- Chuyên đề:
- Bệnh thủy đậu
Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cần được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách
Mùa Xuân, nhiều bệnh lây nhiễm nguy hiểm với phụ nữ mang thai
Bệnh thủy đậu có nguy hiểm không?
Những lưu ý quan trọng khi trị thủy đậu tại nhà
Thủy đậu và những biến chứng nguy hiểm với sức khỏe
ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ trên tamanhhospital.vn, tại Việt Nam, thủy đậu được tính vào nhóm 5 bệnh truyền nhiễm thường gặp và tỷ lệ lây lan cao nhất. Bệnh ảnh hưởng nặng nề đến nhóm trẻ em dưới 12 tháng và tăng nguy cơ mắc bệnh zona về sau lên đến 4,5 lần so với lứa tuổi khác.
Hiện nay, thủy đậu ở trẻ em vẫn đang là gánh nặng bệnh tật cho các nước trên thế giới. Theo thống kê mỗi năm thủy đậu gây bệnh cho hơn 4 triệu người, trong đó 10.000 bệnh nhân cần nhập viện chăm sóc y tế. Tại Việt Nam theo thống kê năm 2018, có hơn 31.000 trường hợp bị bệnh trong đó có nhiều trường hợp có biến chứng nặng vì tự điều trị tại nhà.
Bệnh dễ lây lan
Thủy đậu một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh chủ yếu lây lan qua đường hô hấp. Đa số trường hợp trẻ khỏe mạnh nhiễm thủy đậu là do tiếp xúc với người bệnh thông qua không khí như hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi, hay tiếp xúc chất dịch từ mụn nước, vật dụng cá nhân. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường phổ thông cơ sở là nơi bệnh dễ thành dịch, chỉ cần 1 trẻ bị bệnh là môi sinh nơi đó được rải virus.
Thủy đậu thường phát triển mạnh vào mùa Đông và đầu Xuân. Thời gian ủ bệnh từ 2-3 tuần, thông thường 14-16 ngày. Sau đó, bệnh bắt đầu tiến vào giai đoạn khởi phát với những biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, phát ban... Trong một số trường hợp, nhất là ở trẻ em không có dấu hiệu bị thủy đậu rõ ràng.
Ở giai đoạn toàn phát, triệu chứng của bệnh thường là sốt cao, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ. Những mụn nước với đường kính 1-3 mm xuất hiện toàn thân thậm chí xuất hiện cả trong niêm mạc miệng, gây ngứa rát, khó chịu cho người bệnh. Trong những trường hợp nặng, mụn nước to hơn; Khi nhiễm trùng có màu đục do chứa mủ.
Thủy đậu là bệnh miễn dịch 1 lần. Điều đó có nghĩa nếu một người từng bị thủy đậu thì sẽ không tái mắc bệnh. Tuy nhiên, virus vẫn tồn tại trong cơ thể người bệnh rất lâu sau khi đã khỏi bệnh. Nếu virus hoạt động trở lại, nó có thể gây ra một bệnh nhiễm trùng là zona thần kinh.
Chớ coi thường mà ân hận
Nhiều cha mẹ vẫn nghĩ thủy đậu chỉ là bệnh ngoài da nên không nguy hiểm. Tuy nhiên, theo BS. Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I (TP.HCM) chia sẻ trên vnexpress.vn, nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, thủy đậu sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Những biến chứng phổ biến của Bệnh thủy đậu ở trẻ gồm: Nhiễm trùng tại chỗ, viêm thận, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não, viêm gan...
Đặc biệt, với phụ nữ mang thai bị bệnh thủy đậu, thai nhi cũng có thể bị ảnh hưởng. Tác động đến em bé sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả thời gian mẹ đang mang thai. Cụ thể, nếu mẹ bị nhiễm bệnh trong 20 tuần đầu, trẻ sinh ra có nguy cơ bị thủy đậu bẩm sinh, bao gồm: Dị tật ở mắt, các vấn đề về thần kinh (đầu nhỏ, mù, chậm phát triển, co giật), sẹo da và các chi bị teo nhỏ; Thời gian từ 20 đến 36 tuần, em bé có nguy cơ mắc bệnh zona khi còn nhỏ; Mẹ bị nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước khi cho đến 2 ngày sau sinh, trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh thủy đậu.
Cha mẹ cần phải làm gì?
Khi trẻ có dấu hiệu thủy đậu cha mẹ nên đưa đến bệnh viện để thăm khám, không đắp lá, không vội vã cho uống bất kỳ loại thuốc gì. Nếu được điều trị ngoại trú cũng nên cử người chăm sóc bé như bôi xanh methylen lên mụn nước, mặc quần áo rộng...
Khi trẻ ngứa có thể dùng siro chống dị ứng, không để trẻ gãi làm vỡ mụn nước gây lan truyền sang vùng da bên cạnh và tạo cơ hội cho nhiễm trùng.
Phòng thủy đậu bằng cách cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên tiêm vaccine theo quy định của Bộ Y tế. Người lớn chưa từng bị thủy đậu cũng nên đi chích ngừa, đặc biệt là phụ nữ tuổi sinh nở. Với gia đình có con bị thủy đậu nên để trẻ ở nhà ít nhất 1 tuần, không cho trẻ tiếp xúc với cộng đồng và đừng chủ quan rằng đó là “bệnh nhẹ”.
Bình luận của bạn