Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, phòng tránh cho trẻ thế nào?

Mùa Hè là thời điểm số vụ tai nạn đuối nước trẻ em gia tăng

Để đuối nước không còn là nỗi ám ảnh mùa Hè

Sơ cấp cứu đúng cách giúp người bệnh thoát “cửa tử”

Sơ cứu trẻ đuối nước thoát “lưỡi hái tử thần”

Nỗ lực giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em giai đoạn 2021 - 2030

Những vụ đuối nước đau lòng

Gần đây nhất, chiều ngày 23/5, trên sông Sa Lung đoạn chảy qua xã Liên Hoa (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), 1 nam học sinh lớp 12 của Trường THPT Tiên Hưng (sinh năm 2005, trú tại xã Phong Châu) trong quá trình tắm sông cùng nhóm bạn đã bị đuối nước, tử vong khi chỉ còn ít ngày nữa em này sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trước đó, khoảng 17h ngày 22/5, trong quá trình chơi đùa, tắm cùng nhóm bạn khoảng 3-4 em tại khu vực vùng đầm nuôi trồng thủy sản của người dân ở tổ dân phố Mai Diêm, thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), 2 anh em ruột (trú tổ dân phố Nghĩa Chỉ, 1 em học lớp 5, 1 em học lớp 3) cũng bị đuối nước, tử vong thương tâm.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thái Bình còn xảy ra nhiều vụ đuối nước xảy ra ở ao, biển khác như: Vụ bé trai 2 tuổi ở xã Thụy Quỳnh (huyện Thái Thụy) ngã xuống ao gần nhà tử vong.

Tại Hà Tĩnh, có lẽ vụ đuối nước ám ảnh và đau thương nhất phải kể đến vụ chết đuối tại giếng làng ở xã Quang Lộc (huyện Can Lộc).

Vào khoảng đầu giờ chiều ngày 4/3, người dân địa phương khi đi qua giếng làng ở thôn Ban Long đã phát hiện 3 thi thể bị đuối nước nên đã thông báo cho chính quyền địa phương. Đến khoảng 13h30 cùng ngày, thi thể 3 nạn nhân được trục vớt lên bờ để đưa về an táng theo phong tục địa phương. Danh tính các nạn nhân gồm: T.Q.T (sinh năm 1999), T.T.N.B (sinh năm 2003, em gái của T) và N.Q.H (sinh năm 2012, cháu ruột của T và B.), cùng trú tại thôn Ban Long.

Đến khoảng 13h ngày 25/3, một nhóm khoảng 9 học sinh lớp 7 (Trường THCS Quang Trung - TP. Hà Tĩnh ) rủ nhau xuống biển Thạch Hải (Thạch Hà) để tắm. Trong quá trình tắm, nhóm học sinh sẩy chân xuống vùng nước sâu khiến 3 em đuối nước, mất tích. Sau 2 ngày lực lượng chức năng mới tìm được thi thể của các em và bàn giao cho gia đình đưa về mai táng theo phong tục địa phương.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người và là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong trẻ em từ 5-14 tuổi trên thế giới. Hơn 90% các trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Tháng 4/2021, lần đầu tiên trong lịch sử, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết về vấn đề đuối nước toàn cầu và chọn ngày 25/7 hàng năm làm Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước.

Chung tay phòng, chống đuối nước ở trẻ

Qua các vụ việc đuối nước trên lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự lơ là của các bậc phụ huynh trong việc quản lý, giám sát con em. Trẻ em là đối tượng rất hiếu động, ưa thích khám phá, tuy nhiên, do điều kiện công việc, tâm lý chủ quan, nhiều phụ huynh vẫn chưa thật sự quan tâm, quản lý con cái, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Công tác phòng, chống đuối nước trẻ em đã được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ. Để phòng, chống đuối nước hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường, tổ chức đoàn thể… Bên cạnh đó, chính người lớn cũng không được lơ là, chủ quan khi tới những nơi nước sâu nguy hiểm, bởi đuối nước có thể xảy ra với bất kỳ ai. Có vậy, mới có thể giảm thiểu được những vụ việc đau lòng do đuối nước gây ra.

Mùa Hè đến, các bậc phụ huynh cần phải chú trọng các biện pháp phòng chống đuối nước ở trẻ nhỏ như sau: Tuyệt đối không cho trẻ chơi gần ao, hồ, sông suối nơi có chứa nhiều nước khi không có sự giám sát của bố, mẹ; Không cho trẻ tắm sông, nhảy cầu; Trẻ phải mặc áo phao khi tham gia các loại hình giao thông đường thủy; Cho trẻ làm quen với nước và tập bơi để tránh đuối nước có sự giám sát của bố mẹ; Gia đình có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, hoặc đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội