Biến thể Delta lây nhanh như thủy đậu, mạnh hơn cúm mùa

Biến thể Delta hiện đã được phát hiện ở 132 quốc gia trên toàn thế giới.

CDC cảnh báo về những tác dụng phụ của vaccine COVID-19

CDC thừa nhận: Covid-19 có thể lây qua virus trong không khí

CDC Mỹ công bố thêm 6 triệu chứng của Covid-19

Người đã tiêm vaccine chỉ mắc COVID-19 mức độ nhẹ

Theo đó, báo Washington Post (Mỹ) vừa tiếp cận được một tài liệu nội bộ của CDC Mỹ, trong đó cung cấp thông tin chi tiết về sự nguy hiểm của biến thể Delta đang hoành hành khắp thế giới.

Cụ thể, các chuyên gia Mỹ đánh giá Delta có mức độ lây tương đương với virus gây bệnh thủy đậu (varicella) - một trong những virus hiện nay có mức độ truyền nhiễm cao nhất, đồng thời lây nhanh hơn virus cúm thông thường, virus cúm Tây Ban Nha (gây đại dịch năm 1918) và virus đậu mùa. Ngoài khả năng lây lan nhanh, độc lực của Delta cũng mạnh hơn chủng gốc và có thể truyền bệnh ngay cả đối với người đã được tiêm chủng.

Tài liệu của CDC cũng nhận định do có sự xuất hiện của biến thể Delta nên "cuộc chiến đã thay đổi" và các khuyến nghị được đưa ra bao gồm: Tiêm vaccine trở thành bắt buộc đối với nhân viên y tế, áp dụng trở lại việc đeo khẩu trang nghiêm ngặt.

Người đứng đầu CDC - Rochelle Walensky cho biết: “Tải lượng virus cao cho thấy nguy cơ lây truyền cao hơn và gây ra lo ngại rằng, không giống như các biến thể khác, những người được tiêm chủng nhiễm Delta vẫn có thể truyền virus”.

Tài liệu trên cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đeo khẩu trang. Theo đó, người tiêm chủng đầy đủ vẫn nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng, trong không gian kín, tại những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Thông tin của CDC được đưa ra giữa lúc số ca mắc và nhập viện do COVID-19 tăng mạnh trở lại ở Mỹ, đặc biệt là ở các bang có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

Các chuyên gia cũng chỉ ra sự khác biệt là những người đã tiêm chủng sẽ an toàn hơn so với người chưa tiêm chủng khi nhiễm biến thể Delta. Tài liệu của CDC chỉ ra rằng vaccine có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong gấp 10 lần và giảm nguy cơ nhiễm bệnh gấp 3 lần.

Hiện nay đa số ca COVID-19 mới ở Mỹ đều nằm trong nhóm người chưa tiêm vaccine, nhưng CDC ước tính khoảng 35.000 người Mỹ đã tiêm đủ 2 liều vaccine - trên tổng số hơn 162 triệu người - có thể mắc bệnh mỗi tuần. Các trường hợp đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc COVID-19 như vậy được CDC gọi là các "ca nhiễm đột phá" (breakthrough infection), tuy nhiên chỉ số ít trong những ca này bị bệnh nặng hoặc tử vong.

WHO cảnh báo biến thể Delta đe dọa thành quả chống COVID-19 toàn cầu

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về sự nguy hiểm của biến thể Delta

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 30/7 đã đưa ra lời cảnh báo: "Những thành quả khó khăn mới giành được đang gặp nguy hiểm hoặc mất đi và hệ thống y tế ở nhiều quốc gia đang bị quá tải".

Theo WHO, biến thể Delta hiện đã được phát hiện ở 132 quốc gia, trở thành chủng virus SARS-CoV-2 "thống trị" toàn cầu.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng thông tin, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 đã tăng 80% trong 4 tuần qua ở hầu khắp các khu vực trên thế giới. Tử vong do COVID-19 ở Châu Phi - nơi chỉ có 1,5% dân số được tiêm chủng - tăng 80% trong giai đoạn này.

Ông Mike Ryan, chuyên gia chương trình khẩn cấp hàng đầu của WHO, cho biết: “Các loại vaccine được WHO phê duyệt đều cung cấp khả năng bảo vệ đáng kể trước các biến thể, bao gồm cả biến thể Delta trong ngăn bệnh nặng và nhập viện".

Tại Anh, nơi biến thể Delta gây ra sự gia tăng mạnh về số ca mắc COVID-19 trong những tháng gần đây dù là một trong những nước triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới. Một hội đồng tư vấn cho chính phủ Anh cho rằng, khả năng bảo vệ của vaccine có thể sẽ suy yếu theo thời gian, nghĩa là các chiến dịch tiêm chủng có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Từng khuyến cáo những người Mỹ đã tiêm phòng cách đây nhiều tháng rằng họ không cần đeo khẩu trang nữa, CDC hôm 27/7 đã đảo ngược hướng đi, nói rằng ngay cả những người đã được tiêm vaccine đầy đủ cũng nên đeo khẩu trang trong các tình huống virus có khả năng lây lan.

Biến thể Delta cũng đang hoành hành ở Châu Á và "nhấn chìm" Đông Nam Á bởi đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay. Một loạt các nước bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Myanmar và Thái Lan... đều ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng vọt trong những tuần gần đây. Các quốc gia Đông Nam Á này đang phải tăng cường các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn các làn sóng lây nhiễm mới và giảm quá tải cho hệ thống y tế.

Tại Nhật Bản, nơi số ca COVID-19 gia tăng đã làm lu mờ Thế vận hội (Olympic), chính phủ đã đề xuất tình trạng khẩn cấp đến hết tháng 8 tại 3 quận gần Tokyo và quận phía Tây Osaka.

Các ca nhiễm đang ngày càng lan rộng. Tình hình vô cùng nghiêm trọng”, Bộ trưởng Kinh tế Nhật - Yasutoshi Nishimura cho biết, cảnh báo tình trạng nhiễm COVID-19 vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm.

Hiệp Nguyễn H+ (Theo Reuters)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn