Bộ Y tế quản chặt vaccine tiêm chủng

Trước khi tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng phải tư vấn cho gia đình, người được tiêm chủng về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng. Đồng thời, phải khám sàng lọc cho người được tiêm chủng theo quy định; cung cấp thông tin về loại vaccine, liều sử dụng, hạn dùng cho người được tiêm chủng hoặc cha mẹ, người giám hộ của trẻ.

Khi tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng phải kiểm tra nhiệt độ bảo quản, hạn dùng, đối chiếu với chỉ định sử dụng vaccine; thực hiện theo đúng quy định về các bước trước và trong khi tiêm chủng.

Sau khi tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng yêu cầu người được tiêm chủng phải ở lại cơ sở tiêm chủng tối thiểu 30 phút để theo dõi; đồng thời, phải hướng dẫn và phối hợp với gia đình trẻ cách theo dõi và chăm sóc trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm.


Thông tin về từng trường hợp tiêm vaccine phải được ghi đầy đủ vào sổ tiêm chủng (lưu tại cơ sở tiêm chủng) và phiếu tiêm chủng hoặc sổ tiêm chủng cá nhân trả lại cho gia đình hoặc người được tiêm chủng. Thông tư nêu rõ, các lọ vắc xin đã mở quá thời gian quy định thì không được phép sử dụng tiếp. Vaccine, bơm kim tiêm chưa sử dụng còn lại sau buổi tiêm phải được bảo quản theo quy định.

Tại cơ sở tiêm chủng, khi đang triển khai tiêm chủng mà xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, người đứng đầu cơ sở tiêm chủng phải chỉ đạo dừng ngay buổi tiêm chủng; xử trí cấp cứu, chẩn đoán nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm chủng; trường hợp vượt quá khả năng thì phải chuyển người bị tai biến nặng sau tiêm chủng đến bệnh viện gần nhất…

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn