Cận cảnh vũ đài của bệnh nhân ung thư giai đoạn 3

Hãy là chiến binh, đừng là tù binh

Angela là một trợ giảng của trường ĐH công nghệ Nanyang (Singapore), cô đã đồng ý để kênh Channel NewsAsia quay phim quá trình điều trị của mình, phục vụ seri phim tài liệu sức khỏe điều trị ung thư. Nghĩa là đôi khi Angela phải xuất hiện dưới ánh đèn không hào nhoáng. Vì xạ trị cường độ cao, Angela không được trang điểm và có lúc cằm cô ấy đầy mụn.

BS. Ang Peng Tiam- Giám đốc trung tâm ung thư Parkway (PCC) đã chỉ định cho Angela 33 liều xạ trị và một đợt hóa trị.

Vì khối u và việc điều trị rất gần với vùng họng và mũi khiến cô bị loét và đau họng. “Nó giống như là bị nướng 33 lần. Họng của tôi bỏng rát, tôi không thể ăn và thậm chí không thể nhấp chút sữa. Trước khi uống sữa tôi phải uống thuốc giảm đau!”

Cơn đau không thể ngăn cản Angela tiếp tục quay phim tài liệu. Cô nhắn tin cho đội sản xuất: “Ngày mai tôi truyền hóa chất lần cuối và tôi mất giọng vì đau họng. Chỉ có thể uống sữa. Còn bốn lần nữa! Cuối cùng, cũng thấy ánh sáng cuối đường hầm”.

Angela cho biết, trong cuộc chiến chống ung thư, có một thứ còn nguy hại hơn các tế bào phân chia mất kiểm soát. Đó là thứ tù ngục tinh thần do mà người bệnh tự tạo cho mình khi bị chẩn đoán mắc ung thư. “Tôi không thể để mình bị giam trong thứ ngục tù tinh thần này. Tôi phải chiến đấu” cô khẳng định. “Lúc đó, con tôi mới đầy 5 tháng. Nếu muốn thấy con gái lớn lên, tôi phải chiến thắng bệnh ung thư”.



Chiến dịch ‘Chiến binh ung thư’

Angela còn tuyên chiến với ung thư bằng cách khác, là tham gia chiến dịch “Chiến binh ung thư” của PCC. Chiến dịch bắt đầu từ tháng 2/2011, nhằm mục đích nâng cao nhận thức về ung thư và tầm soát sức khỏe, và cũng nhằm hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Trong buổi nói chuyện lưu động, Angela đưa ra một nghiên cứu trong đó chỉ ra cách giúp người sử dụng lao động tuyển dụng và giữ chân các lao động là bệnh nhân đã chiến thắng ung thư.

Angela nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu này: “Đối với những người chiến thắng ung thư việc quay lại làm việc chính là biểu tượng cuối cùng cho thấy họ đã trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên người sử dụng lao động vẫn chưa thực sự hiểu rõ làm thế nào để sử dụng nhân viên chiến thắng ung thư trong tổ chức; họ cần hướng dẫn rõ ràng. Thuê lao động chiến thắng ung thư cũng là một hình thức chia sẻ trách nhiệm xã hội”.

Bản thân Angela rất biết ơn khi được trở lại công việc của mình. “Tôi đã cố gắng duy trì cuộc sống bình thường sau khi có chẩn đoán và trong suốt quá trình điều trị. Tôi sống trong ký túc xá trường đại học công nghệ Nanyang và những người hàng xóm là nguồn động viên lớn cho tôi. Tôi duy trì công việc của mình, chỉ nghỉ phép khi ở giai đoạn then chốt và khi giọng của tôi bị ảnh hưởng. Khi việc điều trị của tôi quá mệt, tôi chỉ nghỉ trưa chứ không nằm liệt giường!”.

Ngoài ra, Angela còn khai thác kinh nghiệm thực tế để đóng góp vào việc chăm sóc bệnh nhân ung thư, đó là khích lệ sinh viên làm đề án tốt nghiệp - một cuốn sách long lanh những hình ảnh về đồ ăn.

Angela cho biết: “Các sinh viên của tôi cùng nhau viết và xuất bản cuốn sách này nhằm khích lệ hành trình chống lại ung thư. Cuốn sách này bao gồm những công thức dành cho bệnh nhân chiến thắng ung thư và đã được chuyên gia dinh dưỡng chứng nhận. Cuốn sách này nhằm mục đích phục vụ cộng đồng ung thư, không chỉ cho bệnh nhân và gia đình mà cho bất cứ ai bị ung thư ảnh hưởng”.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn