Câu chuyện đầu xuân bên tách trà

Người Việt biết uống trà và có một nền văn hóa trà lâu đời

Lớn hơn gia đình, ở tầm quốc gia, tiệc trà trở thành “phương diện” quốc gia. Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm Trung Quốc năm 2022, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở tiệc trà thân mật tại Đại Lễ đường, mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 4 loại danh trà, trong đó có Đại hồng bào - một trong những loại trà quý hiếm bậc nhất Trung Quốc.

Đáp lễ, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2023 vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thân tình mời nhà lãnh đạo Trung Quốc dự tiệc trà, thưởng thức ba sản phẩm trà thượng hạng của Việt Nam, là các loại trà được lựa chọn từ các vùng trà nổi tiếng của Việt Nam như Hà Giang, Yên Bái, Mộc Châu - Sơn La, Lai Châu và Thái Nguyên. Trong đó, đáng chú ý phải kể tới trà mạn sen Đầm Trị Tây Hồ. Thành phần chính là Bạch trà shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh, Hà Giang ướp với gạo sen Đầm Trị Tây Hồ, Hà Nội qua 3 năm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở tiệc trà với 4 loại trà ngon nhất Việt Nam mời Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở tiệc trà với 4 loại trà ngon nhất Việt Nam mời Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh TTXVN)

Nói về trà Việt, từ góc độ thổ cương, thổ địa, qua truyền thuyết và tư liệu lịch sử, qua thư tịch cổ, qua di chỉ khảo cổ, qua vùng trà cổ hoang dã, qua những tập tục uống trà, chúng ta thấy người Việt biết uống trà và có một nền văn hóa trà lâu đời, từ thời đại các vua Hùng (2879-257 TCN).

Chuyện kể rằng: Chàng lái đò Trương Chi có giọng hát thật hay làm xiêu lòng Mỵ Nương. Nhưng khi gặp khuôn mặt xấu xí của chàng lái đò, Mỵ Nương đâm thất vọng, ngược lại trước nhan sắc của Mỵ Nương, Trương Chi về ốm tương tư rồi mất. Trương Chi chết hóa thành một hòn ngọc, người thợ đá tạc thành một cái chén uống trà dâng cho gia đình Mỵ Nương. Cứ mỗi lần rót nước trà vào chén, Mỵ Nương thấy trong đó có hình chiếc đò bơi qua bơi lại và một tiếng hát từ cõi xa xăm nào đó vọng lại. Thương cảm, Mỵ Nương khóc, giọt nước mắt rơi vào chén trà và chén trà tan thành nước.

Câu chuyện quanh chén trà này hẳn phải là chỉ dấu của một nền văn hóa trà sâu sắc!

Xưa hơn nữa thì Lạc Long Quân và bà Âu Cơ đã mang cây trà từ Hồ Động Đình về Việt Nam rồi, tức người Việt đã biết trồng trà và dùng trà từ thời tiền Hùng Vương.

Vừa bình dân vừa cao sang

Cái lý thú và là bản sắc riêng của văn hóa Trà Việt Nam chính ở chỗ: Bên cạnh dòng Trà Dân gian lại có một dòng Trà Cung đình, ban đầu chỉ dành riêng cho vua chúa và tầng lớp thượng lưu quyền quý, cành vàng lá ngọc nhưng sau đã lan tỏa ra toàn xã hội. Âu đó cũng chính là nét đặc trưng rất riêng của văn hóa Trà Việt Nam. Tuy nhiên phải chờ đến nửa sau của thế kỷ 18, dòng Trà Cung đình Việt Nam mới được chỉ mặt, đặt tên, hàm chứa một triết lý uyên thâm mà các dòng văn hóa trà khác không khỏi ghen tỵ.

Chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ thưởng trà tại Tả Vọng đình. Tranh minh hoạ của Hoạ sĩ Trịnh Quang Vũ.

Chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ thưởng trà tại Tả Vọng đình. Tranh minh hoạ của Hoạ sĩ Trịnh Quang Vũ.

Từ thế kỷ XVIII trở về sau, dòng Trà Cung đình Việt Nam thanh cao và triết lý Trà Nô do Chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm (1767-1782) khởi xướng. Một triết lý bình dị mà cao siêu, vừa giản đơn lại rất mực uyên thâm. Nó đánh dấu son và tạo dựng nét xuất thần độc đáo, đậm bản sắc riêng của dòng Trà Cung đình Việt Nam nói riêng và nền văn hóa Trà Việt Nam nói chung. Ở ngôi vị chí tôn, trên tất thảy muôn người, Nhà Chúa phát hiện ra một “chân lý", nghe qua thật mộc mạc: Muốn thưởng thức được vị ngon của trà - hãy làm Nô bộc cho Trà! Và triết lý Trà Nô đã ra đời.…

Thế kỷ 19, trà Việt được trà sĩ sành sỏi Cao Bá Quát (1809-1855), tên tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, bổ sung thêm triết lý - Trà Mộc. Tài thơ của ông nổi danh khắp nơi, được giới sĩ phu đương thời tôn vinh là Thánh Quát. Cao Chu Thần tôn vinh cách thưởng thức trà với vị hương mộc mạc nguyên vẹn, không ướp hoa, để thưởng thức hết cái vị đích thực của trà. Đây là triết lý riêng cao siêu, uyên bác về thưởng trà trong văn hóa trà Việt Nam.

Uống chè có ướp hoa

Biến mất hương chè rồi

Sáng sớm múc nước giếng

Lửa nhóm nắm than rời

Không khói, cũng không bụi

Rửa tay khề khà ngồi…

Càng ngày, trà càng lan tỏa sâu rộng vào nếp sống của người Việt và dòng Trà Cung đình Việt Nam vốn chỉ ở chốn cung vàng điện ngọc đã dần được bình dân hóa vượt ra khỏi mọi nghi thức khuôn phép, len lỏi khắp chốn cùng nơi. Trà được khẳng định như một thuộc tính của phái mạnh:

Một trà một rượu một đàn bà

Ba cái lăng nhăng nó quấy ta…

(Trần Tế Xương)

Và là mốt thời thượng của đấng nam nhi đương thời:

Làm trai biết đánh tổ tôm

Uống trà Mạn Hảo ngâm Nôm Thúy Kiều…

Trà Dân gian được pha chế đủ kiểu cách: hãm nước sôi, đun trà rồi ủ, ủ trà bằng ấm đất,... tùy ý, miễn sao cho tiện, song luôn có bí quyết cho nghệ thuật pha chế giữ cho nước chè được trong xanh và hương vị tươi mát. Trà Việt cũng không cần tới từ ngữ quá chuyên môn về trà cụ, mà chỉ cần ngôn từ bình dân, đơn giản là vật dụng pha trà mới mô tả đúng ý nghĩa, bởi người ta có thể dùng bất cứ cái gì có thể để pha trà. Theo thói quen truyền thống, những chiếc ấm đất hay gốm vẫn là dụng cụ hãm ủ chè thuần Việt nhất và bát chiết yếu dùng để uống mới đã cơn khát và mới tận hưởng hết cái hương vị, cảm nhận được cái Thần của nước chè tươi.

Có nhiều loại trà ngon từ khắp các vùng miền Việt Nam

Có nhiều loại trà ngon từ khắp các vùng miền Việt Nam

Tính cộng đồng cao cũng là thuộc tính quý giá trong văn hóa trà dân gian Việt Nam. Uống nước chè không còn mang ý nghĩa giải khát đơn thuần mà vượt lên trở thành yếu tố để gắn kết mọi người trong sinh hoạt, họp mặt cộng đồng. Chén trà như một chất xúc tác gắn kết cộng đồng, góp phần làm thăng hoa văn hóa làng xã của cư dân nông nghiệp lúa nước. Sẽ tẻ nhạt và trống vắng biết bao nếu thiếu vắng nước chè tươi trong những buổi hội hè, giao lưu vừa để trao đổi kinh nghiệm đời sống sản xuất, vừa là thời gian thư giãn sau những ngày tháng lao động mệt nhọc. Tập tục này còn được lưu giữ bảo tồn tới ngày nay ở hầu khắp các làng, thôn Việt. Điển hình là: Hội chè tươi vùng Vĩnh Phúc. Sân Đình là nơi tụ họp của cả làng và không lúc nào thiếu được nồi nước chè tươi. Cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở các cổng phố Thăng Long, người ta vẫn còn để các cóng chè tươi hoặc lu nước mưa phục vụ miễn phí khách bộ hành. Ứng xử văn minh đầy chất nhân văn này đã được Henri Oger (Pháp) ghi lại trong tập ký họa nổi tiếng với hơn 4000 hình ảnh sinh hoạt của người Việt dưới cái tên Kỹ thuật của người An Nam.

Hình ảnh văn hóa Trà Dân gian hiển hiện rõ nét ở các quán nước làng dưới những gốc đa, gốc gạo cổ thụ và trở thành hình ảnh biểu tượng của làng xóm Việt. Nồi đất ủ chè tươi với dăm chiếc bát sành úp trên chõng tre sẵn sàng phục vụ khách. Nét văn hóa uống chè tươi bằng bát là dấu ấn quý báu còn lưu lại từ thuở sơ khai, từ nền văn hóa trà cổ xưa của người Việt cổ từ hàng ngàn năm trước.

Trân trọng và sùng bái trà là thuộc tính khác của văn hóa trà Việt Nam, chính vì lẽ ấy mà nước chè trở thành một trong những thức không thể thiếu dâng lên bàn thờ gia tiên ngày tết. Ngày giỗ, ngày cúng cơm dâng ông bà đều có lệ dâng trà. Nguồn gốc xa xưa của những tập tục này xuất phát từ quan niệm Trà là thủy tổ của vạn vật, lá trà là thứ linh thiêng hóa sinh.

Tại cuộc đấu giá ở Hồng Kông vào cuối tháng 5/2019, một cối trà gồm bảy bánh nhãn hiệu “Trà Bánh Hà Nội” sản xuất năm 1930 đã được bán với giá cao ngất trời là 1,5 triệu đô la Hồng Kông (khoảng hơn 4,5 tỷ đồng), tương đương mỗi bánh trà có giá khoảng 642 triệu đồng và trở thành loại trà đắt nhất trong lịch sử ngành trà Việt Nam.

Nhãn hiệu Trà Bánh Hà Nội sản xuất những năm 1930

Nhãn hiệu Trà Bánh Hà Nội sản xuất những năm 1930

Trọng lượng của toàn bộ cối Trà Bánh Hà Nội sản xuất khoảng năm 1930 là 1596 gam được bán với giá 4,5 tỷ đồng, có nghĩa một gam trà trị giá khoảng 2.800.000 đồng, nếu muốn pha một ấm trà thì cái giá của ấm trà này khoảng 21 triệu đồng, chắc chắn nó được xếp vào các loại trà đắt nhất thế giới. Bao bì đóng gói Trà Bánh Hà Nội đơn giản, bánh trà được bó trong mo cây tre sau đó dùng dây nan tre buộc chặt thành từng cối trà. Bánh chè có một tem hình chữ nhật màu vàng đất, chữ màu đỏ kích thước 8 cm x 5,6 cm được ép ở giữa mỗi chiếc bánh, trên tem ghi tên nhãn hiệu bằng tiếng Việt "XƯỞNG CHÈ HÀ NỘI"- “CHÈ BÁNH”.

Trà Bánh Hà Nội từng được sản xuất với số lượng lớn vào thời nhà Nguyễn, nó là danh trà quý, đắt tiền được người Kinh kỳ và giới thượng lưu quý tộc ưa chuộng, là thức uống độc đáo của người Việt. Giai đoạn từ 1911 đến 1940 chè Việt Nam đã đứng hàng thứ 6 trong số các nước sản xuất chè trên thế giới với chừng 10.900 tấn khô, diện tích trồng quãng 17.400 ha. Thời kỳ này sản phẩm chè vò, lên men nhẹ, phơi nắng và ép thành bánh bảo quản trong kho đã được xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường Hồng Kông, Ma Cao, Singapore và Malaysia.

Bánh trà Hà Nội sản xuất những năm 1930-1940

Bánh trà Hà Nội sản xuất những năm 1930-1940

Trong thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, “TRÀ BÁNH HÀ NỘI” được bán từ Quảng Châu đến Hồng Kông. Mặc dù Hồng Kông không sản xuất trà, nhưng ở Hồng Kông có rất nhiều quán trà, phòng trà và cửa hàng trà, và không thể thiếu trà ép bánh. Năm 1980, khi nền kinh tế Hồng Kông phát triển mạnh mẽ khiến nhu cầu và giá Trà Bánh Hà Nội và trà Phổ Nhĩ của Trung Quốc tăng cao. Trà Bánh Hà Nội và trà Phổ Nhĩ trở thành mục tiêu đầu cơ và các thương gia chè đã tìm cách tích trữ nó. Cuối những năm 1990, các kho chè lâu năm mở bán, tung ra thị trường loại chè ép bánh bảo quản trong kho nhiều năm, thương lái Đài Loan đã tận dụng cơ hội chi rất nhiều tiền để thu gom những lô Trà Bánh Hà Nội và trà Phổ Nhĩ lâu năm này. Nhiều lô Trà Bánh Hà Nội lâu năm nhanh chóng được vận chuyển sang Đài Loan và được bảo tồn cho đến ngày nay. Hiện nay, người sành trà vẫn được thưởng thức thứ Trà bánh Hà Nội. Trà Bánh Hà Nội hiện nay là một nhãn hiệu độc quyền của tập đoàn Thiên Vân Sơn. Đây là một công ty chuyên sản xuất trà truyền thống tại Việt Nam. Sản phẩm Trà Bánh Hà Nội hiện được công ty này sản xuất và cung cấp rộng rãi ra thị trường trong nước và rất được ưa chuộng ở nước ngoài.

Trên thực tế, ở Trung Quốc có khá nhiều loại trà Phổ Nhĩ có giá cao ngất ngưởng, chẳng hạn cũng vào năm 2019 một cối trà Phổ Nhĩ "Fu Yuen Cheong" có trọng lượng khoảng 2.236 gram, sản xuất năm 1920 đã được bán với mức giá 26,32 triệu đô la Hồng Kông tương đương khoảng 81 tỷ 750 triệu đồng, có nghĩa mỗi gram trà trị giá 11,770 đô la Hồng Kông. Như thế, để pha một ấm trà cần 7,5 gram trà Fu Yuen Cheong năm 1920 có giá trị tới 88.000 đô la Hồng Kông, tương đương khoảng 273.328.000 VND, đây chắc chắn là một loại trà đắt nhất thế giới.

Quang Sơn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa