Chây ì đóng BHXH bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Đại diện BHXH Việt Nam cho rằng cần bổ sung tội chây ì, trốn tránh đóng BHXH vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Sẽ thay đổi cách tính BHXH theo đúng mức lương thực tế

BHXH giám sát bệnh nhân được cấp thuốc đặc trị

Tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT còn xa mục tiêu đề ra

Dự án Luật BHXH không phù hợp nghị quyết trung ương?

Điều 224 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định về tội gian lận BHXH có rất nhiều điểm mới. Cụ thể, người nào lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH lừa dối tổ chức BHXH, dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH để mình hoặc người khác được hưởng các chế độ BHXH từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 2 lần đến 5 lần số tiền chiếm đoạt hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp, như: Có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc giá trị chế độ BHXH từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 3 - 7 lần số tiền chiếm đoạt hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Bên cạnh đó, điều 226 của Dự thảo cũng quy đinh rõ về tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế cho người lao động. Cụ thể, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm y tế cho người lao động mà không đóng hoặc không đóng đầy đủ số người hoặc số tiền phải đóng theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn có hành vi trốn đóng bảo hiểm từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hay trốn đóng bảo hiểm từ 20 đến dưới 50 người lao động sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên, số tiền trốn đóng từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng và số người lao động không được đóng bảo hiểm từ 50 người đến dưới 200 người sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Phạm tội thuộc trường hợp số tiền trốn đóng từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc số người lao động không được đóng bảo hiểm từ 200 người trở lên bị phạt tiền từ 5 - 7 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền là hình phạt bổ sung đến 1 tỷ đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định  từ 1 - 5 năm.

Người tuy phạm tội này nhưng thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, đã nộp toàn bộ số tiền trốn đóng bảo hiểm và khắc phục toàn bộ thiệt hại xảy ra trước khi xét xử thì được miễn trách nhiệm hình sự. Trường hợp người phạm tội đã nộp toàn bộ số tiền trốn đồng bảo hiểm và đã khắc phục một phần thiệt hại xảy ra trước khi xét xử thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Liên quan đến vấn đề trách nhiệm hình sự trong sai phạm BHXH, Tại Hội thảo “Hướng tới bảo đảm an sinh xã hội và triển khai thi hành luật BHXH” khu vực phía Nam diễn ra chiều 4/2 tại TP.HCM do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam tổ chức, bà Đỗ Thị Xuân Phương - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề xuất bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội chây ì, trốn tránh đóng BHXH của các doanh nghiệp, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH.

Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tại buổi hội thảo. (Ảnh: Thanh Niên)

Lý giải về quan điểm này, bà Phương cho rằng, tình trạng nợ đọng tiền BHXH diễn biến phức tạp, tính đến năm 2014, tổng số tiền nợ BHXH bắt buộc là 5.500 tỷ đồng, chiếm 4,93% tổng số tiền BHXH phải thu trong năm.

“Có thời điểm số tiền nợ BHXH lên đến con số 11.300 tỷ đồng. Trong mấy tháng cuối năm 2014, cơ quan BHXH đã phối hợp với các cơ quan chức năng, dùng mọi biện pháp quyết liệt mới truy thu được và rút xuống còn 5.500 tỷ đồng”, bà phương nói.

Ngoài ra, hiện tượng chủ các doanh nghiệp chây ì, không đóng BHXH, thậm chí nhiều chủ doanh nghiệp bỏ trốn khi cơ quan BHXH đòi, việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động. Vì vậy, cần bổ sung vào Luật Hình sự.

Thanh Hà H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý