Chuyện những bác sĩ đưa phong bì cho bệnh nhân

Những mảnh đời ứa nước mắt

Đến bây giờ, chúng tôi vẫn không thể quên được câu chuyện của người mẹ địu cô con gái bé teo trên tay cho các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức khám tại Điện Biên trong chương trình “Viettel vì cộng đồng” vừa qua. Năm nay, bé Lò Quỳnh Châu (người dân tộc Mông ở bản Cò Chạy, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) 2 tuổi nhưng chỉ nặng 7kg. Hai năm nay, bé chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng vì căn bệnh teo nhãn cầu.

Mẹ bé- chị Lù Thị Quỳnh cho biết, từ khi sinh ra đến giờ, cháu cứ nhắm chặt mắt. Hồi cháu mới sinh, các bác sĩ cho biết, nếu được đưa về Hà Nội chữa bệnh, cháu sẽ lành. Hồi đó, nhà chị Quỳnh không có tiền để đưa con đi khám. Sau này, càng ngày cháu càng yếu vì không ăn được gì ngoài uống sữa, cộng với bệnh suy tim khiến cháu càng oặt oẹo hơn. Lúc ấy hai vợ chồng mới vay tín dụng 10 triệu đồng để đưa con chạy khắp Hà Nội chữa trị thì đã muộn.

Chuyện những bác sĩ đưa phong bì cho bệnh nhân 1
Bé Lò Quỳnh Châu đang được mẹ bế chờ các bác sĩ khám miễn phí

Hiện tại, bệnh của con chị phải cấy nhãn cầu rất tốn kém. Đặc biệt, do để quá lâu nên có thể nói vô phương cứu chữa. Hàng ngày, cháu Châu hút hết khoảng 30.000đ tiền sữa tươi thay cho cơm cháo nhưng do không có tiền nên cháu Châu lúc có sữa, lúc không. Hiện nay, cả gốc lẫn lãi số tiền vay của chị Quỳnh đã lên đến 30 triệu đồng.

Vợ chồng chị đều làm ruộng, trong nhà có gì đều đã bán hết để đưa con đi khám nên không biết trông vào đâu để trả nợ. Chị kể với chúng tôi rồi ôm chặt con vào lòng, ứa nước mắt. Thương cảm cho hoàn cảnh của cháu, một số thành viên của ban tổ chức chương trình đã vận động quyên góp ngay tại chỗ được 500.000đ và mua cho bé một thùng sữa tươi.
Trong số những người dân thuộc diện khó khăn được khám miễn phí đợt này tại huyện Điện Biên, có những cụ già cả đời chưa từng được bác sĩ khám. Có bệnh cũng chỉ uống lá lay hoặc tự khỏi. Năm nay, cụ Lò Thị Khọ (xã Thanh Yên, Huyện Điện Biên, Tỉnh Điện Biên) gần 70 tuổi. Đã ở tuổi gần đất xa trời nhưng đây là lần đầu tiên trong đời, cụ được nhìn thấy các bác sĩ từ Hà Nội trực tiếp khám bệnh.

Cụ cho biết, mình bị đau đầu kinh niên, huyết áp cao và nhiều bệnh linh tinh khác, kéo dài đến hơn chục năm nay. Vì thế cho nên sức khỏe cụ lúc nào cũng ọp ẹp, chết đi sống lại mấy lần nhưng chẳng có tiền để đi chữa bệnh thường xuyên.

Chuyện những bác sĩ đưa phong bì cho bệnh nhân 2
Có cụ già 70 tuổi nhưng chưa bao giờ được khám chữa bệnh

Đợt bệnh nặng nhất là khoảng năm 1994, cụ tự nhiên lăn đùng ra ngất làm các con khóc ầm lên tưởng mẹ không qua khỏi. Lần ấy cụ ngã bệnh nặng không đi lại được, con cháu mang lên bệnh viện tỉnh khám, truyền nước, hết gần 3 triệu đồng. Có được ngần ấy tiền, các con phải cho mỗi người một ít, bán 1 sào đất nương, vay hàng xóm. Thậm chí bây giờ vẫn còn nợ hàng xóm 1 triệu đồng chưa thể trả.

Xong đận ấy, cụ quyết không đi viện nữa. Thi thoảng cụ bị đau đầu quá, con cái ra hiệu thuốc mua cho mẹ ít viên thuốc uống đỡ. Cụ Khọ cho biết mình có 9 người con nhưng ai cũng làm nông hoặc làm thuê làm mướn. Nhà có ít ruộng lúa nhưng cấy cày không đủ ăn, lấy đâu ra khám bệnh. Lần này, được bác sĩ Trung ương khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, cụ vui lắm.

Góp tiền cho bệnh nhân khám bệnh

Trong một ngày làm việc cật lực, 20 bác sĩ của bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức đã thăm khám, phát thuốc cho 930 người dân ở huyện Điện Biên và một số huyện lân cận. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh các bác sỹ thay phiên nhau ăn tạm ổ bánh mỳ vào buổi trưa để khám cho bà con kịp bắt xe về nhà. May mắn, có những em nhỏ được phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh, ngay lập tức được chuyển sang mổ ở chương trình “Trái tim cho em”, có những người bị bệnh nặng đã được làm thủ tục để về Hà Nội phẫu thuật…

Chuyện những bác sĩ đưa phong bì cho bệnh nhân 3
Có những bệnh nhân nặng nhưng không có tiền, một số y bác sĩ đang phải quyên góp tiền giúp bệnh nhân về Hà Nội phẫu thuật

Bác sĩ Khổng Tiến Bình (Khoa phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức) cho biết: từ năm 2010 đến nay, anh đã tình nguyện đi vùng sâu vùng xa chữa bệnh cho bà con khoảng 10 lần. “Vì cộng đồng” là chương trình được nhiều bác sĩ đánh giá có hiệu quả, can thiệp cho bệnh nhân được phẫu thuật sớm nếu cần thiết. Đặc biệt, những lần đi miền núi đã giúp anh thấy được cuộc sống của bà con còn quá khổ cực. Có những bệnh nhân phải dậy từ 4h sáng để địu con băng rừng đến nơi chữa bệnh. Có những bệnh nhân bị bệnh nặng nhưng gia đình không có tiền, các bác sĩ trong đoàn đã quyên góp để mua vé xe ô tô cho họ về Hà Nội phẫu thuật. Có những bệnh nhân sau khi được các bác sĩ chữa lành bệnh đã mời cả đoàn về thăm nhà, gia đình đã tạ ơn bác sĩ bằng mớ rau cắt trong vườn hoặc làm quà bằng túi rau sống…

Bà Phạm Thị Thanh Vân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Viễn thông Quân đội Viettel chia sẻ, đây là năm đầu tiên Cty phối hợp thực hiện chương trình khám và chữa bệnh miễn phí cho người dân ở vùng khó khăn. Đến nay, đã có 11 tỉnh thành được hưởng lợi từ chương trình với hơn 7 nghìn hộ được thăm khám và phát thuốc miễn phí. Sau mỗi lần khám ở các tỉnh thành, có khoảng 10 ca bệnh nặng sẽ được hỗ trợ để về bệnh viện trung ương chữa bệnh hoặc thực hiện phẫu thuật. Sắp tới, chương trình sẽ kết hợp với các bệnh viện để tổ chức chương trình càng hiệu quả hơn.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý