Cắt bỏ chi vì đắp thuốc "lang băm"

Sai lầm đắp thuốc lá chữa gãy xương trật khớp

Mới đây, một bệnh nhân (60 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) đến khám tại Bệnh viện (BV) 115 (TP.HCM) với đầu gối chân phải phồng rộp, nổi bọng nước do bị bỏng sau khi đắp thuốc lá chữa trật khớp.

Một trường hợp bị biến chứng đầu gối đỏ tấy, bọng nước do bị phỏng khi đắp thuốc lá lang băm, đến khám tại BV 115

Khi được hỏi, bệnh nhân cho biết bị té, đầu gối đập xuống nền nhà, nên khớp rất đau. Sau đó, theo "mách nước" của người quen, bệnh nhân này mua thuốc nam của một ông thầy lang bó quanh phần đầu gối. Hậu quả là sau 2 ngày bó, chẳng những không đỡ đau mà đầu gối sưng to,khiến bệnh nhân phải ngừng đắp lá và đến BV khám.

Các trường hợp bệnh nhân bị trật khớp khủy tay, vai, gãy xương khi đắp thuốc lá của thầy lang phải hứng chịu nhiều biến chứng như cứng, viêm các khớp, có trường hợp phải đoạn chi.


Bác sĩ (BS) Ngô Thành Ý, khoa Y học thể thao, BV 115, cho biết trung bình mỗi tháng, ông Ý nhận từ 4 đến 5 ca biến chứng vì đắp thuốc chữa trật khớp.

Tại BV Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM) không hiếm những ca nhập việ vì biến chứng sau khi đắp thuốc lá của các thầy lang.

BS Nguyễn Văn Thái, Trưởng khoa Chi trên của BV này, dẫn ra một trường hợp (bênh nhân nam, 40 tuổi, ở An Giang) bị té gãy vùng dưới xương quay. Nghe lời của hàng xóm, bệnh nhân đi đắp thuốc. Một thời gian sau, bệnh nhân bị nhiễm trùng cẳng tay, tay sưng, to cẳng tay bên trái, viêm đỏ toàn bộ cánh tay, các ngón tay sưng, viêm, phải nhập BV Chấn thương chỉnh hình để điều trị.

Ông P.N.D (60 tuổi, ở An Giang) bị té gãy tay, cũng đi đắp thuốc nam của một thầy lang. Đắp được 6, 7 ngày thì ông D. không đắp nữa vì hoảng quá, tay ông không giảm đau mà còn sưng vù. Hơn 20 ngày tự chữa trị, tình trạng bệnh ông D. diễn tiến nặng và phải nhập viện để phẫu thuật.

“Có trường hợp bệnh nhân bị gãy hở khuỷu tay rồi cũng tự đi đắp thuốc linh tinh. Được một ngày thì bệnh nhân phải nhập viện điều trị khi toàn bộ cánh tay bị sưng tấy. Các BS đã phảiđoạn chi (cắt bỏchi - NV) để giữ tính mạng bệnh nhân”, BS Thái kể.

BS Thành Ý cũng cho hay: thông thường các loại thuốc lá cây mà bệnh nhân đắp có tính nóng nên dễ gây phỏng, rộp da nên việc điều trị sẽ lâu hơn do phải điều trị biến chứng trước, sau đó mới chữa trị bệnh về khớp, xương.

Một bệnh nhân bị gãy tay điều trị tại BV Chấn thương chỉnh hình sau khi đắp thuốc liền xương tay bị sưng, cứng khủy

Biến đơn giản thành phức tạp

BS Thái phân tích, có những trường hợp bị trật khớp vai, trật khớp tay chỉ cần nắn lại rất đơn giản và cố định một thời gian sẽ lành. Nếu để tình trạng kéo dài 72 tiếng sau thì rất khó nắn lại. Nếu để việc trật khớp vai, tay kéo dài một tuần trở đi thì phải mổ, sau đó phải tập phục hồi chức năng. Do đó, việc chẩn đoán không đúng hoặc chữa không được thì ảnh hưởng đến sự phục hồi xương rất nhiều.

BS Thái lưu ý, đối với xương khớp có nhiều chấn thương đơn giản nhưng do bệnh nhân tìm đắp các loại thuốc lá gây biến chứng làm bệnh nặng thêm.

“Nguyên tắc lành xương hoặc nắn khớp cũng giống như đổ xi măng, mới đổ xong mà đặt chân vào sẽ bị lún nhưng để qua 24 tiếng thì nền cứng, xương cũng giống như vậy. Muốn liền xương thì chỗ gãy xương phải bất động trong giới hạn thời gian. Việc đắp thuốc lang băm không thể làm liền xương được mà còn gây nhiều khó khăn và kéo dài thời gian trị bệnh”, BS Thái nói.

Các BS cũng khuyến cáo, khi bị chấn thương ở vùng cơ quan vận động như tay, chân thì lập tức phải đến BS để chụp phim và được điều trị chứ tuyệt đối không tự ý đắp thuốc vô tội vạ.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin