Một em bé bị dị tật bẩm sinh tại Brazil. |
Hàng nghìn thai phụ trên khắp thế giới đã dùng loại thuốc này mà không hề biết rằng nó ảnh hưởng đến thai nhi, cụ thể là hạn chế sự phát triển của cánh tay và chân. Tổng cộng, trên toàn thế giới đã có khoảng 10.000 em bé bị ảnh hưởng bởi Thalidomide được sinh ra trước khi loại thuốc này bị thu hồi vào đầu những năm 1960.
Tại hầu hết các nước trên thế giới, những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi Thalidomide hiện đã khoảng 50 tuổi và không có thêm những đứa trẻ mắc bệnh được sinh ra nữa. Nhưng tại Brazil, Thalidomide đã được tái cấp phép sử dụng vào năm 1965 để điều trị các tổn thương da do biến chứng của bệnh phong.
Theo thống kê, Brazil là nước có tỉ lệ người mắc bệnh phong cao thứ 2 trên thế giới, với hơn 30.000 trường hợp mắc bệnh mới được chẩn đoán mỗi năm. Điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu viên Thalidomide đã được cấp cho bệnh nhân mắc bệnh phong để giảm bớt các triệu chứng bệnh, trong số đó có cả những người mang bầu. Nhiều phụ nữ đã dùng thuốc mà không ý thức được những nguy cơ có thể xảy ra khi họ mang bầu.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do bác sỹ Lavinia Schuler-Faccini - một giáo sư tại trường Đại học Rio Grande do Sul - và các cộng sự thực hiện, tại Brazil hiện có 100 trẻ em mắc các dị tật bẩm sinh giống hệt với những dị tật do Thalidomide gây ra. "Một thảm kịch đang xảy ra tại Brazil nhưng nó là một hội chứng hoàn toàn có thể tránh được", bác sĩ này nói.
Bác sỹ Schuler-Faccini cho biết, để có được thống kê này, ông và các cộng sự đã tham khảo giấy chứng sinh của 17,5 triệu trẻ em được sinh ra trong giai đoạn 2005 đến 2010.
"Chúng tôi đã xem xét tất cả các trường hợp trẻ em mắc các dị tật đặc trưng bởi Thalidomide. Tiếp theo đó, chúng tôi so sánh sự phân bổ thuốc Thalidomide với số lượng trẻ bị bệnh. Kết quả là, chúng tôi đã phát hiện một sự tương quan trực tiếp. Tại các bang được phân nhiều Thalidomide hơn, số trẻ bị dị tật nghi là do Thalidomide cũng cao hơn hẳn", bác sỹ Schuler-Faccini thông tin.
Cũng theo nhóm khảo sát của bác sỹ Lavinia Schuler-Faccini, dù nhà chức trách quy định Thalidomide sẽ chỉ được chỉ định cho những phụ nữ đang thực hiện kế hoạch hóa sinh sản và đồng ý kiểm tra thai kỳ thường xuyên. Trên bao bì thuốc cũng có các khuyến cáo rõ ràng nhưng bệnh phong là bệnh của người nghèo, hiểu biết hạn chế, sống tại những khu vực mà hệ thống y tế còn rất nghèo nàn.
Do đó, một số phụ nữ đã vô tình uống phải Thalidomide vì chẳng biết là thuốc gì trong khi một số khác cho biết họ hiểu được rằng họ có nguy cơ mang bầu và sinh ra một đứa trẻ bị dị tật nhưng vẫn uống. "Vì đó là loại thuốc tốt nhất", bác sỹ Francisco Reis, công tác tại bệnh viện phong Curupaiti gần Rio de Janiero nói.
Bình luận của bạn