Chuẩn bị mang thai: Có cần tiêm phòng không?

Sinh được một đứa con khỏe mạnh, không phải là điều dễ dàng

‘Dưỡng chất vàng’ cho mẹ bầu

Chống béo phì trẻ em: Cần bắt đầu từ... trước khi mang thai!

Cần bổ sung vi chất thiết yếu trước khi có thai

Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ thai lưu, sảy thai

Nên khám sức khỏe trước khi quyết định có thai

Việc mang bầu, sinh con là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Tuy nhiên, để có thai kỳ khỏe mạnh, chị em cần phải lưu ý đến vấn đề tiêm phòng trước khi mang thai để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như thai nhi.

Khỏe mạnh thì không cần tiêm phòng?

Vợ chồng chị Hoàng Thanh (Q.3, TP.HCM) vừa cưới nhau được hơn hai tháng và đang có dự định sẽ có con ngay để làm vui lòng cha mẹ hai bên. Thế nhưng, khi hỏi Thanh đã chuẩn bị gì cho mình trước khi mang thai chưa thì cô cho biết: “Mình có nghe nói về việc cần tiêm phòng trước khi mang thai. Nhưng mình nghĩ điều đó chỉ cần thiết cho các cặp vợ chồng đang có vấn đề về sức khỏe. Còn hai đứa mình mới 24 tuổi, sức khỏe cả hai đều rất tốt thì cần gì phải tiêm phòng. Mình tính khi nào mang bầu thì mới đi bác sỹ khám, sau đó mới tiêm các loại thuốc dưỡng thai theo yêu cầu của bác sỹ”.

Còn cặp vợ chồng trẻ Hồ Thị Phương (26 tuổi, ngụ Q. Thủ Đức, TP.HCM) lại tỏ ra khá bất ngờ khi được hỏi về tiêm phòng trước khi muốn có em bé. Phương chia sẻ: “Cả hai đều ở quê lên TP.HCM làm công nhân đã được hơn 5 năm. Do chỉ quanh quẩn ở nhà máy và xóm trọ, rảnh lúc nào thì tranh thủ… ngủ bù lúc đó nên không có điều kiện để tham gia các buổi sinh hoạt, tư vấn tiền hôn nhân. Vì thế việc cần thiết phải tiêm phòng khi muốn có con rất lạ với mình. Hơn nữa, toàn bộ thời gian đều dành để đi làm, có lúc nào rảnh đâu mà tìm hiểu và tiêm phòng ngừa, đó là chưa kể đến tiền tiêm phòng... Thôi thì, đến khi nào cấn bầu rồi tụi mình mới tính tiếp”.

Việc tiêm phòng chưa được quan tâm đúng mức

Rõ ràng, việc cần phải tiêm phòng trước khi muốn có con với các đôi vợ chồng trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Với suy nghĩ khá đơn giản, cha mẹ khỏe thì nhất định thai cũng sẽ khỏe nên đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Đơn cử như trường hợp chị Hà (Q. Bình Tân, TP.HCM) vừa phải bỏ thai đứa con đầu lòng mới hơn hai tháng. Nguyên nhân là do chị Hà bị mắc sởi trong lúc về quê chơi. Do chưa tiêm phòng sởi nên bệnh đã ảnh hưởng đến thai nhi khiến thai bị chết lưu trong bụng mẹ.

Đừng chủ quan với tiêm phòng

Theo BS Nguyễn Ngọc Thông - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM, tiêm phòng trước khi mang thai là rất cần thiết để an toàn cho cả mẹ và con, tùy theo điều kiện mà chị em có thể lựa chọn cho mình những loại vaccine phù hợp. Tuy nhiên, có bốn loại vaccine cần thiết phải tiêm phòng trước khi mang thai, giúp chị em có đầy đủ sức khỏe, đồng thời đảm bảo về sự an toàn và phát triển toàn diện của bé sau này. Cụ thể:

