Cấm lạm dụng rượu, bia là cần thiết
Việc lạm dụng rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người uống mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình và gây mất trật tự an ninh xã hội.
Số liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Y tế) cho biết, 10 năm gần đây, lượng tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam tăng đến 300%. Việt Nam đang đứng thứ nhất về tiêu thụ rượu, bia trong khu vực các nước Đông Nam Á. Có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia; trong đó 1/4 trong số này sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại. Có tới 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia mang lại. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của gần 40 loại bệnh, và là nguyên nhân gián tiếp của nhiều loại bệnh khác.
Đây không phải là lần đầu Việt Nam có quy định về cấm uống rượu, bia nhưng là lần đầu quy định này được luật hóa. Chính vì thế, những quy định của Dự thảo có khả thi hay không trở thành vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.
Liệu có khả thi
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu và Nước giải khát Việt Nam – bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của quy định này. “Một số nước trên thế giới cũng đã triển khai giải pháp này, tuy nhiên, hiện nay gần như không có quốc gia nào còn thực hiện được vì nhu cầu sử dụng rượu, bia của người dân sau 22h là rất lớn . Ngay ở Việt Nam, quy định cấm bán rượu cho trẻ từng được đưa ra nhưng chỉ “nằm trên giấy”, và vì thế cần nghiên cứu thấu đáo quy định cấm bán rượu, bia sau 22h để không quy định thì thôi, quy định đưa ra phải có tính khả thi, phải được “tâm phục, khẩu phục”. Không nên để quy định lại trở thành cơ hội tiếp tay cho các hành vi phi pháp”.
Bình luận của bạn