Empty
Empty
Empty

Cho đến nay, tôi phải thú thật rằng đôi khi mình đã che giấu hay không thành thật với bác sĩ về các triệu chứng bệnh tật của mình. Gần đây nhất, khi bác sĩ của tôi nhắn zalo bảng kết quả thử máu, cùng tin nhắn ngạc nhiên: Tất cả đều tốt, nhưng không hiểu sao chỉ số về PSA (chỉ số ung thư tiền liệt tuyến) quá cao. Chú có gì giấu không? Tôi nhớ ra ngay vì trước đó một tuần khi đi máy bay tôi đã nhịn… quá lâu và… tôi cố ý không khai khi đi khám định kỳ. May mà sau đó khi tái khám mọi việc trở lại bình thường. Bác sĩ nói: đó chỉ là một loại viêm cấp tính.

Thông thường điều mà các bác sĩ muốn nhất là thông tin chính xác có thể từ người bệnh. Tuy vậy, đôi khi trong cuộc đời không phải lúc nào chúng ta cũng thành thật với bác sĩ. Không khai thật không phải vì muốn nói dối với thầy thuốc, mà vì không hiểu hết những trạng thái trong cơ thể, không biết bệnh sử thế nào, hoặc có những chuyện thuộc loại “thà chết không chịu nói” mà ai cũng có.

Empty
Empty

Nhưng câu chuyện của Charlie - một giảng viên đại học dạy viết văn, lại đơn giản hơn rất nhiều: ông chỉ muốn giấu thân hình to béo mà thôi.

Mặc dù dạy trực tuyến, Charlie vẫn tắt camera của máy tính để sinh viên không thể nhìn thấy sự xấu xí của ông. Chính sự nhốt mình này khiến sức khỏe của ông ngày càng tồi tệ.

Empty

Phim “Cá voi” (The whale) vừa được giải Oscar năm 2023 và tài tử Frazer - đóng vai giáo sư Charlie - đã nhận giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Theo tôi, ngoài những thông điệp về quan hệ tình người như thầy trò, vợ chồng, cha con, tình yêu đồng giới v.v…, phim “Cá voi” còn chứa đựng lời cảnh báo về sức khỏe con người khi muốn che giấu thông tin về khiếm khuyết thân thể một cách đầy mặc cảm.

Nhân vật chính Charlie đã suy nghĩ lệch lạc về cơ thể chính mình. Cái mà ông muốn xa lánh nhất chính là cái mà ông cần nhất: phòng khám và thầy thuốc.

Thân thể béo phì của Charlie là biểu tượng chi phối và hiệu ứng đặc biệt chính của bộ phim. Hầu như tất cả mọi thứ về Charlie - tiếng thở, cách ăn uống, đi lại, và ngay cả những giọt mồ hôi - đều nhấn mạnh đến sự chối bỏ cuộc sống một cách tàn nhẫn.Sự che giấu và cô lập chính mình của Charlie lại tạo ra một mạng lưới đau thương và hối tiếc, bất hạnh của người khác. Hầu như tất cả những người thân của Charlie đều bị tổn thương về tinh thần, và cả thể chất.

Trong từ La-tinh, có hai từ chỉ về con người, gần đây được sử dụng khá nhiều trên những cuốn sách về nhân học và y học: Homo economicus (con người kinh tế) và Homo sapiens (con người tinh khôn). Đôi khi hai “con người” này lại “tàn sát” nhau bên trong một con người… phàm tức là thân xác vật lý. Đề cập đến vấn đề này, cuốn sách mới nhất “Cú hích” của hai giáo sư Richard H. Thaler và Cass R. Sunstein cho rằng không phải tất cả những ai béo phì đều không biết ảnh hưởng tích cực của việc ăn uống theo chế độ organic, nhưng tác giả viết: “Đôi khi hương vị thức ăn còn mạnh hơn hương vị cuộc sống”.

Empty

Tỷ lệ béo phì ở người Mỹ trưởng thành là hơn 40%, và hơn 70% người lớn ở Mỹ được xem là béo phì hoặc thừa cân. Tỷ lệ béo phì dao động từ mức dưới 6% ở Nhật Bản, Hàn Quốc và vài quốc gia châu Phi, lên đến mức 75% tại Đông Samoa. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ béo phì đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1980 tại vài khu vực ở Bắc Mỹ, Vương quốc Anh, Đông Âu, Trung Đông, Quần đảo Thái Bình Dương, Úc và Trung Quốc...

Empty

Ở nước Việt Nam đang phát triển của chúng ta thì sao? Tại Việt Nam, tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014, tương đương với tốc độ tăng là 38%. Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP.HCM chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc. Cùng với tình trạng thừa cân béo phì, một điều đáng lo ngại chính là gánh nặng về mất cân bằng giữa một bên là suy dinh dưỡng ở khu vực nông thôn và một bên là thừa cân béo phì ở khu vực thành thị. Khoảng cách giàu-nghèo, thành thị-nông thôn một lần nữa cho thấy là hệ lụy của tăng trưởng kinh tế không cân bằng. Một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam không ngăn chặn được tỷ lệ béo phì ở thành thị là “việc không muốn công khai, minh bạch hóa thông tin về tình trạng này” ngay từ các hộ gia đình.

Trở lại vấn đề sức khỏe, và câu chuyện của Charlie trong phim “Cá voi”, chính sự im lặng và che giấu căn bệnh là nguyên nhân đưa đến suy sụp của Charlie. Ông giả vờ không nghe thấy tiếng kêu cứu bên trong cơ thể ông mỗi ngày đang lớn thêm. Ông đánh lừa mình bằng những kiến thức học thuật đã có khi giảng dạy cho sinh viên cách nghe và diễn đạt bên ngoài. Ông không những giấu bệnh với bác sĩ, mà còn giấu bệnh với cả người thân. Ở đây trách nhiệm chính với bệnh béo phì của ông không ai khác ngoài ông - Charlie. Trong thế giới hiện đại, con người càng mắc nhiều tâm bệnh và tâm bệnh quay lại trở thành tác nhân làm cho các triệu chứng về thân bệnh trầm trọng thêm.

Empty
Empty

Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn. Những lo lắng về tình trạng của thế giới, sự an toàn, tài chính, sức khỏe của chúng ta và hơn thế nữa có thể dẫn đến nhiều phản ứng tiêu cực về tâm sinh lý. Lori Haase, giáo sư về tâm thần học tại Đại học San Diego, California (Mỹ) và là tác giả chính của công trình nghiên cứu cho biết: “Khi đối mặt với căng thẳng, cho dù đó là nói chuyện trước hàng trăm người hay cảm thấy áp lực để giành huy chương vàng tại Thế vận hội, chúng ta đều trải qua những thay đổi trong cơ thể mình. Nhịp tim của chúng ta tăng lên, hơi thở trở nên ngắn hơn và nồng độ adrenaline trong máu cũng như các hóa chất gây căng thẳng khác tăng cao.”Mặc dù phản ứng căng thẳng này có thể mang lại kết quả mong muốn - “Tôi cần một ít lo lắng (thường xuyên) để kích hoạt chính cơ thể mình, bật nút cho cơ chế tự vệ trong cơ thể”, Tiến sỹ Haase nói - nếu không, lâu ngày cơ chế tự vệ, sẽ mất tác dụng và khi gặp trạng thái kích thích cao độ sẽ không phản ứng kịp. Vì vậy, chúng ta nên “tập” cơ thể chúng ta quen phản ứng với những mối nguy hiểm và lo lắng, thì những phản ứng căng thẳng của chúng ta cũng sẽ tiêu tan càng sớm càng tốt sau đó. Đây là lúc khả năng phục hồi (resilience) xuất hiện.

Empty

Các nhà khoa học và nhà trị liệu từ lâu đã biết rằng một số người kiên cường hơn những người khác nhưng không biết chính xác lý do tại sao.

Trong những năm gần đây, tiến sỹ Haase và các đồng nghiệp đã bắt đầu suy đoán rằng một phần của câu trả lời có thể liên quan đến việc mọi người có lắng nghe cơ thể mình hay không và bằng cách nào. Để đi đến kết luận đó, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra cách các tay đua mạo hiểm và những người lính đặc nhiệm tinh nhuệ phát triển khả năng phục hồi khi đối mặt với những yêu cầu thường xuyên và thường cực đoan về thể chất và tinh thần trong công việc của họ.

Các nhà nghiên cứu đã làm các thí nghiệm trên các tay đua và lính đặc nhiệm (nam nữ) bằng cách dùng máy quét não trong khi họ vẫn đeo khẩu trang, gây khó thở, để có thể biết tình trạng não và cơ thể của những người thí nghiệm bị căng thẳng. Các nhà khoa học sớm nhận thấy một mô hình hoạt động não bộ chung giữa những tình nguyện viên này. Các phần não của họ nhận và xử lý các tín hiệu từ cơ thể, chẳng hạn như thay đổi nhịp tim hoặc nhịp thở, hoạt động rất tích cực khi các tình nguyện viên nghĩ rằng mặt nạ của họ sắp đóng lại. Nhưng bất chấp nhận thức được nâng cao này, dòng thông điệp từ những phần đó của não đến những vùng tăng cường kích thích cơ thể là khá ít.

Nói cách khác, bộ não của những người đàn ông và phụ nữ được đào tạo bài bản này vẫn phản ứng trước cơn rối loạn cơ thể nhưng phản ứng tiêu cực ít hơn. Họ trải qua căng thẳng nhưng không phản ứng thái quá. Họ đã kiên cường về thể chất và tinh thần. Tất nhiên, họ cũng là những ngoại lệ; hầu hết chúng ta không phải là vận động viên hay quân nhân ưu tú.

