Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh: Giang Huy.
Lời hứa của Bộ trưởng
Vấn đề an toàn thực phẩm đang là "quốc nạn"
Hà Nội xử phạt 8,8 tỷ đồng vi phạm về an toàn thực phẩm
WHO báo động tồn dư kháng sinh trong thực phẩm tại Việt Nam
Tại hội trường Quốc hội ngày 1/4, câu nói "đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác tất cả không an toàn" của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát gây nhiều ý kiến trái chiều.
Ngày 3/4, Bộ trưởng Cao Đức Phát giải thích, do thời gian ở Quốc hội hạn chế nên ông đã diễn đạt chưa rõ ràng, khiến độc giả và người dân bức xúc. "Thực ra, ý tôi muốn nói là với số liệu chúng tôi có được cho thấy phần lớn thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng người dân khó có thể phân biệt được đâu là thực phẩm thực sự an toàn hay vi phạm. Để giúp người dân phân biệt thì đó là trách nhiệm của chúng tôi và các cơ quan quản lý nhà nước", ông Phát nói.
Bộ trưởng giải thích thêm: "Lẽ ra tôi phải nói là người dân không hiểu đâu là sản phẩm thực sự an toàn và đâu là sản phẩm vi phạm, nhưng vì thời gian gấp quá, tôi cắt mất mấy chữ đó. Tôi xin lỗi vì chưa diễn đạt hết ý khiến nhiều người hiểu nhầm".
Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết, nhiều năm nay ngành nông nghiệp coi việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm số 1, bởi hiểu đó là mong đợi của nhân dân, có liên quan đến sức khỏe, giống nòi. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là mục tiêu tái cơ cấu ngành.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng chia sẻ đồng cảm với lo lắng của người dân về thực phẩm mất an toàn. "Tôi cũng đi ăn ở những quán bình dân, vào thăm mẹ nằm ở bệnh viện thì cũng ăn ở căng tin bệnh viện, trong gia đình cũng có người bị ung thư nên chia sẻ, cảm nhận sâu sắc nỗi đau của những gia đình có người bị bệnh nan y. Tôi thực sự muốn cố gắng để đóng góp cùng với Bộ, cùng với hệ thống chính trị đáp ứng mong đợi của nhân dân", ông nói.
Thời gian qua Bộ Nông nghiệp đã liên tục mở các chiến dịch ngăn chặn sản xuất thực phẩm không an toàn, tình hình có chuyển biến nhưng còn chậm. Năm nay, lực lượng chức năng tiếp tục có hành động mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực này.
Trước đó chiều 1/4, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trước lo lắng của đại biểu về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Bộ đang tập trung kiểm soát việc sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh. "Vừa qua chúng tôi xử lý chất cấm, bước đầu khá thành công và đã giảm mạnh, triệt được nguồn nhập khẩu. Đến nay việc sử dụng chất cấm trong các cơ sở sản xuất thức ăn hầu như rất ít, chỉ còn một số trang trại, hộ chăn nuôi lẻ”, ông Phát nói.
Bộ trưởng thông tin, trong 5 tháng vừa qua Bộ lấy gần 6.000 mẫu phân tích thì số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%. "Như vậy đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn", ông Phát nói.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp Chính phủ cuối tháng 3, Bộ trưởng Phát phân trần đã phối hợp với Bộ Y tế trong việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm, chứ các bộ không đổ lỗi cho nhau. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nói đã phối hợp tốt với ngành nông nghiệp trong kiểm soát chất cấm và “ung thư không chỉ vì vệ sinh thực phẩm không đảm bảo mà rất nhiều yếu tố như di truyền…”.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phản bác: “Thưa anh Phát và chị Tiến, anh chị nói rằng các Bộ phối hợp với nhau rất tốt, nhưng dân bây giờ vẫn ăn bẩn thì tốt cái gì? Nói thế không được. Nói thế thì tức là bảo dân cứ tạm thời ăn bẩn đi, chúng tôi còn phải có lộ trình à? Cần có biện pháp rất nhanh”.
Bình luận của bạn