Can thiệp sớm - "Chìa khóa" điều trị tự kỷ thành công


Ảnh minh họa

“Dạy con từ thuở còn thơ”

Chị N.T.Dung (37 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Cách đây hơn 3 năm tôi sinh đôi được 2 bé trai, cứ tưởng là may mắn nhưng thật không ngờ 2 con đều bị tự kỷ. Bản thân tôi là một cô giáo chăm sóc trẻ đặc biệt nên tôi phát hiện con mình tự kỷ từ sớm (khoảng 1 tuổi), lúc đó 2 bé có một vài biểu hiện như: không biết nói bập bẹ, khi gọi bé ít quay ra nhìn mẹ… Vì được học qua cách dạy và chăm sóc trẻ tự kỷ nên tôi đã áp dụng những phương pháp này để dạy sớm cho con mình. Hiện, tôi cho con đi học ở lớp học chuyên biệt để cô giáo dạy con vì mẹ dạy con thường ít tác dụng hơn cô giáo. Ngoài ra, khi con ở nhà tôi thường dành nhiều thời gian để chơi cùng con, cập nhật thêm những phương pháp mới để dạy cho con… Và đến nay sức khỏe của 2 cháu đã tốt nên rất nhiều, nhận thức mọi thứ xung quanh được nhiều hơn…”.

Biểu hiện chung của rối loạn tự kỷ là những khiếm khuyết về tương tác xã hội, giao tiếp và những hành vi định hình cùng với ý thích bị thu hẹp. Bên cạnh đó, trẻ thường có những rối loạn cảm giác và tăng động. Và “giai đoạn vàng” để điều trị cho trẻ tự kỷ là từ 6 – 36 tháng tuổi. Khi trẻ được 12 – 18 tháng tuổi có thể phát hiện được những dấu hiệu khác lạ và khi trẻ 2 tuổi có thể chẩn đoán chính xác trẻ có bị tự kỷ hay không, ở mức độ như thế nào. Vì thế, các bậc cha mẹ cần nhận biết sớm dấu hiệu nghi ngờ của chứng tự kỷ và đưa con đến bệnh viện.

Theo tiến sỹ tâm lý lâm sàng Trần Văn Công (ĐH Giáo dục Hà Nội), “cha mẹ có thể phát hiện sớm chứng tự kỷ ở trẻ qua các dấu hiệu như: Trẻ thiếu đáp ứng khi gọi tên; Khó khăn với chú ý đồng thời (hiếm khi chỉ đồ vật cho người khác, hiếm khi đưa đồ vật cho người khác); Kém giao tiếp mắt; Thiếu hứng thú với trẻ khác cũng tuổi; Những khó khăn về cảm giác, vận động (chơi lặp lại với vật thể, tư thế cơ thể bất thường, nhìn chằm chằm vào vật thể)…”.

Tuy nhiên, trên thực tế “có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc phát hiện sớm chứng tự kỷ ở trẻ và làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị như: Trẻ chậm phát triển nghiêm trọng về ngôn ngữ thường được phát hiện sớm (tự kỷ điển hình); Những trẻ chỉ bị kém về ngôn ngữ giao tiếp thực dụng thường khó phát hiện hơn (ví dụ trẻ tự kỷ ở mức độ nhẹ, trước đây gọi là Asperger); Nữ thường được chẩn đoán muộn hơn nam; Sự chấp nhận của bố mẹ/ông bà về việc con/cháu mình có thể bị tự kỷ…”, TS.Công cho biết thêm.

Những ai có thể đánh giá/chẩn đoán?


Chương trình giáo dục trẻ tự kỷ càng sớm càng hiệu quả

Hiện, có nhiều công cụ đánh giá và chẩn đoán tự kỷ được phát triển, nhưng kể cả công cụ tốt nhất cũng trở nên vô nghĩa nếu người đánh giá không được đào tạo và không có kinh nghiệm phù hợp. Và việc đánh giá trẻ tự kỷ có thể được thực hiện bởi các nhà tâm lý học, nhà thần kinh học, bác sỹ nhi khoa, bác sỹ tâm thần… Những người làm công việc đánh giá/chẩn đoán cần có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm (đã được giám sát và chẩn hóa) về đánh giá tự kỷ. Kiến thức và kỹ năng của người đánh giá/chẩn đoán đóng vai trò quan trọng để giúp phát hiện sớm tự kỷ ở trẻ và có biện pháp điều trị hiệu quả nhất.

Theo Hiệp hội Tự kỷ Hoa Kỳ thì không có xét nghiệm y khoa (y tế) để chẩn đoán tự kỷ. Một chẩn đoán chính xác phải dựa vào quan sát giao tiếp, hành vi và mức độ phát triển của cá nhân. Do vậy việc đưa ra chẩn đoán tự kỷ ở Mỹ không nhất thiết phải do bác sỹ đưa ra.

Hiện, nguyên nhân chính xác của chứng tự kỷ vẫn chưa được xác định, nhưng được cho là do nhiều yếu tố với vai trò chính là yếu tố di truyền.

Và những nguyên tắc điều trị được các chuyên gia nhấn mạnh bao gồm: Nâng cao kỹ năng xã hội, tạo môi trường sống thích hợp, sử dụng những phương pháp can thiệp dựa trên học thuyết nhận thức và hành vi. Chương trình giao dục bắt đầu càng sớm thì càng hiệu quả.

Chương trình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ bao gồm tác động tới trẻ và tư vấn cho gia đình để dạy trẻ như: Điều hòa các giác quan, dạy các kỹ năng vận động tinh và vận động thô, kỹ năng giao tiếp bằng lời và không lời, chơi trị liệu, dạy kỹ năng tự lập trong sinh hoạt… sẽ giúp trẻ nhận thức mọi thứ xung quanh tốt hơn và hòa nhập với cộng đồng.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