nước".

Tê tê là loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ (Ảnh: EVN)

Chiều 9/2/2015, ENV đã phản hồi rằng, những luận điểm đó là không đúng với luật hiện hành.

Theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP và Danh mục ban hành kèm theo Nghị định này, tê tê Java là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB - nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, vào năm 2013, Nghị định 160/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/1/2014) đã liệt kê cả hai loài tê tê của Việt Nam trong Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Cũng theo Nghị định này thì "Chế độ quản lý đối với loài thuộc Danh mục động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được xác định là loài ưu tiên bảo vệ được áp dụng theo quy định tại Nghị định này".

Như vậy, chế độ quản lý đối với tê tê Java phải được áp dụng theo quy định tại Nghị định mới, kể cả vấn đề xử lý tang vật bị tịch thu.

Mặt khác, biện pháp bán tang vật không được áp dụng đối với loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Như vậy, trong trường hợp 42 cá thể tê tê Java đang bị ốm, yếu như trường hợp tại tỉnh Bắc Ninh, những cá thể này cần được đưa đến các cơ sở cứu hộ để cứu chữa, nuôi dưỡng, chăm sóc mà không được đem ra đấu giá như UBND Bắc Ninh đã tiến hành.

Rất nhiều các chuyên gia và những người có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam đồng tình với những phân tích của ENV. Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhận xét như sau: "Tê tê là loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160. Các hành vi vi phạm đối với tê tê phải được xem xét, xử lý hình sự theo Điều 190 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009".

Thanh Hà H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn