Bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng máy đo tủy vào phẫu thuật cột sống

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch cùng các phẫu thuật viên đang thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân bị bệnh lý cột sống có úng dụng máy theo dõi tủy

Thiền định có giúp giảm đau sau phẫu thuật cột sống?

Ứng dụng sóng cao tần thế hệ mới trong phẫu thuật cột sống ít xâm lấn

Người lớn có thể bị cong vẹo cột sống không?

Làm gì khi bị cong vẹo cột sống?

Các bác sỹ Khoa Phẫu thuật cột sống - Viện Chấn thương Chỉnh hình của Bệnh viện Việt Đức lần đầu tiên ứng dụng máy theo dõi tủy vào quá trình bắt vít của phẫu thuật cột sống cho 3 bệnh nhân, trong đó có một bệnh nhi 9 tuổi phẫu thuật chữa trị vẹo cột sống và 2 bệnh nhân người lớn bị u tủy thắt lưng và u tủy ngực

Với việc đưa máy theo dõi tủy vào quá trình phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức trở thành cơ sở y tế đầu tiên của Việt Nam ứng dụng hệ thống máy này.

Phẫu thuật cột sống là những kỹ thuật rất khó, trong phẫu thuật cột sống chỉ sai số 1mm là vị trí cần can thiệp đã đi rất xa và lúc đó chiếc ốc, vít nhằm can thiệp vào cột sống sẽ đi vào mạch máu và dây thần kinh, gây tai biến cho bệnh nhân. Trong phẫu thuật cột sống thường liên quan đến tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu và cấu trúc xương dây chằng xung quanh, do đó đòi hỏi phẫu thuật viên phải được đào tạo căn bản và có kinh nghiệm. Bởi cột sống là nơi chứa tủy sống và các đám thần kinh quan trọng điều khiển hoạt động của cơ thể, nên chỉ cần thiếu chính xác một chút trong phẫu thuật là có thể dẫn tới tổn thương gây liệt hoặc tử vong.

BS. Vũ Văn Cường - Khoa Phẫu thuật cột sống cho biết, với trường hợp bệnh nhân bị cong vẹo cột sống mới 9 tuổi, nếu tiến hành bắt vít vào cột sống để  đặt nẹp giãn thẳng sẽ rất nguy hiểm cho cháu vì cháu còn nhỏ nên nguy cơ tổn thương tủy, gây liệt rất cao. Do đó, các bác sỹ - phẫu thuật viên của Khoa Phẫu thuật cột sống đã phải sử dụng máy theo dõi tủy để giúp phát hiện sớm các khu vực có ảnh hưởng thần kinh để qua sự thay đổi các sóng thần kinh biểu thị trên máy theo dõi.

Riêng đối với 2 trường hợp còn lại bị u tủy ngực và u tủy thắt lưng L1, do khối u nằm trong ống sống nên có thể bao bọc, lẫn trong tủy sống, vì vậy ứng dụng máy theo dõi tủy có thể giúp phẫu thuật viên bóc tách chính xác phần bệnh lý, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra cho bệnh nhân.

PGS. TS Nguyễn Văn Thạch - Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc, nguyên Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, người đảm nhiệm chính cho 3 ca phẫu thuật nói trên, cho biết, máy theo dõi tủy hoạt động trên nguyên lý sử dụng các sóng điện sinh lí như điện não, điện cơ, sóng gợi để theo dõi và bảo tồn chức năng của cấu trúc thần kinh trong phẫu thuật. Máy giúp giảm nguy cơ tổn thương hệ thần kinh trung ương và giúp các phẫu thuật viên bảo tồn tối đa chức năng của hệ thần kinh, giúp tránh các tai biến có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, đặc biệt là đối với phẫu thuật cột sống khi tủy sống vốn có rất nhiều dây thần kinh mà chỉ cần sai sót nhỏ có thể khiến bệnh nhân bị liệt.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, từ trước tới nay, các bác sỹ phẫu thuật cột sống chỉ “làm mò” nên tai biến hoàn toàn có thể xảy ra, như trong quá trình mổ, bác sỹ phải làm căng tủy sống, nên thay đổi dây thần kinh, mà nếu ảnh hưởng đến tủy thì bác sỹ cũng khó phát hiện được. Sau khi nắn vẹo cột sống rồi, phải chờ khi bệnh nhân tỉnh để thăm dò các chức năng thần kinh có bị ảnh hưởng không để tiếp tục có hướng điều trị, và nếu có tai biến xảy ra thì việc tiếp tục can thiệp, điều trị cho bệnh nhân sẽ rất khó khăn, phức tạp.

Tín hiệu sóng của máy theo dõi tủy giúp cho quá trình phẫu thuật cột sống thêm chính xác tuyệt đối

“Do đó việc ứng dụng máy theo dõi tủy giúp cho ê-kíp phẫu thuật xử lý triệt để quá trình phẫu thuật không gây ra các tai biến, vừa tăng tỷ lệ thành công vừa giảm chi phí và thời gian điều trị cho bệnh nhân. Với việc áp dụng máy đo tủy, thời gian phẫu thuật sẽ rút ngắn. Trước đây, sau khi mổ, bác sỹ phải chờ khoảng 30 phút để bệnh nhân tỉnh dậy, rồi mới kích thích cho người bệnh xem có phản xạ hay không. Còn nay, bác sỹ hoàn toàn yên tâm để tiến hành phẫu thuật vì có sự hỗ trợ đảm bảo tuyệt đối của máy”- PGS.TS Nguyễn Văn Thạch cho hay

Về 3 bệnh nhân đầu tiên được ứng dụng máy theo dõi tủy trong phẫu thuật cột sống, TS. Đinh Ngọc Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống - Viện Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Việt Đức, một trong những người tham gia phẫu thuật cho biết, ngay trong chiều ngày 23/11, các ca phẫu thuật đều đã thành công tốt đẹp.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội