Cuộc sống của người Mông trên đỉnh Phà Đánh

Bản Huồi Cọ với những căn nhà sàn đơn sơ chen lẫn trong cây rừng - Ảnh: báo Nghệ An

“Gieo” chữ… trên núi

Vinalink Group khánh thành “Bếp ăn cho em” ở bản Huồi Cọ

Vinalink Group tiếp tục xây dựng chuỗi "Bếp ăn cho em" tại Nghệ An

Xe chúng tôi phải tăng-bo từ Km303 Quốc lộ 16, theo con đường núi cheo leo dốc 9 độ để lên Huồi Cọ, một bản thuộc xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, giáp biên giới với Lào. Những chiếc xe máy đưa chúng tôi lượn theo con đường độc đạo, một bên là núi, một bên là vực, hết con dốc này lại tới con dốc khác. Có thể nói vui là xe máy ở đây chỉ có mỗi số 1 là hoạt động vì khi lên bản chỉ có số 1 mới tải được và lúc đi xuống cũng phải dùng số này để hãm xe giúp giảm ma sát cho phanh. Anh Và Khua Đớ vừa cẩn thận điều khiển chiếc xe vừa khoe với chúng tôi: “Trước đây, đường lên bản khó đi lắm. Nhờ con đường mới được trải bê tông này mà việc lên xuống bản đã dễ dàng hơn rất nhiều”.

Xe lên dốc được khoảng gần 3km, là vào tới đầu bản. Căn nhà của những hộ dân đầu tiên trong bản bắt đầu hiện ra. Theo anh Đớ, ông cha anh bắt đầu định cư ở đây từ những năm 1946. Trước đó, với tập quán du canh du cư, người Mông di chuyển khắp nơi, phát nương làm rẫy. Cứ mỗi điểm ở vài năm, đất hết màu mỡ lại chuyển sang nơi khác dựng nhà ở tạm. “Nhưng rồi sao lại định canh định cư ở đây anh?”, tôi hỏi. Anh Đớ bảo, “Bởi ở đây khí hậu tốt, con trâu con gà không đau không ốm, người dân không bị đói như trước nên ở lại thôi.”

Đường lên bản Huồi Cọ phải vượt những con dốc đứng và các khúc cua liên tục - Ảnh: Sức khỏe+

Đường lên bản Huồi Cọ phải vượt những con dốc đứng và các khúc cua liên tục - Ảnh: Sức khỏe+

Theo anh Đớ, trước đây, khi mới định cư, bản Huồi Cọ cũng khá đông dân, nhưng rồi một số hộ gia đình chuyển sang địa điểm khác, chỉ còn khoảng 20 hộ định canh tại đây, lâu dần, dân số tăng lên, số hộ số dân cũng từ đó tăng theo. Cho đến nay, bản Huồi Cọ có 58 hộ dân với 343 nhân khẩu.

Anh Đớ cũng cho biết thêm, bản có cái tên Huồi Cọ xuất phát từ việc trên những đỉnh núi ở bản có rất nhiều con chim phượng hoàng, tiếng Mông gọi chim phượng hoàng là “Nồng Trống”, người Thái gọi “Nốc Cốc”. Vì thế, con khe chạy qua bản gọi là khe Cốc, đặt theo tiếng Thái, nay gọi thành khe Huồi Cọ, tên bản cũng là Huồi Cọ. Bản nằm ở độ cao trung bình từ 1.200-1.700m so với mực nước biển.

Xe vượt qua những con dốc cheo leo nhất, bản Huồi Cọ đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Những ngôi nhà gỗ thâm nâu nhuốm màu thời gian ẩn hiện giữa sắc xanh của núi rừng cùng bạt ngàn cây cối xanh mướt. Những cây đào, cây mận đang đến mùa ra trái. Lũ trẻ tha thẩn chơi dưới gốc cây. Con đường đất trước kia đã được “bê tông hóa” đến tận hiên nhà.

Đường bê tông đã được trải tới từng ngôi nhà, thuận tiện cho việc đi lại của người dân - Ảnh: Sức khỏe+

Đường bê tông đã được trải tới từng ngôi nhà, thuận tiện cho việc đi lại của người dân - Ảnh: Sức khỏe+

Đón tiếp chúng tôi là ông Lữ Ngọc Tinh – Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai. Chia sẻ về cuộc sống của người dân nơi đây, ông Lữ Ngọc Tinh cho biết, “Từ khi có con đường, đời sống người dân ở bản Huồi Cọ này như được chuyển sang một trang mới”.

Những năm 2012 trở về trước, từ Huồi Cọ muốn đến trung tâm xã Nhôn Mai phải mất nửa ngày, đi trung tâm huyện thì mất tới 2 ngày. Đường đi chủ yếu là đất, đá ngoằn ngoèo và lầy lội. Người Mông nơi đây quen sống khép kín, chủ yếu là tự cung, tự cấp. Bao đời nay, bà con cuộc sống chủ yếu vẫn dựa vào nương rẫy. Nhà nào có điều kiện thì nuôi trâu, bò hoặc chăn nuôi lợn, gà. Ngô gạo làm ra nhiều khi còn không cung cấp đủ cho gia đình. Đời sống của bà con vẫn phụ thuộc vào khí hậu và sự khắc nghiệt của thời tiết. Năm nào được mùa thì bà con đủ ăn, năm nào mất mùa thì chật vật cả năm.

Chủ tịch xã Lữ Ngọc Tinh cho biết, “Trước kia thu hoạch được củ sắn, bắp ngô cũng chỉ biết chất đầy kho mùa này qua mùa khác. Có mối, mọt lại phải bỏ đi. Con đường đi lại khó khăn nên sản phẩm người dân làm ra chỉ trao đổi ở trong bản”.

Được sự hỗ trợ, đầu tư của cấp ủy, chính quyền, con đường từ Xói Voi lên Huồi Cọ dài 3,5km được cải tạo lại. Bà con xuống xã chỉ mất chưa đầy nửa tiếng, ra đến thị trấn Thạch Giám chỉ 3 tiếng đồng hồ…. “Đến thời hiện tại, gia súc hay nông sản địa phương đều trở thành hàng hóa để phát triển kinh tế. Người dân dễ dàng trong việc mang hàng hóa xuống dưới miền xuôi, thương lái lên bản thu mua cũng thuận lợi hơn rất nhiều”.

Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai Lữ Ngọc Tinh chia sẻ về những thay đổi ở bản Huồi Cọ - Ảnh: Sức khỏe+

Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai Lữ Ngọc Tinh chia sẻ về những thay đổi ở bản Huồi Cọ - Ảnh: Sức khỏe+

“Tri thức là phương tiện thoát nghèo”

Trước năm 2005, việc cho trẻ đi học cái chữ với người dân Huồi Cọ là điều quá xa vời. Đối với họ, “bữa ăn còn bữa đói, bữa no, việc học là không cần thiết”. Tuổi thơ những đứa trẻ vùng cao bị "đánh cắp" bởi nỗi vất vả, nhọc nhằn và hơn nữa là cuốn theo vòng mưu sinh của gia đình. Hệ lụy kéo theo là bỏ học, lấy vợ, lấy chồng sớm, tảo hôn…

Từ năm 2025, nhờ sự động viên của cấp ủy, chính quyền, người dân Huồi Cọ đã có sự thay đổi rõ rệt trong suy nghĩ. Họ coi “tri thức chính là phương tiện thoát nghèo”. Điểm trường mầm non rồi điểm trường Tiểu học bán trú Huồi Cọ được xây dựng, dù chỉ là những chiếc lán được dựng lên nhưng đó là điểm nhấn cho sự thay đổi suy nghĩ của người dân nơi đây. Trẻ em từ 3 tuổi đều được vận động cha mẹ ông bà đưa tới lớp hàng ngày. Nắng cũng như mưa, mỗi ngày đều có hai phụ huynh tới điểm trường, hỗ trợ các giáo viên bám bản nấu nướng, chăm sóc lũ trẻ, dọn dẹp lớp học mỗi khi tan trường. Ông Lữ Ngọc Tinh cho biết: “Hai điểm trường ở đây đều là điểm trường dân nuôi. Người dân góp gạo góp sức để chăm sóc lũ trẻ bên cạnh giáo viên giảng bài.”

Đến năm 2017, hai điểm trường ở bản Huồi Cọ được nhà nước đầu tư xây dựng khang trang hơn, đầu tư thêm trang thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu dạy và học. Số lượng học sinh tới lớp ngày càng đông hơn.

