SUCKHOE+ | Xin chào chuyên gia! Bố tôi bị hẹp động mạch vành, thiếu máu cơ tim. Tôi có tìm hiểu thì biết người bị bệnh này có thể đặt stent để cải thiện tình trạng. Xin hỏi chuyên gia hẹp mạch vành mức độ nào thì nên đặt stent? Trường hợp hẹp 50 - 60% thì đã nên đặt stent hay chưa? (M.T.Q., Tuyên Quang)
PGS.TS. Nguyễn Văn Quýnh, Nguyên Chủ nhiệm khoa Nội cán bộ A1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trả lời:
Chào bạn!
Về mặt chuyên môn, theo quan điểm cũ trước đây thì người bệnh thiếu máu cơ tim, hẹp mạch vành với mức độ hẹp khoảng 75 - 80% là đã có chỉ định đặt stent.
Đặt stent là phương pháp điều trị bệnh động mạch vành sử dụng một ống lưới thép đặt biệt như lưới mắt cáo. Theo đó, các bác sỹ có thể đưa ống stent này vào động mạch vành, nong ra và đặt stent vào đoạn mạch bị tắc hẹp. Stent có tác dụng giữ cho mạch vành không bị hẹp lại, làm ép mảng xơ vữa sát với thành lòng mạch vành, giữ cho lòng mạch rộng ra.
Trên khuyến cáo chung thì các chuyên gia vẫn thống nhất hẹp động mạch khoảng 75 - 80% mới nên đặt stent. Nhưng trên thực tế, vẫn có một số tài liệu viết có thể chủ động cho người bệnh đặt stent sớm hơn, tức là hẹp khoảng 50% đã có thể có chỉ định đặt stent.
Để đưa ra được chỉ định đặt stent còn cần phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Do đó, tùy vào từng bệnh nhân mà bác sỹ có thể cân nhắc chỉ định thời điểm đặt stent cho phù hợp.
Tại sao bác sỹ cần cân nhắc về thời điểm đặt stent? Ví dụ như trường hợp lòng mạch mới hẹp khoảng 50%, nhưng mảng xơ vữa không ổn định, có thể vỡ ra bất kỳ lúc nào thì các bác sỹ có thể chủ động cho nong mạch, đặt stent luôn để ngăn ngừa nguy cơ đau tim, đột quỵ. Tuy nhiên, nếu đặt stent sớm nhưng không điều trị thuốc tốt thì người bệnh vẫn có nguy cơ tái hẹp. Đặc biệt, tái hẹp ở người đã đặt stent thì sẽ không còn cơ hội đặt stent lại nữa. Đây là lý do tại sao đa số trường hợp phải hẹp 75 - 80% mới có chỉ định đặt stent.
Do đó, trong trường hợp bố bạn nếu mức độ hẹp chưa quá lớn, triệu chứng chưa quá nghiêm trọng có thể điều trị củng cố trước, khi nào hẹp mạch vành nặng mới đặt stent sau. Việc điều trị nội khoa thường sẽ bao gồm việc dùng thuốc giãn mạch vành, điều trị các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. Tốt hơn hết, bạn nên đưa bố đi khám để được bác sỹ tư vấn cụ thể hơn các loại thuốc, liều thuốc cho phù hợp. Một khi có chỉ định can thiệp đặt stent, gia đình có thể cho bác nhanh chóng làm phẫu thuật để nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
Bình luận của bạn