Theo GS.TS Bùi Đức Phú (Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế), nguyên nhân gây ra tai biến trong y khoa rất nhiều, đó là tình trạng quá tải bệnh nhân; thiếu nguồn nhân lực; trang thiết bị chẩn đoán bệnh không đồng bộ, sử dụng những phương pháp chẩn đoán và điều trị có mức an toàn hẹp… Ngoài ra, còn có những yếu tố nguy cơ đặc thù y khoa như mỗi bệnh nhân có cơ địa và sức đề kháng khác nhau, kỹ năng nhân viên y tế không thể lặp lại như nhau trên mọi bệnh nhân, quá trình can thiệp điều trị luôn đi kèm hai mặt lợi và hại, môi trường bệnh viện.
Sản phụ Nguyễn Thị Loan, người bị nghi là truyền nhầm máu, trong ngày lễ tiễn bệnh nhân nặng xuất viện của Bệnh viện Bạch Mai tổ chức.
Tai biến trong y khoa là điều không mong muốn, nhưng khi xảy ra tai biến, thái độ của y bác sĩ đã gây bức xúc cho người nhà bệnh nhân. GS.TS Bùi Đức Phú cho rằng, việc này là do các bác sĩ chưa có sự tương tác, giao tiếp và giải thích chu đáo cho bệnh nhân hoặc người nhà dẫn đến những bức xúc trên. Một điều nữa là hiện nay các bác sĩ chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng nên mối quan hệ này trở nên lỏng lẻo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến đánh giá, 10 năm trở lại đây ngành y đã có cố gắng rất nhiều, tỷ lệ tử vong do tai biến đã giảm đi 3 lần. Mục tiêu của ngành y phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ tử vong do tai biến sản khoa xuống mức 58,3 sản phụ tử vong/100.000 ca sinh sống (giai đoạn 2006-2009 là 69/100.000 ca). Một số tai biến sản khoa như sản giật, nhiễm trùng uốn ván, vỡ tử cung... đã được hạn chế rất nhiều. Nhưng bên cạnh đó một số tai biến không thể tránh khỏi như tai biến về tim mạch trong quá trình mang thai hoặc tai biến tắc mạch ối.
Đẩy mạnh việc mua Bảo hiểm trách nhiệm
Theo quy định mới của Chính phủ, kể từ ngày 01/01/2012 các bệnh viện phải triển khai mua bảo hiểm trách nhiệm cho thày thuốc về các tai biến, rủi ro trong khám chữa bệnh. Thực tế, bảo hiểm trách nhiệm ngành y đã được luật hoá tại Luật Khám chữa bệnh năm 2009.
Bác sỹ Phạm Cầm Kỳ (Giám đốc Bệnh viên Sản nhi Ninh Bình) cho biết, bắt đầu từ tháng 1/2013 bệnh viện này đã mua bảo hiểm trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác y tế của bệnh viện, nguồn kinh phí được trích ra từ quỹ của bệnh viện. Thực tế cho đến nay, bệnh viện cũng chưa có sự cố y khoa nào phải sử dụng đến. Song hành với các giải pháp để hạn chế tới mức thấp nhất tai biến trong y khoa, thì rất cần các bệnh viện cùng thành lập các quỹ hỗ trợ bệnh nhân và triển khai mua bảo hiểm trách nhiệm cho thày thuốc.
Cần chuẩn trong hệ thống
Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến thẳng thắn, tai biến trong y khoa có nhiều nguyên nhân. Khi xảy ra sự cố, phải tìm lỗi hệ thống ở đâu? Ai tham gia? Luật khám chữa bệnh của Việt Nam đã rõ ràng, sự việc xảy ra ở đâu thì hội đồng chuyên môn khám chữa bệnh ở đó họp tìm ra nguyên nhân, sau đó mới đến hội đồng Sở Y tế và hội đồng Bộ Y tế.
Việc cần làm lúc này là sự thay đổi nhận thức từ đội ngũ quản lý bệnh viện và hệ thống y tế. Sai sót y khoa xuất phát không chỉ từ con người mà từ hệ thống tổ chức. "Để thay đổi cải thiện hệ thống chăm sóc phải tìm cách sửa đổi lề lối tổ chức và vận hành của các bộ phận có liên quan tới việc chăm sóc, khám chữa bệnh" - Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến chia sẻ.
Theo bác sỹ Phạm Cầm Kỳ (Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình), chất lượng đào tạo y khoa của Việt Nam tương đối cao. Tuy nhiên, bác sỹ Kỳ cũng nhìn nhận bên cạnh kiến thức có được qua đào tạo, thì kinh nghiệm làm nghề cũng đóng vai trò quan trọng.
Càng có nhiều kinh nghiệm, tay nghề càng vững thì càng có nhiều khả năng xử trí được những tình huống bất ngờ trong quá trình khám và điều trị. Đồng thời cần phải tăng cường công tác giáo dục tinh thần trách nhiệm, thận trọng trong khi hành nghề, đảm bảo đúng quy định chuyên môn kỹ thuật, đạo đức nghề nghiệp.
Tăng cường công tác đào tạo để nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y tế, phát huy tốt hiệu quả từ công tác chỉ đạo tuyến, đề án 1816, đề án bệnh viện vệ tinh. Bác sỹ Kỳ nhấn mạnh, nếu nguyên nhân do thiếu nhân lực, trang thiết bị, tình trạng quá tải, thì các cơ quan có thẩm quyền phải phối hợp giải quyết.
Một giải pháp không thể không nhắc tới đó là nâng cao sự tương tác giữa bệnh nhân và bác sĩ. Theo GS Phú, thời gian khám bệnh ngắn vì sự áp lực quá tải và môi trường làm việc phụ thuộc vào xét nghiệm nhiều hơn. Trong quá trình khám chữa bệnh, bệnh nhân phải xem đó là một việc đương nhiên yêu cầu bắt buộc người thày thuốc thực hiện.
"Chúng ta phải có sự tương tác và điều đó xuất phát từ những đòi hỏi, chứ nếu người bệnh không hỏi thì cũng không thể nói được. Người thày thuốc phải làm cho người bệnh hiểu được quyền lợi và khi đén bệnh viện họ cần hỏi và cần biết những gì về bệnh tình của mình" - GS Phú lên tiếng.
Góc độ chăm lo y tế cần phải được thống nhất. Sẽ phải xây dựng những quy chuẩn khám chữa bệnh, nhưng thực tế do nhiều bệnh viện quá tải nên những trăn trở của ngành y vẫn chưa thể hoàn thành được trong một sớm, một chiều.
Bình luận của bạn