Rubella

 Virus rubella lây truyền qua đường hô hấp, thời gian ủ bệnh từ 12 - 23 ngày (trung bình là 18 ngày). Nhiễm rubella trong đầu thai kỳ (3 tháng đầu hoặc 20 tuần đầu) có thể gây thai chết hoặc hội chứng rubella bẩm sinh, hội chứng này đặc trưng bởi nhiều khuyết tật, đặc biệt là với não, tim, tai và mắt. Tất cả phụ nữ, nữ vị thành niên đều có thể tiêm phòng rubella, trừ các trường hợp dị ứng với thành phần của thuốc, suy giảm miễn dịch; Thận trọng khi có tiền sử dị ứng trứng, hoãn tiêm khi sốt, bệnh cấp tính, có thai.

Thủy đậu

Phụ nữ chuẩn bị có thai được tiêm phòng thủy đậu sẽ tránh được tình trạng mẹ bị thủy đậu trong nửa đầu thai kỳ có thể gây dị tật bẩm sinh do lây nhiễm qua nhau thai. Những dị tật bẩm sinh gồm: Viêm võng mạc bồ đào, teo vỏ não, thận ứ nước, những khiếm khuyết của da và xương chân. Không tiêm vaccine thủy đậu cho các trường hợp: Quá mẫn cảm với thành phần của thuốc, có thai, suy giảm miễn dịch; Hoãn tiêm khi sốt, bệnh cấp tính.

Viêm gan siêu vi B

Viêm gan siêu vi B là do virus gây ra, chúng dễ dàng lây truyền qua đường máu và dịch cơ thể, vì thế khi mang thai bà mẹ nhiễm virus viêm gan B dễ dàng lây virus sang cho thai nhi hoặc lây cho trẻ sơ sinh trong quá trình sinh nở. Phụ nữ chuẩn bị mang thai muốn tiêm phòng viêm gan siêu vi B nên xét nghiệm huyết thanh học của cả hai vợ chồng. Bên cạnh đó, nên tiêm phòng viêm gan B đối với cả cha và mẹ để đảm bảo an toàn cho sự phát triển toàn diện của bé sau này, phòng tránh nguy cơ bé bị mắc bệnh viêm gan siêu vi B bẩm sinh.

Cảm cúm

Cảm cúm là căn bệnh khá phổ biến mà bất kỳ người nào cũng có thể gặp phải, nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Trong quá trình mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu mẹ bầu mắc phải những cơn cúm kéo dài sẽ dẫn đến khả năng thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Chính vì vậy, chị em cần tiêm phòng cúm trước khi có ý định mang thai nhằm đảm bảo thai nhi có sức khỏe tốt và phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó, chị em có thể tiêm bổ sung một số mũi tiêm ngăn ngừa các bệnh khác như viêm gan siêu vi A, thương hàn, phổi... Kết hợp với việc dùng acid folic mỗi ngày một viên, dùng tối thiểu ba tháng trước khi mang thai rất tốt. Acid folic giúp dự phòng những bất thường thai nhi như: Khuyết tật ống thần kinh, sứt môi - chẻ vòm, có thể dự phòng cả sẩy thai và sinh non.

Bạn có thể tiêm tại các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện, Viện Pasteur... Sau khi tiêm 3 tháng hãy để có thai, không nên mang thai liền ngày sau tiêm. Thông thường chỉ cần tiêm ngừa cho vợ, còn nếu tiêm luôn cho cả chồng cũng tốt.

Đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai cần chú ý tăng cường chế độ dinh dưỡng nhằm nâng cao chất lượng của tế bào sinh sản. Khi bạn biết chính xác là đã thụ thai mới tăng dinh dưỡng thì trên thực tế đã không đáp ứng được nhu cầu phát triển của thai nhi trong thời gian đầu. Tăng chế độ dinh dưỡng trước khi mang thai là 1 trong những biện pháp quan trọng nhất để thai nhi khỏe mạnh. Ngoài ăn uống, bạn còn phải rèn luyện sức khỏe như tập thể dục hàng ngày, bơi lội, khiêu vũ, đi bộ, hít thở không khí trong lành…

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn