Gặp người tai nạn giao thông, ứng cứu như thế nào?

Biết sơ cứu đúng có thể cứu nguy người bị nạn trong gang tấc

Sơ cứu bệnh nhân động kinh đúng cách

Những sai lầm “kinh điển” trong sơ cứu các tình huống thường gặp

Cách sơ cứu khẩn cấp khi trẻ bị bỏng

Cách sơ cứu 6 tai nạn hay gặp ở trẻ

Theo BS. Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, cấp cứu người bị nạn luôn là một tình huống khó bởi không phải ai cũng biết cách sơ cứu. Ngay cả nhân viên y tế không hẳn ai cũng biết biết cách sơ cấp cứu. Trong khi biết sơ cứu đúng có thể cứu nguy người bệnh trong gang tấc.

Việc đầu tiên, hãy hô hoán kêu người tới giúp, gọi xe cứu thương hoặc công an tới ngay khi có thể, đồng thời tìm cách sơ cứu đúng cách cho nạn nhân ngay tại hiện trường trước khi nạn nhân được chuyển tới bệnh viện.

Giữ thông đường thở, kiểm tra ngừng tim

Theo BS. Đỗ Danh Quỳnh - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Việt Đức, khi sơ cứu bất cứ trường hợp nào, việc đầu tiên là cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi... phải móc ngay ra. Nếu người bệnh không thở được thì phải hô hấp nhân tạo. Muốn hạn chế tình trạng suy hô hấp thì nên đặt bệnh nhân nằm đầu cao. Nếu bệnh nhân bị huyết áp thấp, hoặc bệnh nhân có bệnh sọ não cần lưu ý không nên đặt nằm ở tư thế đầu quá cao.

TS. BS. Bùi Hoàng Hải - Bộ môn Hồi sức Cấp cứu, Đại học Y Hà Nội hướng dẫn thêm, có thể kiểm tra người bệnh ngừng tim chưa bằng cách kiểm tra (gọi hỏi không biết, ngừng thở hoặc thở ngáp, mạch cổ không đập). Nếu có ngừng tim cần để nạn nhân nằm ngửa nhẹ nhàng, duỗi thằng chân tay, tránh gập cổ… rồi ép tim ngay, đặt 2 tay chồng lên nhau giữa ngực nạn nhân và ép thật mạnh, thật nhanh, thả tay để ngực nở tối đa sau mỗi lần ép tim. Ép tim liên tục không nghỉ, sau 2 phút có người thay. Ép cho đến khi tim đập lại (tỉnh ra, thở được, có mạch cổ đập), hoặc cho đến khi nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp đến.

Cần lưu ý, chỉ di chuyển nạn nhân bị ngừng tim vào bệnh viện khi tim đã đập lại. Vì nếu ngừng tim vẫn cố đưa vào viện thì nguy cơ tử vong rất cao. Bởi vì khi người bị nạn ngừng tim, chỉ sau khoảng 6 phút không được ép tim thì dù tim có đập lại sau đó, người bệnh vẫn hôn mê vĩnh viễn.

Động tác ép tim
Nếu người bệnh còn tỉnh táo, đặt ở tư thế nằm nghiêng an toàn.

Sơ cứu vết thương chảy máu

Khi phát hiện máu chảy từ vết thương, hãy cầm máu bằng cách băng ép bằng quần áo, dây, hoặc cầm máu tại chỗ bằng cách lấy một cục bông đè mạnh vào vết thương - động tác rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.Với nạn nhân chảy máu ở đầu, người cứu phải quấn băng quanh đầu để cầm máu, nhưng vẫn phải luôn giữ đầu cố định.

Gãy xương phải làm sao?

Khi bị gãy xương (thường là bị gãy cẳng chân, tay), triệu chứng rõ nhất là đau và có khả năng mất vận động bên bị gãy. Triệu chứng tại chỗ sưng, tím, thậm chí những chỗ gãy hở còn thòi cả xương. Lúc này, cần đặt bệnh nhân ở tư thế nằm và không nên có những tác động vào vết gãy, vì tất cả những can thiệp đó có thể làm cho xương bị di lệch thêm. Tuyệt đối không kéo, nắn xương cho bệnh nhân.

Nên nẹp tạm thời chỗ xương gãy lại, dù có thể không biết nẹp đúng quy cách, nhưng sẽ hạn chế di động của xương và để người bệnh đỡ đau, sau đó đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện.

Trong trường hợp bị gãy nhiều xương sườn, bệnh nhân thường rất đau và khó thở. Lúc này, nên đặt bệnh nhân ở tư thế đầu hơi cao - tư thế này giúp bệnh nhân dễ thở hơn, rồi chuyển ngay đến bệnh viện.

Với bệnh nhân hôn mê

TS. Hải lưu ý, với người bị tai nạn hôn mê, cần chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện ở tư thế nằm. Nhưng đừng nhấc bổng, gập người bệnh nhân mà 2 – 3 người hãy nhấc người bệnh, đỡ đầu – vai, lưng – mông – chân để đầu, cột sống cổ luôn thẳng trục với thân mình.

Cũng lưu ý thêm có nhiều trường hợp bệnh nhân vẫn tỉnh táo, nhưng chấn thương cột sống cổ mất vững, khi di chuyển và sơ cứu, người giúp đỡ vô tình xốc ngược người bị nạn lên, cổ không được bảo vệ gây đứt tủy cổ dẫn đến nạn nhân choáng tủy có thể chết ngay, hoặc có thể bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi không hồi phục. Đây là sai lầm dễ mắc phải của người cứu hộ thiếu kiến thức.

Tuy nhiên, với những chấn thương nặng như vụ tai nạn giao thông trên, va chạm mạnh, bắn ra xa, chấn thương rất nặng nề để sơ cứu, cấp cứu không phải là điều dễ dàng, ngay cả với y bác sỹ.

Theo BS. Nguyễn Trung Cấp - Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những rủi ro tai nạn rất dễ gặp phải, trong khi kiến thức sơ cứu không phải ai cũng biết, thời gian chờ đợi xe cấp cứu thì lâu. Trong các vụ tai nạn, cảnh sát thường có mặt sớm, là người chỉ huy hiện trường. Vì thế các trường Công an nên dạy kỹ năng sơ cứu. Cảnh sát có thể sơ cứu ban đầu, đánh giá nạn nhân để quyết định cho tự đi đến BV hay phải chờ nhân viên y tế đến.

Ngoài ra, ngành y cũng nên học mô hình trực 113: Khi có cuộc gọi cấp cứu, Trung tâm điều phối tùy tình hình tắc đường và báo cáo ban đầu của cảnh sát về tình trạng nạn nhân sẽ điều thẳng xe cấp cứu đến hay huy động y tế phường gần nhất ra tham gia xử lý ban đầu trong lúc chờ xe cấp cứu. Thiết lập hệ thống liên lạc để Trung tâm có thể tư vấn việc xử lý cấp cứu tại hiện trường của y tế cơ sở.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin