“Gieo” chữ… trên núi

Bất chấp khó khăn, các cô giáo vẫn nỗ lực hàng ngày để chăm sóc, gieo con chữ và giúp những đứa trẻ ở bản Huồi Cọ nuôi dưỡng ước mơ vươn xa - Ảnh: Sức khỏe+

Vinalink Group khánh thành “Bếp ăn cho em” ở bản Huồi Cọ

Vinalink Group tiếp tục xây dựng chuỗi "Bếp ăn cho em" tại Nghệ An

Điểm trường mầm non Huồi Cọ (xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) là “ngôi nhà” của 36 em nhỏ người dân tộc Mông cùng hai cô giáo là Ngân Thị Chiến và Lỳ Y Giờ. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng với tình yêu nghề, sự cảm thông với những thiệt thòi của học sinh vùng cao, họ vẫn quyết tâm "bám bản".

Thấm câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng”...

Huồi Cọ là một trong những bản làng vùng biên giới heo hút nhất ở cực Tây tỉnh Nghệ An, có độ cao 1.200-1.700m so với mực nước biển. Con đường dẫn vào bản là những con dốc cao thẳng đứng, một bên là núi cao thẳng đứng, bên còn lại là vực sâu. Trước đây, con đường vào bản là đường đất, đến năm 2017, được đầu tư làm lại thành đường bê tông. Tuy nhiên, con đường núi khúc khuỷu quanh co, những vực sâu hoắm cứ nối dài khiến những người không vững tâm lý cũng khó có thể tự mình đi xe lên bản.

Điểm trường mầm non Huồi Cọ là một trong 8 điểm trường lẻ ở xã Nhôn Mai. Trường được thành lập năm 2005, trước kia chỉ là những ván gỗ được dựng lên tạm bợ, tuy nhiên, đến năm 2017, song song với việc làm đường, điểm trường Huồi Cọ cũng được xây dựng lại, khang trang hơn, trở thành “ngôi nhà” chung của những đứa trẻ ham học ở bản. Trên đỉnh Phà Đánh quanh năm mây phủ, đồng bào Mông Huồi Cọ cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy và chăn nuôi. Tự cung tự cấp, nhiều khi cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, hành trình đến trường của các em vì thế cũng vất vả hơn rất nhiều.

Cô Ngân Thị Chiến là một trong hai giáo viên "bám bản" của điểm trường mầm non Huồi Cọ. Cô mới chuyển về điểm trường này được 3 năm nhưng đã có kinh nghiệm 15 năm cắm bản. Là người miền núi, hơn ai hết, cô hiểu được những gian nan của cả cô và trò trên hành trình gieo mầm con chữ ở vùng cao.

Cô giáo Ngân Thị Chiến đã có kinh nghiệm 15 năm cắm bản, đồng hành cùng trẻ em vùng cao - Ảnh: Sức khỏe+

Cô giáo Ngân Thị Chiến đã có kinh nghiệm 15 năm cắm bản, đồng hành cùng trẻ em vùng cao - Ảnh: Sức khỏe+

Cô Chiến chia sẻ: “Chỉ có giáo viên vùng cao mới hiểu hết được những khó khăn của trẻ em vùng cao. Trẻ em ở đây có những em phải đi bộ 3-4km đường núi để tới trường. Bố mẹ đi làm ăn xa gửi gắm hết vào ông bà nên sự chăm sóc từ gia đình còn nhiều hạn chế. Cuộc sống của các em phụ thuộc hầu hết vào cô giáo.” Chính vì yêu trẻ, thương trẻ nên cô Chiến không quản ngại vất vả. “Hàng ngày em chạy xe máy 30km từ Quế Phong lên đây. Trước kia khi đường chưa được sửa lại như bây giờ, ngày nắng ráo thì không sao nhưng ngày mưa gió, xuống hay lên dốc bọn em đều phải xuống đẩy xe. Những ngày mưa bão chúng em phải ở lại trường”.

Ngoài những khó khăn về điều kiện vật chất, theo cô Chiến, khó khăn lớn nhất vẫn là bất đồng ngôn ngữ. Việc dạy học cho các em người Mông ở Huồi Cọ rất vất vả. Các em ở trường vừa mới học được ít tiếng Việt, về đến nhà giao tiếp với gia đình bằng tiếng Mông, hôm sau đến trường lại quên những từ đã học. Để các em hiểu thì giáo viên phải sử dụng song ngữ (tiếng phổ thông và tiếng Mông). Cùng là người dân tộc, nhờ nói được hai ngôn ngữ nên các em mới tiếp thu được những lời cô chỉ dạy.

Niềm vui lớn nhất là con trẻ được tới trường

Cô Lỳ Y Giờ cũng là giáo viên cắm bản của điểm trường Huồi Cọ. Cô Giờ là người Mông, cũng từng trưởng thành từ những điểm trường như thế này. Trưởng thành, cô quyết tâm đi học sư phạm mầm non. Ra trường năm 2020, năm 2022 cô được cử về điểm trường Huồi Cọ. “Em đã có 2 năm gắn bó với điểm trường đặc biệt này”, cô Giờ tâm sự. “Tình yêu con trẻ chính là động lực lớn nhất để em gắn bó với nghề. Đến trường, các con không những được dạy dỗ, chăm sóc, vui chơi mà còn được khám phá được những điều mới lạ. Mỗi ngày tới lớp, các con cùng cô giáo vui chơi, trải nghiệm, học tập. Với em chỉ cần học trò được đi học đầy đủ, tiếp thu bài tốt, đó đã là niềm vui lớn nhất”. 

Kể về cuộc sống riêng, cô Giờ chỉ cậu nhóc vẫn đang quanh quẩn gần đấy nói, “Đây là con trai em, theo mẹ bám bản. Con thứ hai của em mới 2 tuổi, chưa tới tuổi đi học. Nhưng năm tới, khi tới tuổi nhận lớp, con sẽ theo em tới trường hàng ngày.

Gắn bó với học trò vùng cao, hai cô chỉ mong học sinh của mình mỗi ngày đều được đến trường. Nếu không học hành đến nơi đến chốn, không có nghề nghiệp, lập gia đình sớm, trẻ nhỏ vùng cao lại luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu. Đó cũng chính là điều các cô trăn trở. Vì thế, ngoài những giờ lên lớp, các cô giáo lại đi từng nhà vận động, tuyên truyền các bậc phụ huynh về việc học hành của các con. Cũng nhờ vậy, phụ huynh trong bản đã có những đổi thay tích cực.

Anh Và Bá Đại (phụ huynh học sinh) chia sẻ: “Chúng tôi được nghe con kể về những giờ học trên lớp, vui vẻ, bổ ích. Các cô cũng thường xuyên gặp mặt gia đình để vận động gia đình đưa con đến lớp đầy đủ. Hiểu được sự vất vả của cô giáo, nên hàng ngày, chúng tôi thay phiên nhau, cử hai người tới phụ giúp các cô giáo nấu nướng, dọn dẹp lớp học”.

Cô giáo Lỳ Y Giờ vẫn hằng ngày chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ và tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ cho các con - Ảnh: Sức khỏe+

Cô giáo Lỳ Y Giờ vẫn hằng ngày chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ và tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ cho các con - Ảnh: Sức khỏe+

Giữa trưa, bản Huồi Cọ nắng tưng bừng. Lo lắng cho lũ trẻ xong bữa trưa, cô Chiến cô Giờ không ngơi tay. Dừng tay dọn dẹp căn bếp kiêm phòng ăn mới được trang bị, hai cô sẽ đưa lũ trẻ về lớp nghỉ ngơi trước khi vào giờ học tiếp theo. Đến khoảng 2 giờ chiều, nắng dịu bớt, mây sương bắt đầu xà xuống. Cô Chiến cho biết, “Trưa thì nắng như vậy, nhưng đêm xuống, mặt trời vừa lặn, mây kéo về, nhiệt độ lại giảm sâu, người lớn trẻ nhỏ đều phải khoác thêm lớp áo”. Lo lắng cho lũ trẻ, cô giáo Chiến thở dài: “Dù cuộc sống vùng cao đã phần nào đỡ vất vả nhưng điều kiện học hành vẫn còn nhiều lắm những khó khăn. Mong rằng, có nhiều hơn sự quan tâm của xã hội dành cho các em. Về phần giáo viên, chúng em chỉ mong mình có đủ sức khỏe để tiếp tục cống hiến với nghề”.

Theo ông Lữ Ngọc Tinh – Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, nhờ sự săn sóc, dạy dỗ từ phía giáo viên, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, từ những lớp học đơn sơ đó đã giúp bản Huồi Cọ trở thành bản có tỉ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng nhiều nhất trên địa bàn xã Nhôn Mai. Trong tổng số 58 hộ gia đình với gần 400 nhân khẩu, bản Huồi Cọ đã có hơn 20 học sinh đỗ đại học, cao đẳng. “Đây là niềm vui, niềm tự hào của người dân Huồi Cọ, Nhôn Mai.”, Ông Lữ Ngọc Tinh cho biết.

Ở Nghệ An, hiện đang có hàng ngàn giáo viên cắm bản như cô Chiến, cô Giờ, có những người đã gắn bó với bản hàng chục năm. Họ chấp nhận những khó khăn, vất vả, tận tâm “gieo” chữ miền biên viễn. Mong rằng, những giáo viên vùng cao sẽ ngày càng được quan tâm, động viên, hỗ trợ nhiều hơn. Mỗi sự quan tâm, hỗ trợ nhỏ nhất cũng là động lực to lớn giúp họ vững vàng cống hiến cho “hành trình đặc biệt” nhưng cũng thật cao quý của mình. 

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn