Sơ cứu trẻ đuối nước thoát “lưỡi hái tử thần”

ThS.BS Nguyễn Hoàng Nguyên hướng dẫn sơ cứu cấp cứu cho trẻ bị đuối nước - Ảnh: Đức Bình

Nỗ lực giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em giai đoạn 2021 - 2030

Video: Bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn sơ cứu trẻ đuối nước

Vác trẻ lên vai chạy làm mất cơ hội sống của trẻ đuối nước!

Những điều cần nhớ để tránh đuối nước khi đi du lịch biển

“Những con số biết nói”

Theo Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), tai nạn thương tích ở trẻ em tại Việt Nam là một vấn đề y tế công cộng cần quan tâm.

Trong 5 năm qua, tình hình trẻ em tử vong do tai nạn thương tích đều giảm. Tỷ lệ tử vong do tai nạn, thương tích tại Việt Nam tương đương các nước thu nhập trung bình và trong khu vực nhưng vẫn cao hơn gấp 3 lần so với các nước thu nhập cao. Tử vong do thương tích chiếm tỷ lệ cao ở các nhóm trẻ em từ 1 - 14 tuổi.

Tuy nhiên, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích và tử vong ở trẻ em. Đây không chỉ là nỗi đau, mất mát của các gia đình có trẻ tử vong, mà còn là nỗi lo của toàn xã hội.

Cục trẻ em cho biết, từ tháng 1 đến tháng 5/2022 có 113 trẻ tử vong do đuối nước. Trong 2 tuần cuối tháng 4, đầu tháng 5 có tới 14 trẻ tử vong do đuối nước.

Theo Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đuối nước là "dịch" thầm lặng cướp hơn 2.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm, song "dịch" này có thể phòng ngừa. Điều cốt lõi vẫn là cần trang bị cho trẻ em ở độ tuổi tiểu học trở lên biết bơi và biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng xử lý tình huống...

Kiến thức “sống còn” khi cho con đi biển

Mùa Hè hay cũng chính là mùa du lịch đến, nhu cầu tới những bãi biển hay khu vực có bể bơi để phục vụ nhu cầu giải trí, thư giãn ngày một tăng. Tuy nhiên, môi trường nước cũng tiềm ẩn nguy cơ vô cùng lớn khi nạn đuối nước xảy ra ngày một nhiều.

Chính vì vậy, khi bơi lội cũng như vui chơi ở môi trường nước như biển hay ao, hồ, sông, suối, có những lưu ý cha mẹ cần phải nắm được, chúng chính là những yếu tố quan trọng, có thể phòng ngừa những tai nạn ngoài ý muốn ở trẻ.

BS. Nguyễn Hoàng Nguyên trong buổi trao đổi với Tạp chí Sức khỏe+ - Ảnh: Đức Bình

BS. Nguyễn Hoàng Nguyên trong buổi trao đổi với Tạp chí Sức khỏe+ - Ảnh: Đức Bình

ThS.BS Nguyễn Hoàng Nguyên, Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống tại Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing lưu ý:

Đối với cha mẹ, trước khi đi du lịch cần phải xem xét thời tiết khu vực gia đình đến có tốt hay không, biển có đẹp hay không. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu thêm nơi sắp đến là khu du lịch mới được khai thác hay khai thác từ lâu. Bởi những khu du lịch từ lâu sẽ luôn có cứu hộ, còn ở các khu mới phần cứu hộ vẫn chưa được đề cập đến hay còn rất thưa thớt.

Khi gia đình đã ra đến biển. Nếu con muốn xuống nước phải mặc áo phao hoặc thuê cho con 1 chiếc phao giúp trẻ có thể nổi trên mặt nước. Cho dù con có biết bơi hay không, có được trang bị phao hay các thiết bị hỗ trợ hay không, người lớn cũng cần cực kỳ để tâm tới trẻ khi chúng tiếp xúc với các môi trường nước.

Ngoài ra, cha mẹ cần phát hiện sớm vùng cát lún hay vùng nước xoáy. Đây là những yếu tố nguy cơ có thể khiến cho các vụ tai nạn xảy ra.

Thao tác sơ cấp cứu trẻ đuối nước

Nguyên tắc cấp cứu đuối nước là tại chỗ, khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân.

BS. Nguyên hướng dẫn thao tác sơ cấp cứu người bị đuối nước như sau:

Bước 1: Đầu tiên cần đánh giá hiện trường, việc quan trọng nhất là phải đưa nạn nhân lên bờ an toàn và bản thân bạn cũng không trở thành nạn nhân thứ 2.

Bước 2: Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Sau đó, bạn cần đánh giá dấu hiệu sống của nạn nhân qua 3 yếu tố bao gồm: Sự tỉnh táo, nhịp thở và mạch.

+ Nếu bệnh nhân còn nhịp thở, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng, móc hết dị vật, đàm nhớt trong họng để giải phóng đường thở. Cùng lúc nên gọi hỗ trợ xung quanh và cấp cứu 115 để dự phòng các biến chứng xảy ra.

+ Nếu bệnh nhân không có 3 dấu hiệu sống trên thì cần thực hiện hồi sức tim phổi ngay lập tức. Hồi sức tim phổi bao gồm 2 hành động, đó là ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo, với chu kỳ 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt. Thực hiện từ 7-8 chu kỳ trong vòng 2 phút.

Động tác thực hiện ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo cho người đuối nước - Ảnh: Đức Bình

Động tác thực hiện ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo cho người đuối nước - Ảnh: Đức Bình

Sau khi thực hiện xong cần quay trở lại để đánh giá xem bệnh nhân có dấu hiệu sống trở lại chưa. Nếu nạn nhân chưa có dấu hiệu sống trở lại cần tiếp tục thực hiện cho đến khi có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, nạn nhân có dấu hiệu sống hoặc người sơ cứu kiệt sức.

Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai. Việc không sơ cứu kịp thời hoặc sơ cứu sai cách sẽ khiến nạn nhân rơi vào vào nguy hiểm hoặc để lại các di chứng não sau này.

Trên đây là những lưu ý và bước sơ cứu cấp cứu quan trọng được ThS.BS Nguyễn Hoàng Nguyên khuyến cáo cha mẹ nên nắm kỹ trước khi cho trẻ tới gần môi trường nước.

VIDEO CHUYÊN GIA NÓI VỀ ĐUỐI NƯỚC VÀ HƯỚNG DẪN SƠ CỨU ĐUỐI NƯỚC

 
Lê Tuyết
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn