Chữa viêm họng trong thai kỳ như thế nào?

Viêm họng là một bệnh rất thường gặp ở mọi đối tượng trong đó có phụ nữ mang thai. Biểu hiện viêm họng ở đối tượng này cũng giống như viêm họng thông thường, đó là sốt, ho, đau rát họng…

Trong trường hợp phải dùng thuốc điều trị, phụ nữ mang thai cần tuân thủ triệt để theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Nếu là viêm họng do vi- rút: thì không cần dùng kháng sinh mà chỉ cần điều trị triệu chứng: hạ sốt, giảm ho, giảm đau họng… Thuốc hạ sốt thường dùng là paracetamol.

Tuyệt đối không được sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm aspirin vì thuốc này dễ gây quái thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Đối với 3 tháng cuối của thai kỳ thuốc còn gây ra các rối loạn ở phổi, liên quan đến việc đóng ống động mạch của bào thai trong tử cung…

Ngoài ra, thuốc còn có thể gây kéo dài thời gian mang thai và chậm chuyển dạ.

Chỉ sử dụng thuốc ho khi ho làm ảnh hưởng tới thai phụ như ho nhiều, liên tục có thể ảnh hưởng đến thai như sảy thai…

Trường hợp viêm họng do vi khuẩn: Ngoài dùng thuốc hạ sốt cần phải dùng kháng sinh. Khi phải dùng thuốc này thầy thuốc phải lựa chọn nhóm thuốc nào an toàn nhất, ít gây hại nhất cho thai nhi.

Nhóm kháng sinh hay dùng cho đối tượng này là bê-ta lactam (gồm các thuốc penicillin, ampicilin, amoxicillin, cephalosporin…). Các thuốc này có tác dụng tốt với các vi khuẩn hay gây bệnh viêm họng như tụ cầu, liên cầu, phế cầu…

Hơn nữa thuốc an toàn cho phụ nữ có thai kể cả trong 3 tháng đầu. Đối với những người bệnh bị dị ứng với các thuốc trên có thể dùng nhóm kháng sinh macrolid (bao gồm các thuốc erythromycin, spirammycin, azithromycin…

Ngoài việc sử dụng kháng sinh có thể dùng một số thuốc ngậm tại chỗ như lysopain, mekothrocine, benzoncain, papain… Với các thuốc ngậm này có thể có thêm kháng sinh hoặc giảm đau trong thành phần.

Kháng sinh có mặt trong thành phần của thuốc sát khuẩn họng dạng ngậm thường là bacitracine. Ngoài ra, trong thuốc còn có chất lysozyme có tác dụng chống viêm, giảm phù nề hoặc tinh dầu bạc hà…

Việc dùng thuốc cho đối tượng này phải hết sức thận trọng, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, để tránh thuốc làm ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, phụ nữ có thai không được tự điều trị viêm họng. Việc điều trị phải có sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng và sản khoa.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin