Nghiên cứu thực hiện trên 7.000 người trong độ tuổi 24-32 từ mọi thành phần sắc tộc, trình độ học vấn. Nghiên cứu cũng so sánh giữa những anh chị em ruột với nhau để loại bỏ tác động của môi trường sống tới kết quả.
WHO khuyến cáo trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Ảnh: nydailynews
Sau khảo sát, các nhà khoa học đã phát hiện tương quan chặt chẽ giữa thời gian trẻ bú sữa mẹ với nồng độ CRP, một loại protein do gan sản sinh và được bài tiết vào máu. Nồng độ cao CRP là dấu hiệu đặc trưng trong mẫu máu của những người bị tình trạng viêm nhiễm. Viêm mãn tính từ lâu được cho là có liên quan tới bệnh tim, song nguyên nhân của hội chứng còn ít được biết đến này vẫn chưa rõ ràng.
Trong báo cáo công bố trên tập san Proceedings of the Royal Society B,các chuyên gia từ ĐH Northwestern, tác giả của công trình này cho biết, những người bú sữa mẹ trong khoảng từ 3 tới 12 tháng đầu đời có nồng độ CRP thấp hơn 20-30% so với người chỉ được nuôi bằng sữa ngoài. Theo các nhà khoa học, bú sữa mẹ có hiệu quả tương đương hoặc thậm chí lớn hơn so với việc sử dụng thuốc hạ mức CRP trong máu ở người trưởng thành.
"Kết quả này gợi ý rằng cho con bú sữa mẹ có thể giúp loại trừ một trong những nhân tố nguy cơ lớn dẫn tới bệnh tim khi trưởng thành", Alan Guttmacher, Giám đốc Viện Sức khoẻ trẻ em và phát triển con người Eunice Kennedy Shriver (Mỹ) nhận định.
Ngoài ra, các nhà khoa học đồng thời chứng minh rằng sinh ra nhẹ cân cũng khiến rủi ro bệnh tim gia tăng. Theo đó, cứ thêm 1 pound (0,454 kg) lúc mới sinh, nồng độ CRP trong máu hạ xuống 5%.
Tổ chức Y tế thế giới đã mô tả rằng nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những cách hiệu quả nhất để hạ thấp tỷ lệ tử vong và đảm bảo sức khỏe cho trẻ em.Tổ chức này khuyến cáo các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên. Tuy vậy, thống kê cho thấy khuyến nghị này chỉ được thực hiện trên khoảng 40% trẻ em trên toàn cầu.
Bình luận của bạn