Bữa cơm trưa của các em nhỏ tại điểm trường mầm non Huồi Cọ trong bếp ăn mới được xây dựng. - Ảnh: Sức khỏe+

Bữa cơm trưa của các em nhỏ tại điểm trường mầm non Huồi Cọ trong bếp ăn mới được xây dựng. - Ảnh: Sức khỏe+

Các em học sinh ở Huồi Cọ hôm nay, học hết cấp tiểu học mới phải rời nhà xuống xã xuống huyện để theo học các cấp học cao hơn. Cuối tuần về thăm bản, đầu tuần các em lại khăn gói lên đường mang theo nhu yếu phẩm, có khi chỉ là bao gạo, túi mèn mén xuống dốc núi “viết tiếp ước mơ con chữ”.

Sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm đã giúp Huồi Cọ trở thành bản có tỉ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng nhiều nhất trên địa bàn xã Nhôn Mai. Trong gần 400 nhân khẩu, bản Huồi Cọ đã có hơn 20 học sinh đỗ đại học, cao đẳng.

Những đứa trẻ năm nào được bố mẹ ông bà cho tới lớp hiện giờ cũng đã trưởng thành. Có người đã trở thành cô giáo mầm non, quay về bám lớp bám bản ở Huồi Cọ. Cũng có những thanh niên trưởng thành, đi làm ăn xa, gom góp xây dựng lại bản làng, phụ giúp gia đình. Những mái nhà ở Huồi Cọ cũng vững vàng hơn trước.

Ước mơ về một tươi lai tươi sáng

Dù đời sống đã được thay đổi tích cực nhưng về mặt bằng chung, chỉ với thu nhập bình quân đầu người hơn chục triệu mỗi năm, người dân nơi đây vẫn còn nhiều lắm những vất vả, khó khăn. Thời điểm 2016 – 2017, người dân Huồi Cọ tập trung phát triển trồng chanh leo mang lại hiệu quả rất lớn về kinh tế. Nhưng chỉ được một khoảng thời gian, loại cây này lại “chết yểu”, người dân quay trở lại với nương rẫy, trồng trọt và chăn nuôi.

“Trước đây, trên địa bàn bản có đến hàng chục ha chỉ để trồng chanh leo, mang đến thu nhập ổn cho bà con địa phương. Tuy nhiên, đến giữa năm 2023, trên đất Huồi Cọ đã không còn cây chanh leo nào. Người dân mất đi cây trồng “chủ lực”, kinh tế lại tiếp tục suy giảm. Người dân Huồi Cọ mong muốn có những định hướng cụ thể, phù hợp hơn với địa phương để phát triển kinh tế. Giảm nghèo bền vững, mở ra một tương lai tươi sáng là ước mơ thường trực của mỗi người dân chúng tôi”, anh Và Khua Đớ - trưởng bản Huồi Cọ chia sẻ.

Nhận được nhiều sự quan tâm hơn, được ăn học đầy đủ, những đứa trẻ này sẽ là tương lai tươi sáng của bản Huồi Cọ - Ảnh: Sức khỏe+

Nhận được nhiều sự quan tâm hơn, được ăn học đầy đủ, những đứa trẻ này sẽ là tương lai tươi sáng của bản Huồi Cọ - Ảnh: Sức khỏe+

Còn theo ông Lữ Ngọc Tinh, mới đây, huyện Tương Dương, xã Nhôn Mai cũng đã hướng dẫn người dân chuyển hướng trồng sắn, trồng gừng. Những giống cây này đã bắt đầu đem lại thu nhập cho người dân. Chưa nhiều nhưng cũng đủ giúp người dân ổn định cuộc sống.

Đi dạo một vòng trong bản cũng thấy, cuộc sống của người dân Huồi Cọ hiện giờ đã ổn định hơn trước. Nhiều gia đình có xe gắn máy, có phương tiện đi lại hàng ngày và vận chuyển nông sản xuống dưới xã. Trong nhà cũng có tivi, có điện để bắt được sóng truyền hình. Người già con trẻ được chăm sóc sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Rời Huồi Cọ khi mây đang kéo về bản, những mái nhà gỗ thâm nâu dần khuất sau những dãy núi, chúng tôi chỉ mong rằng, rồi sẽ sớm có những cách thức mới, giúp cuộc sống của người dân, đặc biệt là những đứa trẻ Huồi Cọ, tốt hơn bây giờ, những bản làng vùng cao như Huồi Cọ cũng sẽ được phát triển ngày một tốt đẹp hơn. 

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội