- Chuyên đề:
- Bệnh thủy đậu
Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Ca mắc thủy đậu ở Hà Nội gia tăng, phòng bệnh cho trẻ thế nào?
Infographic: 5 khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng tránh thủy đậu
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster gây ra. Các triệu chứng thường bắt đầu khoảng 2 tuần sau khi nhiễm virus thủy đậu. Thông thường, bệnh thủy đậu cũng sẽ gây ra các triệu chứng giống cúm như nhức đầu, sốt, đau họng hoặc xuất hiện các ban đỏ trên da. Những triệu chứng này kéo dài từ 10 đến 21 ngày.
Theo BS chuyên khoa Nhi Đỗ Anh, virus thủy đậu có thể lây từ người sang người qua những hình thức như sự tiếp xúc gần (cầm tay, nắm tay, ôm...); Tiếp xúc với dịch tiết, hắt hơi, ho, chất thải hoặc vật dụng (quần áo, bát thìa, đũa, khăn) của người bệnh.
Thông thường, khả năng mắc bệnh thủy đậu khi mang thai tương đối thấp. Hầu hết phụ nữ mang thai đều miễn dịch với bệnh thủy đậu vì họ đã từng bị nhiễm bệnh hoặc đã được tiêm vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai vẫn nên cẩn trọng vì khi nhiễm bệnh có thể gặp biến chứng nguy hiểm.
Phụ nữ mang thai hệ miễn dịch thấp hơn bình thường do các thay đổi về nội tiết và cơ thể, hình thành mối đe dọa "kép" cho cả mẹ và thai nhi. Nếu thai phụ mắc thủy đậu ở 3 tháng đầu, virus thủy đậu có thể gây sảy thai, dị tật bẩm sinh như: Bại não, đầu nhỏ, co gồng tay chân, bệnh lý về mắt... Nếu mẹ bầu mắc bệnh trong khoảng 13 đến 20 tuần có thể gây sảy thai, dị tật thai nhi như thiểu sản tiểu não, chứng đầu nhỏ, bất thường nhãn cầu, dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Còn với bà bầu mắc bệnh khoảng 5 ngày trước khi chuyển dạ cho đến 2 ngày sau sinh, trẻ sơ sinh có nhiều khả năng nhiễm bệnh thủy đậu lan tỏa. Trong trường hợp này, bé có nguy cơ tử vong khá cao, lên đến khoảng 25 - 30% các ca trẻ sơ sinh bị thủy đậu lan tỏa từ mẹ.
Vì vậy, khi mẹ bầu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc thủy đậu cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Tùy vào tình trạng bệnh bác sỹ sẽ đưa ra phương pháp điều trị và hướng dẫn cụ thể để đảm bảo an toàn cho mẹ cũng như thai nhi.
Liên quan đến cách phòng bệnh thủy đậu, BS. Đỗ Anh cho biết: "Một trong những cách phòng bệnh, đặc biệt là cho các đối tượng nguy cơ cao như người già, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch là phải có một chế độ ăn uống đầy đủ chất, vitamin. Cùng với đó là phải có chế độ vận động thể dục hàng ngày để nâng cao sức đề kháng. Phụ nữ cần phải chủ động tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai giúp ngăn ngừa những bệnh lý có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai gây ảnh hưởng đến bản thân sản phụ cũng như thai nhi. Bên cạnh đó, với các đối tượng nguy cơ cao cần áp dụng các biện pháp phòng những bệnh lây nhiễm. Ví dụ như hạn chế đi đến chỗ đông người, hạn chế tiếp xúc với người ốm, rửa tay thường xuyên và cần chủ động đeo khẩu trang khi đến những nơi mà đông người, hoặc nơi có nguy cơ cao nhiễm mầm bệnh truyền nhiễm".
Tóm lại, thủy đậu là một bệnh lý truyền nhiễm cao, bất kỳ ai cũng có thể mắc. Tuy bệnh thường lành tính nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời vẫn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa bệnh rất cần thiết.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
2. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
Bình luận của bạn