Cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Viêm gan C

Theo ước tính gần đây, hơn 185 triệu người trên thế giới đã bị nhiễm virus viêm gan C (HCV), trong đó 350.000 tử vong mỗi năm. Một phần ba trong số những người bị nhiễm mạn tính được dự đoán sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan. Mặc dù tỷ lệ hiện mắc của bệnh cao, hầu hết mọi người bị nhiễm virus này không biết mình bị nhiễm. Đối với nhiều người đã được chẩn đoán thì điều trị vẫn không sẵn có. Điều trị thành công ở phần lớn những người được điều trị, và tỷ lệ điều trị thành công ở những bệnh nhân được điều trị ở các nước có thu nhập thấp và trung bình tương tự như ở các nước có thu nhập cao.

350.000 tử vong mỗi năm do viêm gan C


Đây là hướng dẫn đầu tiên về điều trị viêm gan C của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nó bổ sung cho hướng dẫn hiện hành về phòng lây truyền các virus qua đường máu, trong đó có HCV. Hướng dẫn này được sử dụng cho các nhà hoạch định chính sách, các quan chức chính phủ và những người khác làm việc ở các nước có thu nhập thấp và trung bình đang xây dựng các chương trình sàng lọc, chăm sóc và điều trị những người nhiễm HCV. Hướng dẫn này đóng vai trò làm bộ khung có thể cho phép mở rộng các dịch vụ lâm sàng đến bệnh nhân nhiễm HCV khi cung cấp các khuyến cáo quan trọng trong các lĩnh vực này và thảo luận về những lưu ý khi triển khai. Hướng dẫn cũng dành cho các nhà cung cấp chăm sóc y tế, những người điều trị cho người nhiễm HCV ở các nước thu nhập thấp và trung bình và cung cấp cho họ hướng dẫn về xử trí bệnh nhân nhiễm HCV.

Hướng dẫn này được xây dựng theo quy trình tiêu chuẩn để xây dựng hướng dẫn của WHO như đã mô tả trong "Cẩm nang Xây dựng Hướng dẫn của WHO năm 2012". Quá trình xây dựng tuân theo phương pháp Chấm điểm Rà soát, Xây dựng và Lượng giá khuyến cáo (GRADE). Phương pháp này đưa ra hướng dẫn và các công cụ để xác định câu hỏi nghiên cứu, phát triển một khung phân tích, tiến hành rà soát hệ thống, đánh giá chất lượng tổng thể của các bằng chứng, và xác định hướng và sức mạnh của các khuyến cáo. Các khuyến cáo cuối cùng đã được nhất trí đồng thuận trong một cuộc họp của Nhóm Xây dựng Hướng dẫn vào tháng 6/2013.

Có thể tóm tắt các khuyến cáo về sàng lọc nhiễm HCV của WHO như sau:

1. Sàng lọc để xác định những người nhiễm HCV: có khuyến cáo đề nghị xét nghiệm huyết thanh HCV cho những người thuộc quần thể có tỷ lệ hiện mắc HCV cao hoặc những người có tiền sử tiếp xúc/có hành vi nguy cơ với HCV. (Khuyến cáo mạnh, chất lượng bằng chứng trung bình).
Phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh sẽ giúp việc điều trị tốt hơn


2. Khi nào khẳng định chẩn đoán nhiễm HCV mạn tính: có gợi ý rằng xét nghiệm axit nucleic (NAT) để phát hiện ribonucleic acid (RNA) của HCV được thực hiện ngay sau khi xét nghiệm huyết thanh HCV dương tính để xác lập chẩn đoán nhiễm HCV mạn tính, bên cạnh việc xét nghiệm NAT tìm HCV RNA nằm trong đánh giá để bắt đầu điều trị nhiễm HCV. (Khuyến cáo có điều kiện, chất lượng bằng chứng rất thấp)

Các khuyến cáo về chăm sóc người nhiễm HCV:

3. Sàng lọc sử dụng rượu và tư vấn để giảm mức độ uống rượu trung bình và cao: Đánh giá mức độ uống rượu được khuyến cáo cho tất cả những người nhiễm HCV, sau đó đề nghị một can thiệp giảm hành vi uống rượu đối với người uống rượu mức độ trung bình đến cao. (Khuyến cáo mạnh, chất lượng bằng chứng trung bình)

4. Đánh giá mức độ xơ hóa gan và xơ gan: Trong nguồn lực hạn chế, có gợi ý dùng chỉ số tỷ số aminotransferase/tiểu cầu (APRI) hoặc xét nghiệm FIB4 để đánh giá xơ hóa gan hơn là các xét nghiệm không xâm lấn khác đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn như đo độ đàn hồi hoặc Fibrotest. (Khuyến cáo có điều kiện, chất lượng bằng chứng thấp)

Các khuyến cáo về điều trị bệnh viêm gan C:

5. Đánh giá để điều trị HCV: Tất cả người lớn và trẻ em bị nhiễm HCV mạn tính, bao gồm những người tiêm chích ma túy, cần được đánh giá để điều trị kháng virus. (Khuyến cáo mạnh, chất lượng bằng chứng trung bình)

6. Điều trị bằng interferon peg hóa và ribavirin: Interferon peg hóa kết hợp với ribavirin được khuyến cáo để điều trị nhiễm HCV mạn tính hơn là interferon tiêu chuẩn không peg hóa với ribavirin. (Khuyến cáo mạnh, chất lượng bằng chứng trung binh)

7. Điều trị bằng telaprevir hoặc boceprevir: Điều trị bằng các thuốc kháng virus tác động trực tiếp telaprevir hoặc boceprevir, dùng kết hợp với interferon peg hóa và ribavirin, được gợi ý cho nhiễm HCV mạn tính kiểu gen 1 hơn là interferon peg hóa và ribavirin đơn thuần. (Khuyến cáo có điều kiện, chất lượng bằng chứng trung bình)

Chăm sóc, bảo vệ gan hàng ngày


8. Điều trị bằng sofosbuvir: Sofosbuvir dùng kết hợp với ribavirin có hoặc không có interferon peg hóa (tùy thuộc vào kiểu gen HCV), được khuyến cáo trong nhiễm HCV kiểu gen 1, 2, 3 và 4 hơn là interferon peg hóa và ribavirin đơn thuần (hoặc không điều trị cho những người không thể dung nạp được interferon). (Khuyến cáo mạnh, chất lượng của bằng chứng cao)

9. Điều trị bằng simeprevir: Simeprevir dùng kết hợp với interferon peg hóa và ribavirin, được khuyến cáo cho những người nhiễm HCV kiểu gen 1b và cho những người nhiễm HCV kiểu gen 1a mà không có sự đa hình Q80K hơn là interferon peg hóa và ribavirin đơn thuần. (Khuyến cáo mạnh, chất lượng bằng chứng cao)

Tuy nhiên, theo đánh giá của các bác sỹ điều trị viêm gan tại Việt Nam, khuyến cáo 8 và 9 đã được đưa ra mà không tính đến việc sử dụng nguồn lực, khi chưa có thông tin về giá ở bất cứ nước nào khác ngoài Hoa Kỳ vào thời điểm xây dựng những khuyến cáo này.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiêu hóa