Ca mắc thủy đậu ở Hà Nội gia tăng, phòng bệnh cho trẻ thế nào?

Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, phát ban giống mụn nước

Mắc thủy đậu phải kiêng những gì?

Thủy đậu vào mùa, phòng bệnh cho trẻ thế nào?

Mùa Xuân, nhiều bệnh lây nhiễm nguy hiểm với phụ nữ mang thai

Những lưu ý quan trọng khi trị thủy đậu tại nhà

Tăng gần 140 lần ca mắc thủy đậu ở Hà Nội

Chia sẻ trên báo Nhân dân, bác sỹ Trần Thị Kim Anh, Trưởng Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, trong tuần vừa qua, số trẻ mắc thủy đậu đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng 30% so với tháng trước. Các trường hợp đều phải nhập viện với các dấu hiệu như sốt, đau đầu, nhức cơ, nổi ban tròn đỏ khắp cơ thể, tiến triển thành bọng nước, mụn mủ. Trẻ có kèm ho và tiêu chảy.

Theo bác sỹ Kim Anh, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra, số người mắc cao điểm từ tháng 3 đến tháng 5. Đây là khoảng thời gian cuối Xuân đầu Hè, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây lan. 

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 548 ca mắc thủy đậu, tăng gần 140 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đa phần bệnh nhân thủy đậu ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%). Bệnh nhân được ghi nhận tại 18/30 quận huyện, một số đơn vị có số mắc cao như: Chương Mỹ, Mê Linh, Ba Vì, Nam Từ Liêm và Mỹ Đức. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) dự báo số ca mắc thủy đậu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Biến chứng thủy đậu - Cha mẹ chớ coi thường

 

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh thủy đậu dễ lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nguồn bệnh như: Nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi, ho…; Có thể lây gián tiếp qua việc dùng chung đồ sinh hoạt hàng ngày với người bệnh.

Các triệu chứng xuất hiện từ 7-21 ngày sau khi nhiễm virus, bao gồm sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi và chán ăn. Những chấm đỏ sẽ xuất hiện trên cơ thể trong 2-3 ngày rồi trở thành mẩn ngứa, từ đó hình thành nên những chỗ rộp dần dần khô và đóng vảy từ 4-5 ngày. Miệng, tai và mắt cũng có thể xuất hiện những nốt mụn nước và vết loét.

Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nếu được điều trị tốt và kịp thời, bệnh sẽ khỏi sau 1 tuần, tuy nhiên nếu không được điều trị đúng cách bệnh sẽ kéo dài từ 2-3 tuần và để lại sẹo ở những vùng xuất hiện mụn, gây mất thẩm mỹ. Thậm chí bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm hơn gồm: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong.

Cách phòng thủy đậu cho trẻ thế nào?

Mặc dù bệnh có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhưng hiện tại đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vaccine.

Hiện nay, thị trường Việt Nam phổ biến 3 loại vaccine thủy đậu gồm vaccine thủy đậu thế hệ mới Varilrix (Bỉ) tiêm sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, vaccine Varivax (Bỉ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn.

Theo các chuyên gia, người được tiêm phòng vaccine thủy đậu giúp tăng khả năng phòng bệnh lên đến 97%. Vì thế, cha mẹ nên cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên đi tiêm vaccine để phòng bệnh và những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra nếu mắc bệnh. Lịch tiêm vaccine thủy đậu tùy thuộc vào từng lứa tuổi. Với trẻ em từ 12 tháng tuổi - 12 tuổi, lịch tiêm gồm 2 mũi: Mũi 1 khi trẻ 12 tháng và mũi 2 tiêm khi trẻ từ 4 đến 6 tuổi. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 4-8 tuần.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh. Những trường hợp trẻ mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học từ 7-10 ngày để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ cũng cần chú ý thường xuyên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng. Khi trẻ có những biểu hiện sốt, mẩn nốt cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

 

Trẻ bị thủy đậu có nên tắm không?

Theo Hệ thống tiêm chủng VNVC, khi trẻ mắc thủy đậu nhiều cha mẹ cho rằng phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm rửa cho trẻ. Đây là quan niệm sai lầm bởi trẻ có thể bị biến chứng viêm da bội nhiễm, nặng hơn là nhiễm trùng huyết. Trẻ mắc thủy đậu sẽ khó chịu, ngứa da, không tắm càng khiến trẻ thêm ngứa ngáy, gãi vỡ các nốt thủy đậu, dễ nhiễm trùng nặng, bội nhiễm, gây biến chứng nguy hiểm. Việc tắm cho trẻ rất quan trọng, cha mẹ cần tắm nhanh cho bé bằng nước ấm, tránh chà xát mạnh làm tổn thương vùng da bị viêm nhiễm.

Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội