Cảnh báo tình trạng mua thùng đừng hóa chất độc hại để tái sử dụng

Nhiều người hám rẻ mua về dùng để chứa nước, đồ sinh hoạt hàng ngày mà không biết những ẩn họa độc hại khôn lường.


Thùng phi hóa chất bán tràn lan

Chúng tôi ghé vào một vựa thu mua và buôn bán can, thùng phi nhựa ngay cạnh cây xăng Đồng Mai. Chủ vựa tên H đon đả mời chào: “Chú mua can hay thùng ở đây chị có tất, từ 20 lít đến 250 lít. Số lượng bao nhiêu cũng có”. Tôi trả lời: “Tôi muốn tìm một cái thùng khoảng 200 lít để làm bể lọc giếng khoan”. Chủ vựa dẫn chúng tôi đi lựa hàng, theo quan sát, đúng là loại nào cũng có, phần lớn là các can, thùng phi đựng hóa chất được thu mua từ các mối tập kết về đây, cũng chẳng cần vệ sinh hay làm sạch. Chủ vựa chỉ cần thuê người cắt phần trên nắp thùng và nếu khách yêu cầu đục lỗ thì cũng được đáp ứng ngay.

Tôi tỏ vẻ hoài nghi về những chiếc thùng, phi đựng hóa chất liệu có an toàn khi sử dụng hay không, chị chủ vựa vẫn nhiệt tình nói: “Ở chỗ tôi đa phần là thùng đựng sơn hoặc phụ gia sơn nên chú cứ yên tâm. Có một số đựng axít công nghiệp, tẩy rửa bằng xà phòng là hết ngay”. Theo lời chị chủ vựa, tôi thấy trên miệng của các thùng, phi còn nguyên các mảng màu trắng bám loang lổ. Một số can thùng phi còn nguyên nhãn mác và logo cảnh báo nguy hiểm với sức khỏe con người. Tôi lấy lý do giá quá cao, muốn đi khảo thêm giá một số địa điểm khác. Dù thất vọng nhưng chị chủ vựa cũng vớt vát nói: “Chú cứ đi xem đi, ở đây có giá chung rồi, nếu giá như vậy thì quay lại lấy cho chị”.



Chỉ qua vựa đầu tiên chưa đầy 100 mét là một vựa can, thùng, phi có số lượng nhiều hơn hẳn. Đang loay hoay đi tìm chủ vựa thì một chiếc xe tải nhỏ từ từ dừng lại. Người thanh niên xuống xe hỏi tôi: “Anh bán thùng phi ở đây à”. Tôi trả lời: “Không, tôi cũng tìm mua thùng phi, nhưng không thấy chủ đâu”. Anh chủ bán xà gồ ngay bên cạnh gọi chủ vựa tên S ở trong nhà ra. Từ trong nhà đi ra, đáp ứng nhu cầu của người thanh niên, ông S trèo lên đống thùng lần lượt mang xuống một số mẫu cho người thanh niên xem. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, người thanh niên này đồng ý mua loại thùng hóa chất màu xám có ghi “Made in Japan” mà theo ông chủ thì loại này vừa dày vừa bền nhất. “Bao nhiêu tiền cái thùng phi này?”. “Đúng hai trăm tám, không bớt”. “Tôi lấy 2 chiếc thì bớt đi một ít”. “Không anh lấy cả trăm cái cũng vậy mà có khi còn đắt hơn”. Sau một hồi do dự, người thanh niên đã đồng ý lấy 2 chiếc thùng với số tiền 560 nghìn đồng, không kém một đồng.

Dù đã thỏa thuận mua nhưng người thanh niên vẫn tỏ vẻ nghi ngờ hỏi: “Cái này đựng gì anh nhỉ?”. Ông chủ vựa trả lời ráo hoảnh: “Thì toàn đựng hóa chất chứ gì nữa”. Người thanh niên tiếp lời: “Anh có thể mở nắp ra cho tôi xem được không”. Ông S trả lời chẳng cần suy nghĩ: “Việc gì phải mở, nó đựng hóa chất, anh cứ dùng đi có khi hết đời không hỏng”. Chuyển hai chiếc thùng phi ra xe, lúc này ông chủ vựa mới quay lại phía tôi hỏi: “Chú mua thùng phi à”. Tôi trả lời: “Vâng, tôi định mua về làm bể lọc, loại nào thì phù hợp anh nhỉ”. Vừa sắp xếp lại đống thùng phi, ông S vừa nói: “Tùy vào việc sử dụng, nhưng nếu thay bể lọc thì cũng phải loại thùng phi từ 180 lít trở lên”. Tôi hỏi thêm: “Nhưng là thùng hóa chất thì có độc hại gì không anh”. Trước những câu hỏi của vị khách, như cảm thấy khó chịu, ông S buông lời: “Chả độc hại gì hết, người ta còn mua về đựng nước mưa ăn uống hàng ngày mà có bị làm sao đâu!?”.


Ẩn họa khôn lường


Trong vai người đi khảo giá, tôi lượn khắp các vựa bán can, thùng phi dọc tuyến Quốc lộ 6. Một điều dễ nhận thấy là nếu có nhu cầu thì chỉ cần ra ngoài này, người mua có thể tha hồ lựa chọn, không thiếu chủng loại và giá cả cũng thay đổi tùy theo dung tích can, thùng phi...

Tại vựa đối diện chợ Mai Lĩnh - nơi tập trung hành nghìn thùng phi sắt, ngoài việc bán cho những người có nhu cầu mua về tái sử dụng, đa phần các thùng phi được cắt ra, ép phẳng và có những mối thu mua khác. Việc thu mua về làm gì thì những người làm công ở đây cũng không biết, nhưng chỉ nhìn qua là có thể dễ dàng phát hiện những logo màu đỏ cảnh báo gây độc hại cho sức khỏe con người, như hóa chất có độc tố gây ung thư, chỉ tiêu hủy không tái sử dụng... Nhưng dưới bàn tay phù phép của các chủ vựa, chỉ sau vài phút bóc nhãn mác, cắt bỏ phần trên là nhưng can, thùng này trở thành dụng cụ tái sử dụng tùy theo mục đích của mọi người.

Nhiều gia đình đã mua thùng phi nhựa về sử dụng, đặt trên nóc nhà của các khu dân cư. Họ thường sử dụng chúng làm bể lọc nước hay để chứa nước ăn. Có những căn hộ 3-4 tầng, người dân vẫn mua thùng phi loại này về sử dụng. Anh Nguyễn Văn V, 40 tuổi ở Đồng Mai (Hà Đông) cho biết: “Lúc đầu, tôi định xây bể chứa nước nhưng thấy anh em, bạn bè tư vấn nên mua thùng phi nhựa ở trên Quốc lộ 6 về làm bể lọc và chứa nước, vừa thuận tiện lại dễ di chuyển. Tính ra thì rẻ gấp nhiều lần so với mua bồn nước in nốc hoặc xây bể”. Còn việc thùng phi trước đó đựng gì thì anh cũng không biết: “Mình có hỏi nhưng chủ vựa nói là đựng sơn, axít hữu cơ nên mình tin tưởng. Chứ biết là thùng phi đựng hóa chất độc hại thì có rẻ mình cũng chẳng mua làm gì”, anh V nói thêm.

Một người hàng xóm của anh V đang đến chơi phụ họa theo: “Ban đầu đi mua, tôi thấy mùi hóa chất nồng nặc từ trong thùng phi tỏa ra. Nhưng người chủ vựa khẳng định không độc hại, còn mùi thì về dùng xà bông tẩy rửa và ngâm nước một thời gian sẽ hết. Nhưng đến bây giờ, mỗi lần dùng nước, mọi người trong gia đình đều bị mẩn ngứa. Ban đầu nghĩ là do nguồn nước, nhưng hỏi hàng xóm thì không ai bị vậy, tôi nghĩ chắc là do hóa chất còn tồn dư trong thùng phi gây ra”.

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn