Các bác sĩ Khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực, chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, bệnh nhi 14 ngày tuổi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp, co giật liên tục. Kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định bé bị uốn ván sơ sinh.
Đỡ đẻ tại nhà và cắt dây rốn bằng các vật dụng không được sát trùng dễ khiến trẻ
bị uốn ván. Ảnh minh họa: Thiên Chương
Theo bố bệnh nhi, khi vợ chuyển dạ, nhà xa bệnh xá nên anh nhờ một bà mụ ở gần nhà đến đỡ đẻ. Bé lọt lòng mẹ, do gấp gáp thiếu thốn các vật dụng, bà mụ đã dùng tạm cây kéo gia đình vẫn dùng cắt tóc để cắt rốn cho bé.
"Mấy ngày đầu con tôi khỏe mạnh nhưng gần một tuần sau thì bé khóc nhiều, sờ trán thấy nóng, bỏ bú và co giật nhiều. Tôi đưa con đến bệnh viện huyện rồi được chuyển đến đây", anh này nói.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, đây không phải là lần đầu tiên bệnh viện này tiếp nhận trẻ sơ sinh bị uốn ván do được cắt rốn bằng các vật dụng không đảm bảo vệ sinh. Hiện bé vẫn được theo dõi để điều trị.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cho biết mỗi năm bệnh viện tiếp nhận vài trường hợp uốn ván sơ sinh đáng tiếc bởi ngày nay văcxin phòng bệnh đã có sẵn.
Vi trùng uốn ván được tìm thấy trong nước, đất, đặc biệt là đất canh tác, bụi, không khí, phân súc vật và người. Không cần vật dụng gây chảy máu bị gỉ sét, vi trùng uốn ván vẫn có thể thâm nhập vào cơ thể qua vết thương ngoài da. Hầu hết là vết thương nhỏ dễ bị bỏ qua như vết đạp đinh, xóc dầm, viêm móng, vết rách da do tai nạn lao động...
Sau khi vào cơ thể, vi trùng tiết ra độc tố tác động vào hệ thần kinh với các biểu hiện như đột ngột mỏi hàm, nói khó, cứng cổ. Nặng hơn, bệnh nhân bị cong ưỡn người ra sau như cây đòn gánh (nên bệnh uốn ván còn được gọi là phong đòn gánh), thẳng cứng người như tấm ván, co giật, suy hô hấp, suy tuần hoàn, rối loạn thần kinh thực vật dẫn đến tử vong.
Bình luận của bạn