"Bán hàng đa cấp gian dối sẽ không còn đất sống"!

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, tính đến tháng 11/2013, cả nước có 96 doanh nghiệp tổ chức BHĐC. Có 26 doanh nghiệp tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động. Số doanh nghiệp đang hoạt động trên thực tế là 65 doanh nghiệp, số bị rút giấy phép hoạt động là 5 doanh nghiệp.

Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (HCM) có nhiều tổ chức bán hàng đa cấp nhất. Tại Hà Nội có 47 tổ chức và hiện đã có 4 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, 13 đơn vị bị chấm dét, tạm dừng hoạt động. Tại TP. HCM có 42 tổ chức BHĐC, trong đó chấm dứt và tạm dừng hoạt động là 12 đơn vị và thu hồi 01 giấy phép.

Các địa phương còn lại như Đồng Nai có 2 tổ chức, trong đó 01 tổ chức đã chấm dứt hoạt động. Bình Dương, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và Bắc Giang, mỗi địa phương có một tổ chức BHĐC.

Hiện cả nước cũng có khoảng 1 triệu người tham gia BHĐC. Doanh thu của BHĐC cũng chưa nhiều và đạt khoảng 4.060 tỷ đồng. Tổng số thuế mà các tổ chức BHĐC nộp cho ngân sách nhà nước tính đến hết năm 2012 là 517,5 tỷ đồng.

Bán hàng đa cấp không theo quy định gây bức xúc trong xã hội. Ảnh minh họa

Theo ông Phan Đức Quế - Trưởng phòng điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh - Cục Quản lý cạnh tranh, có tới 90% tổ chức kinh doanh đa cấp bán thực phẩm chức năng, số còn lại bán hàng gia dụng, mỹ phẩm, hàng thời trang, dụng cụ trang điểm, dụng cụ thể thao, thiết bị vật lý trị liệu…

"Đỉnh điểm của các sai phạm trong bán hàng đa cấp thời gian qua là vào năm 2008 có 9 vụ, năm 2009 và 2010 mỗi năm có 4 vụ. Các năm gần đây số sai phạm đã giảm hẳn, như năm 2012 là 2 vụ và tính đến thời điểm này của năm 2013 mới có 1 vụ", ông Quế cho biết.

Ông Nguyễn Phương Nam - Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, BHĐC là phương thức kinh doanh không mới mẻ trên thế giới và pháp luật Việt Nam cũng không cấm loại hình này. Tuy nhiên, những tác động của BHĐC thời gian qua gây hiệu ứng không tốt đối với xã hội. Điều đó làm cho các cơ quan chức năng rất "đau đầu".

"Đóng góp của bán hàng đa cấp vào ngân sách nhà nước không nhiều nhưng tác hại và ấn tượng không tốt của xã hội ngày càng nghiêm trọng. Điển hình, gần đây nhất là vụ việc tại Thái Bình gây bức xúc trong xã hội", ông Nam nói.

Theo ông Nam, hiện nay Bộ Công Thương đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế nghị định 110/2005/NĐ -CP về quản lý BHĐC. Theo đó, hoạt động BHĐC sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn và hướng đến loại hình kinh doanh có điều kiện. Cơ quan chức năng sẽ ủng hộ các doanh nghiệp làm ăn chân chính và cũng ngăn chặn kịp thời những doanh nghiệp lợi dụng loại hình kinh doanh này để làm ăn bất chính. Kiểm soát chặt cũng là để các doanh nghiệp làm tốt rồi, làm tốt hơn. Còn các doanh nghiệp gian dối sẽ không còn đất sống.

Bà Nguyễn Tú Oanh - Trưởng phòng kinh tế đối ngoại - Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, trên địa bàn Hà Nội có 4 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép đăng ký hoạt động BHĐC, 3 doanh nghiệp khác đang chờ làm các thủ tục rút giấy phép. Việc làm này là cần thiết để môi trường kinh doanh BHĐC được văn minh, minh bạch hơn.

Theo bà Oanh, thực tế kiểm tra tại các doanh nghiệp BHĐC cho thấy có những tồn tại như tài khoản ký quỹ, hồ sơ có thông tin gian dối. Có doanh nghiệp tự ý rút tài khoản ký quỹ, không đúng như quy định của pháp luật. Một số doanh nghiệp tự ý chuyển đổi ngân hàng mà không thông báo cho cơ quan chức năng. Một số doanh nghiệp còn chưa công khai quy tắt hoạt động, nhiều doanh nghiệp có ngưng lại "quên" không công bố rộng rãi.

Đặc biệt, trong BHĐC có tình trạng, tổ chức, cá nhân bán hàng có nhiều vi phạm về nhãn mác hàng hóa, giá thành không niêm yết, nhiều hàng đã ngừng bán nhưng không khai báo cụ thể.

Ông Phan Đức Quế lại cho rằng, các vi phạm của doanh nghiệp thời gian qua thường là các tổ chức BHĐC chưa có giấy phép tổ chức BHĐC do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Vi phạm về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn vi phạm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, về quảng cáo công năng, tác dụng của sản phẩm và vi phạm về ký kết hợp đồng tham gia BHĐC.

Thực trạng nêu trên theo Cục Quản lý cạnh tranh việc ban hành cơ chế, chính sách pháp luật mới phù hợp với điều kiện hiện tại của BHĐC là rất cần thiết. Vì thế, năm 2012, Chính phủ đã có chương trình rà soát các văn bản pháp luật. Bộ Công Thương đã giao cho Cục Quản lý cạnh tranh nghiên cứu, đề xuất phương hướng và nội dung sửa đổi Nghị định 110/2005/NĐ - CP ngày 24/8/2005 về quản lý hoạt động BHĐC. Dự kiến, trong thời gian sớm nhất, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định nới trên nhằm quản lý tốt hơn hoạt động BHĐC và hạn chế các tiêu cực, tồn tại nêu trên.

Nét mới của dự thảo nghị định về BHĐC sắp được ban hành là Bộ Công Thương có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức BHĐC. Hiệu lực của các giấy chứng nhận đăng ký tổ chức BHĐC là 5 năm. Quy định về vốn pháp định của doanh nghiệp BHĐC phải là 10 tỷ đồng. Ngoài ra, nghị định mới cũng quy định nhiều vấn đề bắt buộc doanh nghiệp ký quỹ 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng. Thời hạn tối đa cho phép doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 12 tháng. Cấm thu phí cấp, đổi thẻ thành viên dưới bất kỳ hình thức nào…

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý