Trong
khi đó, việc phân bổ quỹ khám chữa bệnh (KCB) chưa đều giữa các tuyến; hợp đồng
BHYT chưa cụ thể, chi trả, quản lý chưa tốt: cấp thẻ trùng nhiều, công tác giám
định còn nhiều hạn chế. Những điều này đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung pháp luật
BHYT hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu CSSK nhân dân. Theo tôi, để đạt được mục
tiêu BHYT toàn dân rất cần quy định BHYT mang tính bắt buộc, bao phủ toàn dân
trên cơ sở tính toán cân đối mức đóng - hưởng để bảo đảm CSSK tốt nhất cho người
dân, nhưng không mất cân đối quỹ BHYT. Rất cần phải hoàn thiện và ban hành gói
dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, ngân sách và mức
đóng để bảo đảm quyền lợi của người tham gia và an toàn quỹ".
TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
Báo cáo kết quả giám sát đã chỉ ra nhiều dạng thức trục lợi bảo hiểm y tế. Dự thảo Luật BHYT lần này đã khắc phục những bất cập đó như thế nào, thưa ông?
- Đúng là có nhiều dạng thức trục lợi BHYT, có thể nói một số loại cơ bản sau: trước hết phải đề cập đến các hình thức lạm dụng quỹ BHYT như tình trạng chênh lệch giá thuốc cùng loại giữa các bệnh viện trong tỉnh, giữa các tỉnh, giữa bệnh viện với thị trường; không công bằng về chi trả quỹ BHYT cho mỗi ca bệnh ở các bệnh viện cùng hạng; chênh lệch về tần suất KCB giữa các địa phương. Kê khai khống hóa đơn thuốc, buồn hơn có bệnh viện nhân bản kết quả xét nghiệm để trục lợi quỹ BHYT như Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức. Đặc biệt, tình trạng cấp phát trùng thẻ BHYT với số lượng thẻ khá lớn. Theo số liệu của hơn 40 tỉnh, thành số thẻ cấp trùng đã lên tới gần 8 vạn thẻ làm lãng phí NSNN hàng trăm tỷ đồng. Để khắc phục tồn tại này ngoài tăng cường công tác quản lý nhà nước thông qua thanh tra, kiểm tra, giám sát còn phải hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tại kỳ họp Quốc hội lần này hướng đến bảo đảm BHYT toàn dân; xây dựng cơ chế để khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và chính quyền các cấp; phân cấp mạnh quản lý quỹ BHYT để địa phương chủ động trong việc mở rộng đối tượng tham gia, quản lý quỹ hiệu quả, công khai, minh bạch, phục vụ lợi ích người dân tốt hơn. Bên cạnh đó, dự luật cũng quy định cơ chế thống nhất giá dịch vụ y tế đối với bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, quy định về đấu thầu thuốc, vật tư y tế phục vụ KCB theo BHYT; bổ sung cơ chế kiểm soát lạm dụng dịch vụ y tế, quy định cụ thể gói quyền lợi BHYT cơ bản mà người tham gia BHYT được hưởng; điều chỉnh chính sách cùng chi trả với một số nhóm đối tượng và mức cùng chi trả đối với người tham gia BHYT… Vấn đề quan trọng nữa là công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để mọi người tự giác tham gia và giám sát lẫn nhau.
Việc Quỹ bảo hiểm y tế kết dư ở tỉnh “nghèo” lại được sử dụng cho các địa phương “giàu” hơn có tạo ra bất công như nhận định của một số ĐBQH? Khắc phục bằng cách nào?
- Điều đó quả thực là không công bằng, vì hiện nay NSNN hỗ trợ 100% cho người nghèo, người dân tộc thiểu số. Trong khi NSNN hạn hẹp thì quỹ BHYT cho nhóm đối tượng này liên tục kết dư và “bao cấp ngược” cho các tỉnh giàu bị bội chi. Điều này cho thấy, thực sự BHYT cho người nghèo chỉ đang tập trung bao phủ về số lượng, nhưng chưa thực sự chú trọng tới chất lượng CSSK cho đồng bào. Hay nói cách khác, chất lượng dịch vụ KCB cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh nghèo chưa đáp ứng được mục tiêu và nhu cầu CSSK nhân dân. Vấn đề quan tâm của nhà nước là dịch vụ y tế ở các tỉnh nghèo, miền núi không sẵn có, chất lượng không cao, bên cạnh đó các yếu tố văn hóa, phong tục tập quán… cũng là nguyên nhân làm cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ít được sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe dẫn đến kết dư quỹ BHYT.
Bình luận của bạn