Đây là tiêu đề một cuốn sách của tác giả Đỗ Đình Tấn được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành nhân kỷ niệm 97 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1925 - 21/6/2022.
Cuốn sách đề cập đến cuộc chiến chống Fake news - tin giả, trên khắp thế giới với nhiều giải pháp được nêu ra, từ những tư liệu cập nhật và những tham luận của các nhà nghiên cứu được trình bày tại một cuộc hội thảo quốc tế ở Canada vào năm 2018. Trong thời đại 4.0 hiện nay, thông tin điện tử hàng ngày luôn có hằng hà sa số tin thật lẫn tin giả, làm sao để người dùng mạng xử lý thông tin một cách thông minh?
Với kinh nghiệm của một người có thâm niên trong lĩnh vực báo chí, nhà báo Đỗ Đình Tấn, tác giả cuốn sách đúc rút, tin giả có rất nhiều tác hại, nó xóa bỏ ranh giới giữa cái thật - cái giả, cái chung - cái riêng, xóa bỏ quyền cá nhân của mỗi người, quyền riêng tư của mỗi người - đó là nền tảng của báo chí. Tin giả khiến giá trị thông tin bị xóa bỏ, làm xói mòn niềm tin của công chúng vào báo chí.
Việc tin giả có đất sống là do bối cảnh internet mở, miễn phí như hiện nay thì bất cứ ai cũng có thể đưa thông tin lên, không có ai kiểm chứng khiến tin giả gây nên các hệ lụy như chúng ta đã thấy.
Thực tế, fake news khởi nguồn từ rất sớm. Hãy cùng tìm hiểu về fake news “cái xấu của bột ngọt” được lan truyền từ năm 1968, dưới dạng một bức thư được đăng trên tập san y khoa New England Journal of Medicine.
Chuyện là, ngày 11/7/1968, tập san y khoa New England Journal of Medicine (NEJM) công bố một lá thư ngắn nhan đề "Chinese Restaurant Syndrome" (Hội chứng Nhà hàng Trung Hoa). Tác giả lá thư cho biết ông bị một hội chứng lạ sau khi ăn uống trong một nhà hàng Trung Hoa ở Mỹ. Hội chứng này bao gồm tê cứng ở gáy, lan dần ra cả hai tay và lưng, kèm theo triệu chứng toàn thân bị yếu đuối và tim đập nhanh. Tác giả suy đoán rằng nguyên nhân của hội chứng này có thể do thức ăn có nhiều muối, hoặc vài hương vị trong nước tương, hoặc rượu dùng để nấu nướng. Rồi sau đó, tác giả cho biết rằng “có người cho rằng" hội chứng mà ông gặp phải có thể do bột ngọt được sử dụng để tăng vị giác trong các nhà hàng Trung Hoa (“that it may be caused by the monosodium glutamate used to a great extent for seasoning in Chinese restaurants”). Trong đoạn cuối của lá thư, tác giả kêu gọi các bác sĩ khác nên làm nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân của hội chứng là gì. Lá thư ký tên: "Robert Ho Man Kwok, MD, Senior Research Investigator, National Biomedical Research Foundation, Silver Spring, Md."
Toàn bộ lá thư hoàn toàn không có bất cứ một thông tin khoa học nào. Điều đáng kinh ngạc là sau khi lá thư được công bố, có nhiều hồi đáp liên quan đến “hội chứng” mà tác giả thuật lại. Một số lá thư mô tả nỗi khổ của họ sau khi ăn thức ăn Trung Hoa với giọng điệu mỉa mai. Một chủ đề nổi bật trong những lá thứ hồi đáp là sự kì thị chủng tộc chống lại người Hoa và văn hoá ẩm thực của họ. Những năm sau đó, các nghiên cứu liên quan tới vấn đề này tiếp tục được công bố, rằng những bình luận mang tính kì thị chủng tộc dựa trên bột ngọt đã lan sang truyền thông và gây nên một sự hoảng loạn về vị hương tố đó cho đến ngày hôm nay.
Đến năm 2018, sự thật về lá thư này được phơi bày. Bác sĩ Howard Steel, một cựu sinh viên của Đại học Colgate, một bác sĩ phẫu thuật xương khớp tại Bệnh viện Shriner và cũng là một giáo sư tại Đại học Temple ở Philadelphia đã khẳng định, ông là tác giả của lá thư nói trên. Ông đã viết lá thư sau một lần đánh cược 10 USD với đồng nghiệp nếu có bài viết được đăng tải trên một tập san danh giá như NEJM. BS Steel lý giải rằng ông chọn cái tên Ho Man Kwok từ một cách chiết tự dùng để chỉ một kẻ ngu ngốc. Để đùa cợt ai đó cần thêm chứng cớ, BS. Steel còn tạo ra một viện nghiên cứu ảo: "National Biomedical Research Foundation of Silver Spring, Md" (Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia của Silver Spring, Maryland). Trong thực tế, không có một viện nghiên cứu nào với cái tên trên. Tuy nhiên, sau khi lá thư được đăng, BS. Steel đã liên hệ với NEJM để cảnh báo rằng, lá thư của ông là một lời nói láo trắng trợn (“a big fat lie”), một trò đùa, nhưng không được đáp lại, thậm chí, người nhận điện thoại còn dập máy khi ông đang nói nửa chừng trong những lần liên hệ tiếp theo.
Cũng kể từ khi lá thư của “tác giả Robert Ho Man Kwok” công bố trên NEJM năm 1968, bột ngọt đã trở thành một “thực phẩm xấu”. Biết bao nhiêu câu chuyện về bột ngọt gây ra chứng nhức đầu, ói mửa, tim đập nhanh, nóng bừng, khó thở, v.v. và v.v. Nhiều câu chuyện đến nỗi hễ nói đến bột ngọt là người ta nghĩ ngay đến một chất độc hại. Cho đến nay NEJM vẫn chưa rút lại lá thư trên, còn tác giả của lá thư, BS. Steel đã qua đời ở tuổi 97.
Rõ ràng, fake news - ngay từ thời sơ khai, đã vô cùng hấp dẫn và ngày nay, nó lại càng hấp dẫn hơn nữa với sự trợ giúp của công nghệ, truyền thông, mạng xã hội và AI. Hệ lụy như thế nào không cần phải nhắc lại nhiều nữa.
Collins Dictionary định nghĩa, Fake News đó là các thông tin giả mạo, sai lệch và giật gân được phát đi dưới hình thức tin tức. Tin giả là đối lập của tin thật: tin tức sai sự thật thì có thể coi là tin giả. Fake News đã chính thức trở thành cụm từ nổi bật nhất của năm 2017 và ngày càng phổ biến.
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ tháng 9/2019, hơn 20 quốc gia đã ký thỏa thuận ngăn chặn lan truyền tin giả trực tuyến. Các nước tham gia thỏa thuận cam kết quảng bá thông tin được báo cáo độc lập, đa dạng và xác thực trên Internet. Thỏa thuận này nhằm nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà cung cấp internet trong việc thúc đẩy kiểm soát nội dung để thoát khỏi sự hỗn loạn thông tin như hiện nay.
Tháng 10/2019, luật chống tin giả tại Singapore đã chính thức có hiệu lực, những ai có hành vi phát tán các thông tin sai sự thật chứa nội dung cố ý gây hại tới lợi ích của công chúng sẽ phải đối mặt với án phạt lên tới 100.000 SGD (hơn 72.000 USD), thậm chí bị phạt tù giam lên tới 10 năm.
Tại Thái Lan, đầu tháng 11/2019, Trung tâm chống tin giả đã chính thức đi vào hoạt động, sử dụng trí tuệ nhân tạo và các nhân viên giám sát đã được huấn luyện nhằm nhận diện và xác minh các thông tin giả mạo.
Chính phủ Trung Quốc thì hối thúc các công ty công nghệ trong nước sáng tạo và đưa vào sử dụng các mạng xã hội riêng vừa để kiểm soát an ninh mạng vừa coi đó là biện pháp hạn chế tin giả.
Tại Nga, tháng 3/2019, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành luật chống tin giả. Theo luật này, chính quyền có thể khóa các trang web không đáp ứng các yêu cầu xóa bỏ những nội dung sai lệch. Các cá nhân có thể bị phạt tới 400.000 Ruble (hơn 8.300 USD) nếu phát tán và lan truyền tin giả trực tuyến vi phạm nghiêm trọng tới trật tự công cộng.
