Bệnh "cột sống" của ngành… cột sống Việt Nam


Đây là một câu chuyện đáng suy ngẫm trước thềm hội nghị thường niên hội Cột sống TP.HCM lần thứ 19 năm 2013. Và rõ ràng lời giải của bài toán rất dễ nếu chúng ta có dịch vụ tốt, tay nghề giỏi, phương tiện điều trị hiện đại thì người dân không phải "chạy" ra nước ngoài như thế...

Một ngành trẻ nhưng không khoẻ

Tháng 4/2014, hội Cột sống TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị thường niên lần 20 kết hợp hội nghị hội Nghiên cứu cột sống cổ châu Á - Thái Bình Dương lần 5 và khoá chuyển giao kỹ thuật hội Cột sống - hội Butterfly Foundation lần thứ 8. Giá trị của những tiếp xúc và giao lưu quốc tế, ngoài việc thụ hưởng kiến thức, kỹ thuật mới nhất đẩy trình độ điều trị cột sống được nâng cao; còn có tác dụng rất lớn trong việc phát hiện những hạn chế trong ngành, sự yếu kém tụt hậu của người thầy thuốc.

Tới nay chỉ có một hội nghề nghiệp nghiên cứu về cột sống, đó là hội Cột sống TP.HCM, thành lập năm 2000 (trực thuộc hội Y học TP.HCM). 38 năm trước, ít ai biết có nghề cột sống. Lúc đó, bác sĩ kén chuyên khoa này bởi vất vả, dụng cụ phương tiện không có, tính chất của bệnh thì phức tạp. Khi tôi về làm bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), được thầy là PGS.BS Hoàng Tiến Bảo, chủ nhiệm bộ môn chấn thương chỉnh hình (đại học Y dược TP.HCM) giao phát triển ngành cột sống từ năm 1976 tới giờ. Thầy đã cho thành lập đơn vị cột sống 38 giường ở bệnh viện Bình Dân từ năm 1978 thành hẳn một phân khoa cột sống. Đây là tầm nhìn chiến lược phát triển ngành cột sống rất sớm.

Khi chúng tôi chuyển qua cải tạo bệnh viện Trần Hưng Đạo thành trung tâm Chấn thương chỉnh hình (bây giờ là bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM) thì bác sĩ chuyên làm cột sống tách hẳn ra, thành khoa cột sống riêng đầu tiên trong nước vào năm 1985. Từ thập niên 2000, chuyên khoa cột sống bắt đầu tiến bộ. Nhiều bác sĩ ngoại thần kinh chuyển qua làm cột sống. Nhiều anh em tham gia học tập, bổ túc thêm để mổ cột sống. Hiện tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, hai khoa cột sống A và B có 90 giường và khoảng 20 bác sĩ chuyên khoa cột sống.

Hà Nội cũng có hai khoa cột sống - một ở bệnh viện Việt Đức từ năm 2005 và một ở viện Quân y 108 từ năm 2006. Khánh Hoà có một khoa ngoại phẫu thuật cột sống thuộc bệnh viện đa khoa Khánh Hoà. Về nhân sự chính danh, số bác sĩ chuyên khoa cột sống lúc đầu có hai người, giờ trong khoa cột sống bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đã có 20 người. Tuy nhiên số bác sĩ trong nước có huấn luyện, đào tạo mổ cột sống chỉ khoảng 60 người, không đáp ứng yêu cầu xã hội.

Lỗ hổng từ đào tạo, hạn chế từ tầm nhìn

Mỗi năm có hàng ngàn bệnh nhân bị chấn thương cột sống và hàng trăm người bị biến chứng liệt, và số đó mỗi năm đều tăng, là gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội. Lĩnh vực chỉnh hình cột sống cũng có những bệnh tật phức tạp: nhỏ thì dị tật bẩm sinh, lớn bị vẹo còng cột sống vô căn hoặc bệnh lý; trung niên thì đau thắt lưng, đau thần kinh toạ do thoát vị đĩa đệm, bệnh lý thoái hoá cột sống; có tuổi thì loãng xương… Điều đó đặt ra vấn đề phải có hệ thống đào tạo chuyên ngành bác sĩ cột sống đàng hoàng.

Từ phía quản lý nhà nước, bộ Y tế, bộ Giáo dục và đào tạo phải nhìn ra được lỗ hổng này. Bởi khi nhu cầu nhân dân cao nhưng cứ yếu và thiếu từ ngành y thì sẽ có tình trạng mổ không đúng chỉ định kỹ thuật. Nhiều bác sĩ bây giờ phóng tay làm quá mức, cái gì cũng mổ đặt dụng cụ, cái gì cũng dựa vào kết quả chụp MRI. Khám kỹ bệnh nhân, xem xét khám lâm sàng cẩn thận - chính là một yếu tố của y đức. Sự việc đó phản ánh nhiều lỗ hổng, là tay nghề và cái tâm người thầy thuốc, là sự mất đi tính khách quan khi "làm ăn" với các công ty thiết bị (nếu có). Nhắc tới đó để biện dẫn một sự việc liên quan, của những tổ chức kết hợp với hội Cột sống TP.HCM qua chương trình chữa bệnh cho những bệnh nhi còng, vẹo cột sống, giúp mổ miễn phí từ năm 1996. Đặc biệt, từ năm 2006 tới nay là sự vào cuộc của tổ chức từ thiện Butterfly Foundation qua chương trình chuyển giao kỹ thuật giúp bệnh nhân mổ dị tật cột sống, trượt đốt sống, mất vững xương sống vùng thắt lưng và cho dụng cụ (800 - 1.600 USD/con ốc) miễn phí. Họ làm từ tâm, bài bản nhờ chiều sâu trong đào tạo y khoa. Người ta đào tạo một bác sĩ chấn thương chỉnh hình khi mới 18 tuổi, học đại học y 6 - 7 năm, học thêm chuyên môn 5 - 6 năm nữa, 30 tuổi đã trở thành bác sĩ chuyên khoa được huấn luyện hoàn chỉnh chịu trách nhiệm trước cộng đồng.

Để thay đổi triệt để về nhân sự, chúng ta phải có con đường mang tính chính quy như thế.

Để dân biết, dân tin

Số khoa cột sống ở các tỉnh còn quá mỏng, nhưng tổ chức phân tuyến, phân vùng lại thiếu đồng bộ dẫn tới tình trạng, những bệnh đáng chuyển để mổ thì giữ lại mổ, những bệnh không đáng chuyển, cần giữ lại cho bệnh nhân đỡ khổ, lại chuyển. Một ngày tôi tiếp mười ca chấn thương, hết 6 - 7 ca có thể điều trị tại địa phương. Nếu có khoa cột sống thì bệnh nhân sẽ tìm thẳng tới đây để được điều trị kịp thời, sự hỗ trợ, liên thông giữa tuyến trên - tuyến dưới trong lĩnh vực sẽ thuận lợi. Nâng cao uy tín các đồng nghiệp tại chỗ là cách hay nhất để người dân tới viện điều trị.

Có một bài toán dễ tính, nếu chúng ta có dịch vụ tốt, tay nghề giỏi, phương tiện điều trị hiện đại thì những người có điều kiện trong nước không phải "chạy" ra nước ngoài. Vì không tin về dịch vụ và kỹ năng nên họ bỏ đi, như vậy đất nước bị thất thoát tiền rất nhiều. Trong khi đó, 38 năm qua chưa có bệnh viện công nào xây mới đàng hoàng, đủ tầm cỡ về mặt quản lý, tổ chức, chuyên môn cho người dân tin cậy. Singapore đi trước mình 10 - 20 năm khi đầu tư những ngành chuyên sâu, hàng đầu thế giới nên người ta thích tới đây chữa. Thái Lan cũng đi theo con đường này.

Nhập nhằng công - tư như hiện nay cũng là điều nguy hiểm. Đã là bệnh viện công thì 100% là công với cơ chế thoáng hơn để lo đời sống nhân viên. Tuy nhiên, hiện nay khi cho phép mổ ngoài giờ tràn lan (xã hội hoá) thì rất dễ biến bệnh viện công thành một loại hình na ná bệnh viện tư, dễ phát sinh tiêu cực. Có bệnh viện sau hai giờ chiều đã không muốn nhận bệnh nhân trong giờ để mổ!

Bệnh cột sống tại Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt những nhóm bệnh như đau thắt lưng do công việc, thoát vị đĩa đệm, mất vững xương sống chiếm tỷ lệ lớn nhất. Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM mỗi năm có trên 500.000 người đến khám, mỗi năm phẫu thuật khoảng 2.000 người. Anh em trong nghề tiếp cận kiến thức tốt, nhạy bén và tay nghề không thua kém ai. Quan trọng là việc sử dụng, tạo điều kiện cho họ không gian, sự kết nối để phát huy giá trị đó. Phải làm sao để người dân nhìn nhận được rằng người trong nước làm được chuyện. Và về phía người bệnh, phải tạo điều kiện cho người ta cảm nhận khi đến bệnh viện sẽ thấy thoải mái, yên tâm.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý