Bộ Y tế nghiên cứu triển khai "hộ chiếu vaccine" COVID-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời báo chí về tiến độ triển khai "hộ chiếu vaccine".

Y tế tuần qua: Việt Nam thực hiện hộ chiếu vaccine

Việt Nam chuẩn bị thực hiện giải pháp "hộ chiếu vaccine" COVID-19

Người có "hộ chiếu vaccine" về Việt Nam vẫn phải cách ly 14 ngày?

Vaccine phòng COVID-19 Pfizer hiệu quả 100% với trẻ em

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 31/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế đang làm việc với các bộ, ngành nghiên cứu triển khai "hộ chiếu vaccine" để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa mở cửa nền kinh tế, với việc mở lại các đường bay quốc tế.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Y tế, hiện nay "hộ chiếu vaccine" vẫn còn là vấn đề đang nghiên cứu và có nhiều tranh luận tại nhiều nước, cần phải bàn bạc kỹ lượng để "cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ".

"Lợi ích là việc mở cửa lại đường bay để phát triển kinh tế, còn nguy cơ là việc vẫn có thể xảy ra lây nhiễm cộng đồng. Do đó, đây là việc chúng ta còn cần phải nghiên cứu thêm, cần phải làm từng bước", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc ngày 17/3 của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và 63 tỉnh, thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng "hộ chiếu vaccine". Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng "hộ chiếu vaccine" và giao thương có sự kiểm soát.

Ngày 19/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ góc độ tiếp cận của ngành Y tế, “hộ chiếu vaccine” thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế, cho phép người có "hộ chiếu vaccine" không phải cách ly, xét nghiệm COVID-19 (một số nước vẫn yêu cầu xét nghiệm COVID-19).

Việt Nam đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận “hộ chiếu vaccine” thông qua mã QR-code. Cách thức này dựa vào hai dữ liệu cơ bản: Số thẻ Bảo hiểm y tế hoặc chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân. Khi đến, người dân cung cấp thông tin cá nhân để được kiểm tra trên hệ thống xác nhận. Sau khi tiêm đủ 2 mũi, hệ thống thông tin sẽ được cập nhật lên mã QR-code, xác thực cho người dân. Khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm của người dân.

“Hộ chiếu vaccine” thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19

Ngày 26/3, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19 đưa ra yêu cầu chuẩn bị phương án về cơ chế, địa điểm, thời gian cách ly, xét nghiệm và theo dõi y tế với những người đã được tiêm vaccine nhập cảnh Việt Nam. Đồng thời đôn đốc các bộ ngành liên quan tiếp tục giải pháp kỹ thuật để sẵn sàng tạo điều kiện cho những người đã được tiêm vaccine và có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam.

Những trường hợp được xem xét áp dụng "hộ chiếu vaccine" là chuyên gia, thương nhân đã tiêm vaccine 2 lần, được hệ thống của Việt Nam xác nhận là loại vaccine hợp pháp, được tiêm bởi hệ thống cơ sở y tế đảm bảo; người Việt Nam ở nước ngoài đã được tiêm vaccine và có nhu cầu về nước.

Bộ Y tế cũng được giao chuẩn bị về dài hạn sẽ áp dụng "hộ chiếu vaccine" cho những người nước ngoài muốn vào Việt Nam với mục đích giao lưu, du lịch; báo cáo các nội dung trên tại cuộc họp sắp tới của Ban chỉ đạo.

Nguyên Hương H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin