Bộ trưởng Bộ Y tế: Tôi thấy Bình Chánh "khủng khiếp" nhất

5 học sinh ngất xỉu sau khi tiêm vaccine

60 trẻ bị tiêm nhầm vaccine sẽ được tiêm lại

WHO chính thức thử nghiệm vaccine Ebola trong tháng 12

60 trẻ mầm non bị tiêm nhầm vaccine bằng nước cất

Sẽ không còn lo cháy vaccine?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh như thế tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về kết quả công tác y tế TP.HCM trong 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm 2014 vào ngày 5/8.

 

Nguồn nước đang đe dọa đến dịch bệnh

Theo bà Tiến,TP.HCM phải xem xét lại nguồn nước người dân sử dụng như thế nào, cần phải xét nghiệm nguồn nước sinh hoạt của người dân, nhất là các khu vực ngoại thành. Thực tế hiện nay, nguồn nước cho người dân TP sử dụng chỉ tập tập trung vào Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO), chiếm khoảng 90%. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tiến, hiện 3 nhà máy nước lớn nhất của TP.HCM có công suất trên 1000m3/ngày đều không đạt clo dư ngay từ gốc, các yếu tố vi lượng Mg, Fe... đều có hàm lượng cao hơn mức cho phép.

“Nồng độ Mg, Fe trong nước cao như thế, người dân sử dụng nước sẽ bị nhiễm độc. Riêng clo không đảm bảo, chắc chắn sẽ nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn đầu tiên là gây tiêu chảy”, bà Tiến cảnh báo.

Bên cạnh đó, cũng theo bà Tiến, hàng loạt trạm cấp nước ở TP có công suất dưới 1000m3/ ngày bị nhiễm Coliform (tức trong nước có phân), có nơi cao gấp chục lần so với quy định.

Chẳng hạn, trạm cấp nước ở quận 8 có đến 510 vi khuẩn Coliform/100ml (mức cho phép chỉ là 50 vi khuẩn Coliform/100ml), hay một số trạm cấp nước ở huyện Nhà Bè cũng có lượng vi khuẩn Coliform vượt gấp chục lần so với quy định. Bộ Y tế sẽ có công văn gửi UBND TP chi tiết về kết quả này.

Dù là nước máy , nhưng người dân phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm như thế này
Bà Tiến cho rằng, việc cung cấp nước hiện nay ở TP đang có vấn đề. Nếu điều này TP không giải quyết sớm thì ngoài việc người dân bị ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài, mà trước mắt có thể mắc bệnh về đường ruột như bệnh tả. Dự báo, nhiều khu vực ở TP.HCM sẽ bùng lên những dịch lớn mà có thể kháng khuẩn.

Bà Tiến đề nghị: “Ngành y tế TP phải quyết liệt hơn với công tác này, vì hơn 8 triệu dân của mình, trong đó có rất nhiều dân nhập cư”.

Cũng theo bà Tiến, địa bàn huyện Bình Chánh, nơi vừa xảy ra 2 trường hợp tử vong do tiêu chảy, môi trường ở đây hết sức lo ngại. Dịch tả, tiêu chảy sẽ rất khó khống chế, nếu nguồn nước không đảm bảo, điều kiện cầu tiêu ao cá.

TP.HCM phát triển không đồng đều, các huyện ngoại thành như: Bình Chánh, Cần Giờ,… nguồn nước sinh hoạt khan hiếm, chất lượnng nước còn rất kém.

“Nói TP.HCM là địa phương có GDP cao nhất nước, nhưng mới đây tôi đi thăm xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, khó thấy có địa phương nào ở miền Tây khó khăn như vậy. Hơn 20 năm công tác trong ngành, tôi đi nhiều xã, huyện ở các tỉnh miền Tây, nhưng có lẽ Bình Chánh là địa phương mà tôi thấy khủng khiếp nhất”, bà Tiến chia sẻ.

Năm tới sẽ không thiếu vắc xin

Tuy nhiên, bà Tiến cũng đánh giá cao những hoạt động của ngành y tế TP.HCM, nhất là vấn đề xây dựng bệnh viện vệ tinh, tiêm vắc xin, bác sĩ gia đình, thanh kiểm tra an toàn thực phẩm, công tác phòng chống dịch… Đặc biệt công tác phòng chống dịch rất tốt, nhất là không để xảy ra tử vong.

Mùa mưa sắp tới, bà Tiến lưu ý ngành y tế TP, ngoài bệnh sốt xuất huyết, điều lo lắng nhất là bệnh tiêu chảy, có thể là tả, lị và cả viêm não Nhật Bản B… Do đó, vấn đề môi trường, phòng bệnh cần phải được quan tâm.

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong tháng 7 vừa qua, TP đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do tiêu chảy. Hiện 2 khu vực xảy ra các trường hợp tử vong do tiêu chảy đang được theo dõi.

Tuy nhiên, hiện nay có một điều đáng lo ngại về tình hình dịch tiêu chảy ở huyện Bình Chánh là sự xuất hiện của vi rút gây tiêu chảy có trong cơ thể ốc.


Trẻ mắc tiêu chảy đang điều trị tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM

Riêng về vấn đề tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản B, bà Tiến cho biết, hiện Bộ Y tế chỉ tổ chức tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, nhưng nếu địa phương nào có nguy cơ cao về viêm não Nhật Bản thì cứ đề xuất bộ sẽ tăng thêm tuổi tiêm chủng vắc xin này.

Bà Tiến cho rằng, việc TP.HCM thiếu vắc xin dịch vụ 5 trong 1 hay 6 trong 1 chỉ là thiếu cục bộ do người dân đưa trẻ tiêm quá đông. Điều này, một phần do người dân lo ngại bị tai biến khi tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của thiếu vắc xin là do dịch bệnh bùng phát ở nhiều nước, chứ không chỉ Việt Nam, nên nhà sản xuất không thể đáp ứng đủ. Ngay cả những nước có nhà máy sản xuất vắc xin như: Bỉ, Pháp, Mỹ… người dân ở đây cũng thiếu vắc xin.

“Nói thế không có nghĩa chúng ta chấp nhận, hiện Bộ Y tế cũng đã họp bàn với những nhà cung cấp. Do đó, ngành y tế TP, nơi có nhiều điểm tiêm chủng phải lên kế hoạch dự trù vắc xin để đảm bảo đủ cung cầu. Chắc chắn năm tới sẽ không thiếu vắc xin như năm nay”, bà Tiến cho biết.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý