Cháy vaccine, đang tiêm dở thuốc ngoại có nên tiêm vaccine nội?

Cả thành phố đều “cháy” thuốc

Mệt mỏi và lo lắng là tâm trạng của chị Nguyễn Ngọc Anh (Chùa Hà, Hà Nội) khi bước chân ra khỏi Trung tâm khám chữa bệnh tại đường Hoàng Đạo Thuý, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Chị Ngọc Anh cho biết, hai tuần đầu tháng 6 chị gọi điện tìm đến tất cả các trung tâm y tế dự phòng, các điểm tiêm chủng dịch vụ của thành phố như 70 Nguyễn Chí Thanh, 131 Lò Đúc hay số 35 Trần Bình nhưng đều được thông báo hết vaccine dịch vụ.

Bé nhà chị hiện được gần 9 tháng tuổi nhưng mới tiêm được một mũi vaccine dịch vụ 6 trong 1. Nếu đúng lịch tiêm chủng cháu phải được tiêm đủ 3 mũi 6 trong 1 và chuẩn bị tiêm mũi sởi – rubella – quai bị.

Lo lắng không khác gì chị Ngọc Anh, chị Thanh Minh (Thái Hà, Hà Nội) chia sẻ, bé nhà chị cũng được 8 tháng nhưng cũng mới tiêm được 2 mũi 6 trong 1 tương đương với lịch tiêm chủng của trẻ 3 tháng. Theo chị Minh, các địa điểm tiêm chủng dịch vụ nơi thì bảo 2 tuần nữa gọi lại, nơi thì bảo đến tháng 9 mới có. 2 tuần trước chị cũng căn ngày gọi lại ở 70 Nguyễn Chí Thanh nhưng "thuốc vừa hết xong". Nhân viên trung tâm bảo chờ mà không biết chờ đến bao giờ. Không biết việc tiêm quá muộn thế này có ảnh hưởng gì đến khả năng miễn dịch bảo vệ của con, cũng như thuốc đã tiêm cũ có còn tác dụng hay không, chị Minh băn khoăn.

Chần chừ với vaccine nội

Không chờ được như chị Ngọc Anh, chị Minh, anh Nguyễn Hậu (chung cư Bao bì xuất khẩu, An Dương Vương, Hà Nội) cho hay, vợ chồng anh đã quyết định sẽ để con tiêm vaccine nội. "Con tôi đã 13 tháng rồi nếu tiếp tục chờ 3 tháng nữa như họ hẹn thì không biết có ảnh hưởng gì không. Mùa dịch bệnh thì đang rập rình".

Trường hợp thay thế vắc xin sang hãng khác thì phải đặc biệt chú ý thành phần của vắc xin để bổ sung kết hợp, tránh thiếu
Trường hợp thay thế vaccine sang hãng khác thì phải đặc biệt chú ý thành phần của vaccine để bổ sung kết hợp, tránh thiếu

Anh Hậu cho biết thêm, ngày 5/6 (lịch tiêm chủng tại các phường tại Hà Nội) vừa rồi anh đã lên phường đăng ký cho con tiêm. Nhưng thấy các cháu khác tiêm vaccine Quinvaxem 5 in 1, thấy bảo có cháu bị sốt mấy ngày liền nên anh lại chần chừ cho con về. "Đến hôm nay gọi khắp các nơi họ vẫn bảo đợi đến tháng 9 thì tôi quyết định không đợi nữa. Tôi đưa con lên phường người ta lại bảo phải đến mùng 5 tháng sau mới tiêm được vì họ cũng phải đi lấy thuốc nơi khác về, chứ tại trung tâm y tế phường không có sẵn. Thật mệt mỏi", anh Hậu nói.

Hiện theo bộ Y tế, việc tiêm chủng vaccine phòng bệnh cho nhân dân gồm hai hệ thống là tiêm chủng mở rộng Quốc gia và tiêm dịch vụ. Bên cạnh vaccine cung ứng từ Chương trình tiêm chủng mở rộng còn vaccine tiêm dịch vụ được nhập khẩu phục vụ theo nhu cầu của thị trường.

Vaccine tiêm dịch vụ thường do các công ty tự nhập khẩu về theo dự báo và nhu cầu thị trường từ các nước Mỹ, Pháp, Cuba, Hàn Quốc… để cung ứng cho các đơn vị tiêm chủng trong các trường hợp chưa xảy ra dịch bệnh.

Ngoài ra, do vaccine có đặc thù khác với các thuốc hóa dược là được sản xuất bằng công nghệ sinh học với nhiều công đoạn phức tạp, thời gian cần thiết để sản xuất là khoảng 6 tháng, có hạn dùng ngắn và điều kiện bảo quản đặc biệt. Các vaccine sau khi được sản xuất, nhập khẩu cần phải được kiểm định chất lượng, đạt yêu cầu mới có thể cung cấp cho các đơn vị tiêm chủng.

Theo lý giải của Bộ Y tế, thời gian qua do nhận thức của người dân đối với tác dụng và tính an toàn của tiêm vaccine sau một số tai biến xảy ra gần đây đã làm giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêm chủng nói chung và tiêm vaccine dịch vụ nói riêng. Một số doanh nghiệp đã nhập vaccine nhưng không tiêu thụ được trong năm 2013 nên hạn chế số lượng nhập khẩu cho năm 2014. Đây cũng là nguyên nhân gây thiếu vaccine dịch vụ khiến phụ huynh cứ “mòn mỏi” chờ đợi.

Thay thế vaccine phải chú ý thành phần

Chia sẻ với nỗi lo lắng của phụ huynh, PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển (Nguyên chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng, viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, về băn khoăn của các bậc phụ huynh có hai phương án giải quyết.

Thứ nhất phương án chờ thuốc. Với các cháu đã tiêm 1, 2 mũi 6 in 1 dịch vụ rồi mà bây giờ thiếu mũi thứ 3 thì việc chờ thêm 1 đến 3 tháng nữa thì không ảnh hưởng gì tới khả năng miễn dịch bảo vệ.

“Các vaccine không bị quy định khoảng cách giữa mũi nọ và mũi kia cố định là một tháng. Thường mình không bao giờ được ngắn hơn một tháng. Nhưng còn chậm một vài tháng thì không ảnh hưởng gì đến việc giảm thiểu miễn dịch bảo vệ cho các cháu, nên phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm”, TS Hiển nhấn mạnh.

Phương án thứ hai là thay thế thuốc. Các phụ huynh phải đặc biệt chú ý tới thành phần của vaccine trong đó. Ví dụ vaccine dịch vụ 6 in 1 hiện nay có bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và hib. Khi mình định thay thế thuốc cho con, ví dụ chọn 5 in 1 của Pháp có bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, hiB nhưng thiếu viêm gan. Do đó, các phụ huynh có thể vẫn tiêm vaccine này nhưng cần bổ sung thêm một mũi viêm gan thì sẽ đảm bảo.

Về thắc mắc có nên quay lại tiêm vaccine nội khi đang tiêm dở vaccine ngoại hay không? TS Hiển cho hay, đừng phân biệt vaccine nội hay vaccine ngoại. Nếu vaccine ngoại các loại đều hết thì việc quay về các phường tiêm vaccine nội như Quinvaxem không có vấn đề gì. Hiện nay, Quinvaxem 5 trong 1 thiếu Bại liệt trong thành phần nên bố mẹ cho các con uống thêm vaccine bại liệt là đủ.

Các chuyên gia quốc tế họ cho rằng cách tốt nhất là vaccine dùng của hãng nào thì tiếp tục cho dùng của hãng đấy. Trường hợp không có, thay thế sang hãng khác thì phải đặc biệt chú ý thành phần của vaccine để bổ sung kết hợp, tránh thiếu.

PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