Việt Nam là nước nông nghiệp, lại nằm cạnh quốc gia có thị trường quá rộng lớn nên việc giao thương nông sản là tất yếu. Ngoài những cá nhân, tổ chức chấp hành nghiêm luật pháp, có một bộ phận lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam để thu mua hàng hóa trái phép, trong đó không loại trừ phá hoại. Họ thường nâng giá cao, mua những nông sản lạ như móng trâu, móng bò, lá cây này, rễ cây nọ… Hoạt động này thường mang tính chụp giật, ăn xổi ở thì, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống sản xuất, phân phối đã hình thành lâu đời ở nước ta.
Bộ Công Thương mới có văn bản chỉ đạo các sở công thương tăng cường kiểm soát hoạt động thu mua của thương lái Trung Quốc nhưng lại chưa nêu biện pháp cụ thể?
Đây không phải là lần đầu tiên. Từ đầu năm 2012, khi thương lái Trung Quốc thu mua nông sản rộ lên, Bộ Công Thương đã chủ động điều hành, chỉ đạo thường xuyên tới các địa phương quản lý việc thu mua này. Theo đó, hệ thống chính sách kiểm soát hoạt động thu mua cũng được hoàn thiện. Thương nhân nước ngoài đến Việt Nam làm ăn phải đăng ký kinh doanh; đối với doanh nghiệp nước ngoài thì phải có giấy chứng nhận đầu tư, có văn phòng đại diện… Nếu vi phạm thì xử phạt theo quy định như phạt hành chính, tịch thu, trục xuất… Thực tế, cơ quan quản lý đã từng tịch thu hàng hóa thu mua trái phép, trục xuất thương lái trong một số vụ vi phạm ở Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế…
Có nhiều biện pháp siết chặt quản lý nhưng sao vẫn còn thương lái Trung Quốc lọt vào trong nước thu mua trái phép?
Qua tìm hiểu, những thương lái thu mua nông sản bất thường thường vào Việt Nam bằng con đường du lịch, thăm thân nhân, chữa bệnh, doanh nhân tìm hiểu cơ hội kinh doanh… Quan trọng là phải kiểm soát được họ vào có hoạt động đúng mục đích ban đầu hay không. Việc này cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành và các địa phương.
Có cách nào phân biệt việc thu mua nông sản của thương lái Trung Quốc là nhằm mục đích thương mại hay mục đích nào khác, trong khi họ hầu như chỉ thu mua nông sản “lạ”?
Có thể do không sử dụng thì mình cho là lạ nhưng với thị trường khác thì lại có giá trị. Quan trọng là hoạt động thu mua đó có được cấp phép, thu mua có đúng quy định hay không. Tuy nhiên, nếu thương nhân nước ngoài thu mua những nông sản khác lạ thì cần lưu ý để phát hiện bất thường nếu có.
Với việc thương lái Trung Quốc lúc đầu thu mua với giá cao, sau đó đột ngột dừng và quay trở lại ép giá, cần có biện pháp nào để bảo vệ quyền lợi của nông dân Việt Nam?
Yêu cầu đối tác xuất trình giấy phép và ký kết hợp đồng theo quy định. Việc này là do đối tác trong nước quyết định, nhà nước chỉ quản lý việc giao thương có đúng pháp luật hay không. Đừng thấy có lợi trước mắt mà bán và nuôi trồng nông sản ồ ạt vì có thể bị thiệt hại sau này.
Xin cảm ơn ông.
Bình luận của bạn