Trước sức ép của chính quyền và cộng đồng để xử lý vấn nạn tin giả ngày càng gia tăng, Facebook, Twitter, Youtube, cùng nhiều mạng xã hội khác đều tự nâng cao trách nhiệm đối với các nội dung được đăng tải. Năm 2019, Twitter đã đóng hàng nghìn tài khoản vì phát tán tin giả, thổi phồng hay kích động bạo lực tại Hong Kong (Trung Quốc), Saudi Arabia, Yemen. Trước đó, Facebook xóa rất nhiều tài khoản đăng thông tin sai sự thật về các điểm nóng trong khu vực như Libya, Sudan và Yemen. Instagram cũng đã mở rộng mạng lưới kiểm chứng thông tin bên thứ ba ra toàn thế giới, qua đó tăng quy mô cuộc chiến chống tin giả ra toàn cầu...
Tại Việt Nam, Luật An ninh mạng ra đời và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ an ninh mạng. Ngày 15/4/2020, với việc Nghị định 15/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực đã bổ sung thêm chế tài để ngăn chặn vấn nạn tin giả tại Việt Nam. Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử đã quy định rõ hơn về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với Nghị định 174/2013/NĐ-CP trước đây.
Sáng 11/10/2023, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức người dùng internet tại Việt Nam mang tên “Chiến dịch Tin”. Với thông điệp “Tin trên mạng, tin cho đúng”, mục tiêu của chiến dịch là cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản để người sử dụng internet có thể nhận biết, phát hiện, phòng tránh tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Đồng thời, nhận thức rõ trách nhiệm trong việc đăng tải, cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, thực trạng tin giả có thêm nhiều diễn biến mới và không thể ngồi chờ đợi mà phải có niềm tin vào những người có ảnh hưởng tích cực trên mạng xã hội. Thứ trưởng Lâm cho rằng, hiện các nhà mạng xuyên biên giới chuyển đổi sang mô hình thu tiền người dùng để không phải xem quảng cáo cho thấy tín hiệu tích cực việc chống tin giả, tin xấu độc. Những nhà sáng tạo nội dung muốn thu được tiền cũng cần phải thay đổi quan điểm phục vụ. Trong đó, họ sẽ phát huy trách nhiệm xã hội và đồng hành với cơ quan nhà nước để lan tỏa giá trị tốt đẹp, chính sách đến người dân theo cách phù hợp nhất.
Sau 2 tháng phát động, Chiến dịch “Tin” đã nhận được sự quan tâm lớn từ các cơ quan báo chí, truyền thông và đông đảo công chúng với hơn 60 đơn vị báo chí, truyền thông đưa tin về chương trình; hơn 50 bài viết cung cấp thông tin, giúp công chúng có thêm hiểu biết và nâng cao ý thức trong việc phòng chống và hạn chế tin giả, tin sai sự thật trên Internet. Bên cạnh đó, website chính thức của chương trình cũng thu hút gần 50.000 lượt truy cập trong vòng 1 tháng.
Trong Diễn đàn Báo chí Toàn quốc 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí trên toàn quốc cùng nhận định, báo chí chính thống là công cụ lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng với Nhà nước trước vấn nạn tin giả. Diễn đàn cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ quan báo chí trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận và phát triển trong toàn xã hội; đấu tranh chống tin giả, chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
“Báo chí phải làm như thế nào để, qua mỗi tin bài, người đọc có thể cảm nhận được tính đúng đắn, tính khoa học, tính cách mạng trong các nghị quyết của Đảng; đồng thời, qua những tin, bài đăng trên báo chí, người đọc có thể thấy được những tấm gương sáng có thể học tập và làm theo” - Nhà báo Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, chia sẻ tại Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024.
Tuy nhiên, báo chí cũng đang gặp thách thức trước yêu cầu bảo đảm nhiệm vụ cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt giữa báo chí chính thống với mạng xã hội và các kênh truyền thông khác. Với lợi thế của mình, báo chí hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn tin “gốc” để có thông tin độc quyền, chính xác, góp phần định hướng dư luận… Tuy vậy, báo chí không thể độc quyền thông tin, không thể chỉ cung cấp những gì mình có.
Bình luận của bạn