Vì vậy, đối với nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Tâm lý sinh học, cũng chính các nhà nghiên cứu đã tuyển dụng 48 người trưởng thành khỏe mạnh và yêu cầu họ hoàn thành một bảng câu hỏi tiêu chuẩn về khả năng phục hồi thể chất và cảm xúc mà họ tự nhận thức được. Dựa trên điểm số của chúng, các nhà khoa học đánh giá chúng có khả năng phục hồi cao, trung bình hoặc thấp. Sau đó, họ quét não của những người đàn ông và phụ nữ trong khi các tình nguyện viên đeo cùng loại mặt nạ mà các vận động viên và binh lính đeo, và trải qua những khoảnh khắc khó thở định kỳ.

Những người có điểm số cho thấy họ có khả năng phục hồi cao thể hiện hoạt động não bộ rất giống với hoạt động của não bộ của các vận động viên và quân nhân ưu tú, cũng như những người có khả năng phục hồi trung bình ở mức độ thấp hơn. Nhưng bộ não của những người có điểm phục hồi thấp lại hoạt động gần như ngược lại. Khi mặt nạ của họ có nguy cơ đóng lại, họ cho thấy hoạt động rất ít một cách đáng ngạc nhiên trong những phần não theo dõi tín hiệu từ cơ thể. Và sau đó, khi việc thở trở nên khó khăn, chúng cho thấy sự kích hoạt cao ở các vùng não làm tăng hưng phấn sinh lý. Trên thực tế, họ ít chú ý đến những gì đang xảy ra bên trong cơ thể mình khi chờ cho việc thở trở nên khó khăn và sau đó phản ứng thái quá khi mối đe dọa xảy ra. Các nhà khoa học kết luận, những phản ứng như vậy của não sẽ làm suy yếu khả năng phục hồi, bằng cách khiến cơ thể khó trở lại trạng thái bình tĩnh hơn.

Empty

Tiến sỹ Haase cho biết, việc cải thiện khả năng giao tiếp bên trong cơ thể chúng ta có thể đơn giản như việc dành vài phút mỗi ngày để tập trung hít thở. Bà nói, hãy chú ý đến việc hít vào và thở ra một cách lặng lẽ mà không phản ứng gì khác. Theo thời gian, bài tập này sẽ “dạy bạn thay đổi nhịp thở khi lo lắng, tạo thói quen không phụ thuộc vào lo lắng,” tiến sỹ Haase nói, “điều này có thể giúp cải thiện phản ứng của bạn trong tình huống quá căng thẳng.” Điều này cũng giống như bạn tập thể dục cơ bắp thường xuyên, cơ bắp có thói quen “chịu đựng” và dễ phục hồi khi gặp sự cố do tai nạn hay do bị lão hóa.

Empty

Trong kho tàng giai thoại văn học thế giới có chuyện rằng: Ernest Hemingway đã từng bị thách đố viết một truyện ngắn chỉ với sáu từ. Và ông đã sáng tác một “kiệt tác tí hon” có nội dung: “For sale. Baby shoes. Never worn” (Rao bán. Giày bé. Không mòn." Tôi tin rằng y học cũng có sự kết hợp các thuật ngữ đặc biệt của riêng nó để diễn tả nỗi đau và bệnh tật với sự ngắn gọn. Ví dụ: các bác sĩ nhi khoa thường không đủ từ ngữ để thông báo cho phụ huynh hay người thân về nguy hiểm của con trẻ hay tử vong của chúng. Nhưng cha mẹ không bao giờ hiểu vấn đề này. Được thông báo rằng con nguy hiểm sắp chết - rằng không bác sĩ nào, ca phẫu thuật nào, công nghệ y tế nào có thể làm gì để cứu chúng - là một thông tin khủng khiếp mà bạn không muốn nghe thêm. Chính đó là điểm mà kẻ lừa đảo gần đây đã kiếm khá nhiều tiền khi thông báo ngắn gọn cho cha mẹ các em rằng: “Con bạn đang cấp cứu. Cần chuyển tiền ngay”. Tiền. Tiền. Tiền, đó là giải pháp tối ưu. Và cha mẹ sập bẫy, không còn thời gian phân tích tỉnh táo nữa.

Các nghiên cứu của tạp chí Lancet cho thấy: Không bao giờ bác sĩ khoa nhi có một “thông báo ngắn gọn đủ” trong 6 từ để báo một tin buồn về nguy hiểm chết người của trẻ cho người thân của chúng. Vì vậy, bất luận thế nào, bạn không nên tin những gì nói trên điện thoại về tình hình nguy cấp của con trẻ và yêu cầu chuyển tiền cứu cấp.

Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa