Chủ động trước nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Bệnh có hai thể (sốt dengue và SXH dengue).

Bệnh SXH xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Bởi vậy, thời điểm hiện tại bệnh SXH rất có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.

Theo Tiến sỹ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, trung bình một năm cả nước có 50.000 ca sốt xuất huyết tại 42 địa phương, trong đó có 40 ca tử vong, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Vì thế, nó còn được gọi là bệnh đô thị. Bệnh chưa có vaccine nên rất khó để tiêu diệt hoàn toàn mà chỉ hạn chế được số mắc cũng như tử vong.


Khi dịch SXH bùng phát, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 115 ca mắc SXH có xu hướng bắt đầu tăng lên nhưng so với cùng kỳ năm 2013 số mắc vẫn giảm 47,2%.

Tính đến ngày 23/7 Hà Nội ghi nhận 8 ổ dịch SXH tại 8 xã, phường của 7 quận, huyện. Đến nay, 7 ổ dịch đã được khống chế, riêng ổ dịch tại phường Yên Hoà (Cầu Giấy) có số ca mắc nhiều nhất (8 ca). Tuy nhiên ổ dịch này đã dần được khống chế đã trải qua 8 ngày mà khong có ca mắc mới. Hiện vẫn còn 2 bệnh nhân trong ổ dịch này phải nằm viện, 6 bệnh nhân đã xuất viện.


Phun hóa chất diệt trừ muỗi, lăng quăng

Hiện nay chưa có vaccine để phòng nhiễm virus Dengue và cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng chống SXH chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Cục Y tế dự phòng cũng đã chỉ đạo các Sở Y tế triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp nhằm xử lý triệt để ổ dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện

Tăng cường truyền thông về phòng, chống SXH, đảm bảo các thông tin khuyến cáo của Bộ Y tế về biện pháp phòng, chống SXH được truyền tải đến tận hộ gia đình. Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch SXH tại các điểm, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Tổ chức phun hóa chất diện rộng tại khu vực đang có ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, trong thời điểm có nguy cơ bùng phát dịch SXH người dân cũng cần bình tĩnh, chủ động phối hợp cùng các cơ quan chức năng khi thực hiện các biện pháp phòng chống SXH tại cộng đồng, như phun hóa chất diệt muỗi, bọ gậy.



Thường xuyên vệ sinh nguồn nước cũng như môi trường xung quanh nhằm diệt trừ muỗi, lăng quăng


Thiết thực nhất đối với người dân trong việc phòng ngừa SXH, trong công tác diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, Cục Y tế Dự phòng cũng khuyến cáo:

- kiểm tra và diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các các vật liệu phế thải, các hốc tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ trứng.

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi sốt hay có các triệu chứng của SXH đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.


ctv6
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn