Năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm Việt Nam tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới. Nhờ nỗ lực đến từ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, tỷ lệ nam giới từ 15 tuổi trở lên hút thuốc là đã giảm từ 47% vào năm 2010 xuống còn 38,9% vào năm 2023. Trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở thanh, thiếu niên nước ta được kiểm soát, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi lại đang gia tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Thuốc lá điện tử là một trong những dạng thuốc lá thế hệ mới chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều sản phẩm mang tên E-cigarette hay Vape, dưới dạng những thiết bị điện tử cầm tay nhỏ gọn chỉ như một chiếc bút. Thuốc lá điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch có chứa nicotine và các chất hóa học khác, tạo ra các hạt khí dung (sol khí) cho người dùng hít vào.
Ngoài ra, còn có một dạng thuốc lá mới là thuốc lá nung nóng. Theo định nghĩa của WHO, đây là sản phẩm tạo ra các sol khí có chứa nicotine và các hóa chất độc hại khác khi điếu thuốc lá hoặc thiết bị có chứa thuốc lá được làm nóng bằng thiết bị điện tử. Thuốc lá có thể ở dạng giống thuốc lá điếu nhưng được thiết kế đặc biệt ngắn hơn và nhẹ hơn.
Các sản phẩm này thường được quảng cáo là thời thượng, không khói và ít gây hại hơn thuốc lá điếu. Dù khác nhau về hình dạng và cơ chế, thuốc lá thế hệ mới này vẫn đốt cháy các dung dịch hóa chất chứa nicotine – chất có khả năng gây nghiện cao. Thậm chí, nicotine trong thuốc lá điện tử thường sử dụng với hàm lượng lớn hơn so với thuốc lá điếu thông thường, được sản xuất nhân tạo tổng hợp để hạn chế gây khó chịu với đường hô hấp. Hậu quả là người sử dụng rất dễ bị ngộ độc và nhanh chóng dẫn tới nghiện nicotine. WHO cũng cảnh báo, trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường.
Nhiều người cho rằng thuốc lá nung nóng tỏa ra “hơi nước” nên ít gây hại hơn. Thực tế khói của các sản phẩm này chứa các chất độc hại tương tự như khói thuốc lá điếu thông thường, nhiều chất trong số đó có thể gây ung thư, bệnh tim mạch và hô hấp. Không có bằng chứng nào cho thấy các sản phẩm này ít gây tác hại về sức khỏe hơn so với thuốc lá điếu thông thường.
So với thuốc lá điếu truyền thống, các dung dịch trong thuốc lá điện tử được phối trộn thêm nhiều phụ gia, hương liệu, thậm chí có cả ma túy, cần sa “trà trộn”. Trong khi đó, sản phẩm này nhắm tới một lượng lớn khách hàng là thanh thiếu niên qua các phương thức quảng cáo trên mạng xã hội. Đây là độ tuổi não bộ và hệ thần kinh còn đang phát triển, nên tiếp xúc với nicotine từ sớm dễ gây nghiện, rối loạn nhận thức, giảm khả năng học tập, nặng nề hơn là loạn thần. Do đó, nếu không kiểm soát từ sớm, thuốc lá thế hệ mới có thể để lại hậu quả nặng nề cho thế hệ tương lai của đất nước.
Giải pháp nào để kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là câu hỏi mà nhiều đại biểu đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Thực tế là hai loại thuốc lá thế hệ mới này chưa được nhận diện trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thiếu sự kiểm soát của khung pháp lý, sản phẩm này ngày càng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, được bán ngang nhiên tại một số địa điểm du lịch thu hút người nước ngoài và xâm nhập cả vào trường học.
Trên quan điểm là cơ quan bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản, báo cáo khẳng định tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Đồng thời đề xuất các quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các loại hình thuốc lá thế hệ mới. WHO cũng kêu gọi các quốc gia thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá trong Công ước khung FCTC, thay vì cho phép sử dụng các sản phẩm được gọi là ít có hại hơn thuốc lá thông thường.
Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế, tổng chi phí quy cho hút thuốc ở Việt Nam năm 2022 lên đến 108,2 nghìn tỷ, tương đương 1,14% GDP. Trong khi đó tổng nguồn thu thuế từ thuốc lá năm 2022 là 17,6 nghìn tỷ, chưa bằng 1 phần 5. Đó là chưa kể tới việc người dân mỗi năm phải bỏ ra gần 50 nghìn tỷ để mua thuốc lá.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã bị cấm ở 42 nước. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia. Còn tại Việt Nam, mua bán các loại hình thuốc lá cực dễ dàng, giá thành lại rẻ do thuế thuốc lá chỉ chiếm 38,8% giá bán lẻ. Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhận định, đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam còn cao. Mức thuế khuyến nghị của WHO với nước ta là ít nhất 75% giá bán lẻ. Theo thời gian, thuốc lá ngày càng trở nên dễ mua hơn bởi thu nhập của người dân Việt Nam tăng nhanh hơn giá thuốc lá.
Trong bản Tư vấn chính sách “Cải cách thuế thuốc lá để nâng cao sức khỏe và Phát triển Bền vững tại Việt Nam”, WHO cho rằng, tăng thuế thuốc lá sẽ là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe của người dân - nguồn vốn quý giá nhất. Giá thuốc lá tăng vừa giúp giảm gánh nặng bệnh tật, bảo vệ người trẻ khỏi nguy cơ khỏi các sản phẩm thuốc lá chứa nicotine, đồng thời huy động được thêm nguồn thu ngân sách để đầu tư vào các ưu tiên phát triển bền vững mà Chính phủ đặt ra.
Mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36%. Để làm được điều này, chỉ mình Bộ Y tế nỗ lực là chưa đủ. Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã có chỉ đạo trong phiên chất vấn ngày 12/11, giao Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng đề án sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đồng thời đề nghị đại biểu và lãnh đạo địa phương các cấp tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, để ngành y không đơn độc trong thực hiện sứ mạng quan trọng bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Làm rõ các vấn đề về thuốc lá điện tử, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành chính sách, hoàn thiện khung pháp lý để quản lý chặt chẽ, rõ ràng đối với loại sản phẩm này. Trong khi chưa sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng để tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Nguồn hàng sản phẩm này chủ yếu do nhập lậu, cần ngăn chặn ngay từ các cửa khẩu, biên giới. Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với các bên liên quan tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, xem xét đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh về tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá thế hệ mới nói riêng.
Bình luận của bạn