Những gian khổ nơi rừng núi cũng không quật ngã được các thầy cô giáo vẫn ngày đêm miệt mài bám trường, bám lớp “gieo chữ”.
Khánh thành "Bếp ăn cho em" Điểm trường Bản Tông Trường Mầm non Bình Chuẩn
Thêm “Bếp ăn cho em” được Vinalink Group khởi công xây dựng
Vina-Link Group cùng VTV Quỹ tấm lòng Việt trao tặng bếp ăn cho các em nhỏ tại Hà Giang
Thầy, cô: Tấm gương soi sáng, bất chấp vết mờ!
Bình Chuẩn là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Do địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác nên các điểm trường cũng phải đóng ở các bản vùng cao, đường xá đi lại khó khăn. Dù gặp nhiều vất vả nhưng gần ba chục năm gắn bó với nghề, cô Lô Thị Viêm, giáo viên mầm non điểm trường Bản Tông – Trường Mầm non Bình Chuẩn vẫn luôn nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn để mang những điều tốt đẹp nhất cho các em học sinh.
Sinh ra tại chính mảnh đất này, cô luôn thấu hiểu những khó khăn mà các em phải trải qua. Vì vậy, sau khi ra trường, cô không lựa chọn lập nghiệp tại vùng đồng bằng mà nuôi dưỡng ước mơ dạy học ở xã miền núi huyện Con Cuông với mong muốn, một ngày nào đó gần nhất, cuộc sống người dân nơi đây sẽ phát triển hơn.
Nhìn nét cười, sự thân thiện của cô, ít ai nghĩ hành trình 28 năm gieo chữ nơi vùng cao này của cô lại chất chứa nhiều ký ức vất vả, gian khó đến vậy. Những ngày đầu tiên trở thành giáo viên bám bản, cô Viêm gặp rất nhiều trở ngại. Không điện, không nước, không đủ điều kiện về cơ sở vật chất. Mỗi giáo viên muốn nấu ăn phải tự đi ra suối lấy nước, kiếm củi về đun. Nhà tranh, vách nứa dựng tạm, có nơi che mưa, che nắng qua ngày để dạy học.
Cô Viêm tâm sự, các em học sinh lúc bấy giờ còn không có lớp để học, phải đi học nhờ tại trường Tiểu học Bình Chuẩn. Đến mãi sau này, khi có điều kiện mới dựng được những lớp học tạm từ tre, nứa, gỗ. Cũng vì thế mà lớp học không có bàn, ghế tử tế, học sinh phải ngồi học trên cộc tre nứa để học.
Không riêng gì cô Viêm, mà hàng chục giáo viên ở đây đều chung hoàn cảnh như vậy. Ở lâu rồi thành quen, các cô không còn sợ khó, sợ khổ nữa. Nhưng có một điều mà làm các cô lo lắng hơn cả đó là những bữa ăn hàng ngày của các em học sinh. Bởi mỗi buổi lên lớp, vượt qua bao nhiêu khó khăn để đến được trường, nhưng các em cũng chỉ được học một buổi và phải đi về, vì điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức cho các em ăn bán trú tại trường không đảm bảo.
Ánh mắt buồn rầu của những đứa trẻ mong ước đi học nhưng không đủ sách vở, quần áo. Những bữa cơm lúc no, lúc đói, nhiều ngày phải ăn xôi chuẩn bị sẵn từ nhà... là những điều ám ảnh, nhưng lại tiếp thêm sức mạnh để cô Viêm tiếp tục hành trình dạy học gian nan ở mảnh đất nghèo - ấm tình người.
Trước những khó khăn thiệt thòi này, cô Nguyễn Thị Vân - Hiệu trưởng trường Mầm non Bình Chuẩn đã kêu gọi, vận động sự giúp đỡ từ chính quyền và các nhà hảo tâm, hỗ trợ dự án "Bếp ăn cho em". Công trình này không chỉ giúp nhà trường có điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức bữa ăn bán trú, giúp phụ huynh yên tâm gửi con ở trường khi làm việc xa nhà; đảm bảo được tỷ lệ chuyên cần và chất lượng dạy học.
"Bếp ăn cho em" cũng giúp nhà trường giải quyết được vấn đề dinh dưỡng, hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe để học tập và rèn luyện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
"Chúng tôi đã khắc phục khó khăn bằng cách tăng gia sản xuất để phục vụ nhu cầu hàng ngày nhằm đảm bảo sức khỏe. Mặc dù còn nhiều vất vả nhưng chúng tôi sẽ cố gắng bám trường, bám lớp để mang con chữ về cho các em vùng cao", cô Vân chia sẻ thêm.
Anh Kha Văn Nhềnh - một phụ huynh có con theo học tại điểm trường lẻ bản Tông cho biết, phụ huynh ở đây đa số làm nông, nhà xa nên ít có thời gian đưa – đón con tới trường. Chính vì vậy, khi trường tổ chức ăn bán trú, phụ huynh học sinh rất biết ơn và trân trọng.
Những vất vả, khó khăn sẽ vẫn còn nhiều ở phía trước, nhưng tin chắc rằng cuộc sống bà con, học sinh vùng cao sẽ thay đổi diện mạo, các em sẽ được phát triển toàn diện, phù hợp với lứa tuổi bởi có những giáo viên đầy tâm huyết cống hiến như cô Viêm, cô Vân và tập thể giáo viên trong nhà trường.
Bình luận của bạn