Để đuối nước không còn là nỗi ám ảnh mùa Hè

Đuối nước - nỗi ám ảnh mỗi khi Hè về, không chỉ ở các làng quê mà ngay cả ở thành phố

Sơ cấp cứu đúng cách giúp người bệnh thoát “cửa tử”

Sơ cứu trẻ đuối nước thoát “lưỡi hái tử thần”

Nỗ lực giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em giai đoạn 2021 - 2030

Đuối nước ở trẻ vào mùa Hè: Làm sao để hạn chế những cái chết thương tâm?

Mới đây nhất, ngày 29/6, tại tỉnh Quảng Trị, ba nam sinh xuống biển Gio Linh tắm, gặp nước lớn, một em may mắn bơi được vào bờ, hai em còn lại bị sóng cuốn tử vong. Trước đấy 2 ngày, tại tỉnh Quảng Bình, cũng xảy ra vụ việc ba nam sinh gặp nạn khi tắm sông Dinh ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, nâng số trẻ thiệt mạng vì đuối nước lên hàng trăm ca từ đầu Hè.

Theo thống kê, trung bình cả nước chỉ có khoảng 30% trẻ em biết bơi và tỷ lệ này tại một số tỉnh thành còn rất thấp. Đáng lưu ý, gần 77% trẻ chết đuối ngoài cộng đồng do thiếu kỹ năng an toàn với môi trường nước. Không nhận biết được đâu là vùng nguy hiểm cấm tắm, nên dù biết bơi vẫn gặp nạn.

Điều đó lý giải vì sao vào những ngày hè, hầu như ngày nào chúng ta cũng đọc được thông tin đau lòng về trẻ em bị đuối nước trên khắp cả nước.

Để đuối nước không còn là nỗi ám ảnh với xã hội mỗi khi mùa hè đến. Bên cạnh việc học bơi thông thường, các em cần phải thành thạo kỹ năng trong môi trường nước để tự cứu mình, như thoát hiểm nếu không may đuối nước, nhận biết nơi nào có thể tắm, nơi nào không. Xu hướng chung 5 năm qua, số lượng trẻ em đuối nước có giảm, nhưng đường đồ thị luôn cao vọt trong những tháng hè.

Cách nhận biết vùng nguy hiểm cấm bơi

- Ở sông, suối, ao, hồ:

Vùng nguy hiểm là phần bờ sông, suối, ao, hồ có độ dốc lớn, dựng đứng. Nước bề mặt trong, phía dưới màu xanh càng thẫm thì mực nước càng sâu. Sóng gợn lăn tăn hoặc vùng nước mà ném chiếc lá xuống thấy xoay tròn rồi biến mất là nơi nước xoáy cần tránh xa.

Xoáy nước xuất hiện ở trên sông

Xoáy nước xuất hiện ở trên sông

- Ở trên biển:

Vùng nguy hiểm là những chỗ xuất hiện dòng chảy xa bờ (dòng rip). Dòng chảy xa bờ được ví như một dòng sông nhỏ sẽ cuốn tất cả những gì rơi vào nó xa khỏi bờ và đưa thẳng ra biển. Vận tốc trung bình dòng chảy có thể thay đổi từ 0,5 m đến 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Có khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy xa bờ có thể lên đến 2,5 m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic.

Dòng chảy xa bờ

Dòng chảy xa bờ

Nhận biết dòng chảy xa bờ nhờ những đặc điểm sau đây:

1. Có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn.

2. Có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn.

3. Đôi khi có thể thấy các mảnh vỡ/bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển.

Cách để thoát khỏi vùng nguy hiểm

- Đối với sông, suối, ao, hồ:

1. Tuyệt đối không bơi ngược dòng.

2. Phải bơi xuôi theo dòng chảy hoặc bơi chéo để thoát ra khỏi vùng xoáy

- Đối với dòng chảy xa bờ ở biển:

1. Bình tĩnh, không hoảng loạn.

2. Tuyệt đối không được cố bơi ngược dòng chảy xa bờ để vào bờ.

3. Hãy cố gắng bơi song song với bờ biển, hướng đến chỗ có sóng bạc đầu và nhờ sóng đưa bạn vào bờ.

Nếu cảm thấy đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu trợ giúp, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức.

Bên cạnh đấy, kỹ năng cứu người đuối nước cũng là một thứ mà các em đang thiếu hiện nay. Đây là một trong những yếu tố dẫn đến những vụ đuối nước tập thể hoặc cứu người nhưng đuối sức dẫn tới tử vong.

Để cứu người khác, trẻ không được tiếp xúc với nạn nhân mà phải tìm kiếm thật nhanh các vật có thể nổi được như phao, can nhựa, lốp xe... hoặc sào, gậy, đoạn cây khô quăng xuống để người đó bám vào, rồi la hét tìm người lớn trợ giúp. Người bị đuối nước thường đã uống một lượng nước khá lớn và bị sặc. Thần trí hoảng loạn, bản năng sinh tồn trỗi dậy mạnh mẽ. Nếu xuống cứu, người bơi lội không giỏi hoặc có thể trạng yếu hơn rất dễ bị nạn nhân kéo chìm dẫn đến mất mạng.

Thời gian nghỉ Hè đã tới, mùa mưa bão cũng bắt đầu, phòng tránh đuối nước không chỉ ở việc học bơi, biết bơi mà điều quan trọng hơn là các em cần được người lớn chỉ dẫn vui chơi ở đâu, chơi như thế nào để đảm bảo an toàn. Việc giải thích, hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng tự phòng vệ để con nhận thức được nơi nào nguy hiểm cần tránh xa là vô cùng cần thiết.

 
Việt An
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