Empty
Empty

Ở thành phố Hồ Chí Minh lớn nhất nước - với trên 10 triệu dân - nơi tôi đang sống với tuổi 70 của mình - không ngày nào là không kẹt xe, không khí thường xuyên ô nhiễm, nhưng riêng tôi, tôi vẫn muốn sống ở đó, vì sự thanh bình. Và khi muốn sống trong thanh bình, thì tôi vẫn sợ khi xem tin chiến sự với hàng trăm, hàng nghìn người chết mỗi ngày. Tôi lại nghĩ đến ước mơ được sống trong thanh bình của những đứa bé như Loung Ung - nhân vật chính và là tác giả của cuốn hồi ký cùng tên với bộ phim - trên toàn thế giới. Dân số bao nhiêu không quan trọng, mà chính là dân tộc nào cũng muốn phát triển tốt trong hòa bình và thịnh vượng.

Từ đó, tôi thiên về khía cạnh lạc quan hơn về hiện tượng dân số giảm trên một vài quốc gia và có dấu hiệu khởi đầu tại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh và vài thành phố lớn khác của Việt Nam.

Dưới đây là những số liệu chính về dân số ở Việt Nam theo cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019: Tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%.

Rất mừng là tuổi thọ của dân ta đang tăng lên: tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2019 là 73,6 tuổi; tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Xem ra như vậy, tôi và các bạn cùng tuổi, đã vượt qua “ngưỡng” thọ này. Trong khi vợ tôi chắc chắn phải sống thọ hơn tôi nếu “chiếu” theo tuổi thọ bình quân của giới nữ Việt chúng ta là: 76,3 tuổi. Con số này cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (72 tuổi).

Cũng theo cuộc tổng điều tra gần nhất này thì “tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên là 95,8%, tăng 1,8 điểm phần trăm so 10 năm trước đó. Tuy vậy đáng tiếc là vẫn còn một tỉ lệ nhỏ người lớn không biết chữ. Cuối tháng 2/2024 khi đi thăm Lăng vua Dục Đức và Duy Tân ở Huế, tôi ngạc nhiên khi được một hướng dẫn viên “tự phát” 41 tuổi, dẫn giải rất hay về di tích ít người thăm viếng đó, nhưng trước câu hỏi của tôi: “Em học trường du lịch hả?” - Không, em không biết chữ (!!!). Thật không? - Thật. - Ủa, mù chữ, sao em hiểu biết nhiều thế? - Ông trời “công bằng” mà chú! Tôi hiểu ý cậu ấy muốn nói về trí thông minh thiên bẩm của mình!

Empty

Vậy nếu nhìn trên bình diện quốc gia, dân số Việt Nam không phải trên đà giảm, nhưng ở các địa phương lớn như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thì đang diễn ra xu hướng đó. Trong trường hợp của tôi, tôi cũng rơi vào tâm trạng bất ngờ, không tưởng tượng nổi, khi nghe tin chính thức dân số thành phố Hồ Chí Minh, nơi tôi đang sống, với nạn kẹt xe, khói bụi và vẫn còn nhà ổ chuột trên kênh rạch ở quận 8 và Bình Thạnh… lại có dân số giảm. “Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ)”, đó là công bố chính thức từ Tổng điều tra dân số năm 2019. Còn gần đây nhất, tại Lễ kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam, ngày 26/12/2023, Cục Dân số thuộc Bộ Y tế công bố một tỉ lệ thấp hơn: “Năm 2023 mức sinh của TP HCM là 1,27 con/phụ nữ”, vẫn là mức thấp nhất so cả nước.

Empty

Nhìn sang Trung Quốc, nước láng giềng có khá nhiều tương đồng, chúng ta thấy gì? Quốc gia đông dân nhất hành tinh trong nhiều thế kỷ, hiện nay đang chứng kiến hiện tượng dân số giảm lần đầu tiên sau sáu thập kỷ, một xu hướng gần như chắc chắn không thể đảo ngược. Tin tức này đã được đón nhận với tâm trạng “không mấy vui”, thường được coi là khởi đầu cho sự suy thoái không thể tránh khỏi của Trung Quốc và, rộng hơn, là điềm báo về một quả bom hẹn giờ về… kinh tế.

Không còn nghi ngờ gì nữa, dân số toàn cầu đang sụt giảm, và may mắn thay, giảm không phải vì diệt chủng hay chiến tranh như nỗi ám ảnh không rời của tôi như đã nói ở trên. Dân số giảm là vì người ta không chịu sinh, một xu hướng đang xuất hiện - đặt ra những thách thức chưa từng có đối với nhân loại. Trung Quốc chỉ là quốc gia lớn nhất và mới nhất tham gia câu lạc bộ đã bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ý và các nước khác. Nước Đức rất có thể cũng sẽ suy thoái nếu không có người nhập cư và nhiều nước khác có thể bắt đầu thu hẹp lại trong những năm tới. (Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng trưởng vừa phải trong những thập kỷ tới, phần lớn là nhờ chính sách nhập cư.) 

Empty

Elon Musk, một trong những tỉ phú giàu nhất hành tinh, có lẽ là người bày tỏ nhiều nhất sự lo lắng thật sự của mình về dân số giảm. Và nhất là giảm trong giới tinh hoa. Bản thân ông có đến 11 đứa con. Ông nói với em gái: “Tại sao em không muốn sinh con? E ngại về tài chính chăng? Anh sẽ tài trợ mọi thứ cho em vì đơn giản những người thông minh như em nên sinh nhiều con.”

Ngược với quan điểm của Elon Musk, tỉ phú Bill Gates, người vừa uống trà trên đỉnh núi Sơn Trà, Đà Nẵng, trong tháng 3/2024 vừa qua, đã từng là người chống lại việc tăng dân số. Tại phiên thảo luận về Xây dựng nguồn nhân lực trong cuộc họp mùa xuân của IMF/Ngân hàng Thế giới ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 21/4/2018, ông cho rằng tăng trưởng dân số ở Châu Phi là một thách thức. Theo ông, dự kiến đến năm 2050, hơn 40% số người cực kỳ nghèo trên thế giới sẽ chỉ sống ở hai quốc gia: Cộng hòa Dân chủ Congo và Nigeria. Gates cho rằng: “Những gia đình ít con có xu hướng khỏe hơn và năng suất cao hơn.”

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, Châu Phi dự kiến sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng dân số thế giới trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2050. Dân số của khu vực này được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và có thể tăng gấp đôi lần nữa vào năm 2100. Tuy nhiên, nếu mọi phụ nữ ở châu Phi cận Sahara đều có thể sinh được số con mình mong muốn thì mức tăng dân số dự kiến có thể nhỏ hơn tới 30%, báo cáo hàng năm của Quỹ Bill và Melinda Gates cho biết.

Empty

Thật ra cả hai tỉ phú thuộc loại giàu nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới không quá mâu thuẫn nhau trong quan điểm tăng/giảm dân số. Cả hai ông đều muốn hạn chế số dân ở vùng nghèo và tăng số dân ở thành phần tinh hoa, thông minh, bất kể họ thuộc dân tộc nào. Nhưng khác với Bill Gates - người đang ở tuổi U70, Elon Musk cho rằng: Con người không nên tìm cách sống lâu hơn vì điều đó sẽ cản trở sự tiến bộ của xã hội.

Trong một cuộc phỏng vấn trong năm 2022 với báo Insider (Hoa Kỳ), tỉ phú Elon Musk lập luận rằng: nếu con người trì hoãn cái chết, họ cũng sẽ trì hoãn sự tiến bộ của loài người.

Empty

Trở lại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhà hoạch định chính sách đang cố gắng tìm giải pháp “khuyến sinh”, chủ yếu là hỗ trợ vấn đề vật chất. Nhưng những cảnh báo đáng báo động thường đơn giản và quá sớm. Cái ly đã đầy ít nhất một nửa. Dân số giảm thường là một phần của quá trình tự nhiên, không thể tránh khỏi và thay vì tập trung quá mức vào những lo ngại như thiếu lao động và hỗ trợ lương hưu, chúng ta cần nhìn vào những điểm sáng hơn cho thế giới của chúng ta.

Tăng cũng sợ. Việt Nam chúng ta cũng từng phải thi hành chính sách “kế hoạch hóa gia đình”, cụ thể không được sinh quá hai con. Còn Trung Quốc, nước láng giềng sát nách chúng ta thì còn nghiêm hơn, khi chỉ được phép một con. “Một và chỉ một mà thôi!”.

Trong cuốn sách, cũng nói về chiến tranh, nhưng là một chiến tranh khác: “Cuộc chiến chống lại dân số gia tăng” , Tiến sĩ Jacqueline Kasun dựa trên các con số thống kê theo thời gian để cho rằng tăng/giảm dân số là hoàn toàn tự nhiên, và con người nên thuận theo sự phát triển đó. Nhưng không phải chỉ Việt Nam hay Trung Quốc, trong nửa sau của thế kỷ 20, cả thế giới đều hoảng loạn về sự gia tăng dân số không thể ngăn cản. Số người trên hành tinh đã tăng hơn ba lần trong bảy thập kỷ, từ 2,5 tỷ năm 1950 lên khoảng 8 tỷ vào năm 2022. Hóa ra, đó là một giai đoạn chuyển tiếp khi tỷ lệ tử vong giảm nhanh hơn tỷ lệ sinh do dinh dưỡngsức khỏe cộng đồng được cải thiện và hòa bình tương đối. Các bạn đọc bài này mong chia sẻ cùng tôi lý do “hòa bình tương đối”, không thuộc về y tế toàn cầu này.

Empty

Tờ New York Times từng viết: “Sự hoảng loạn có thể dẫn đến chính sách vội vàng và bi kịch cho con người”. Cũng theo bài báo này, điều này đạt đến mức độ cao nhất với các chiến dịch kiểm soát sinh sản cực đoan của Trung Quốc, bắt đầu vào cuối những năm 1970 và gây ra đau khổ to lớn, chủ yếu cho phụ nữ. Tại Việt Nam, tôi cũng có nhiều người bạn không thể thăng tiến chỉ vì có quá 2 con trong thời kỳ chúng ta phải áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình. Dưới mắt tôi họ là người có khả năng, nếu không muốn nói là người tài giỏi.

Empty

Nhờ ngoan cường đấu tranh bình đẳng giới, phụ nữ ngày nay được “trao quyền nhiều hơn”. Các trẻ em cũng được dành nhiều khoản đầu tư hơn. Một nghiên cứu mới cho thấy chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ ở Trung Quốc đã tăng lên 538.000 nhân dân tệ, cao thứ hai thế giới, chỉ sau Hàn Quốc mà thôi! Như vậy, Trung Quốc là một trong những quốc gia có chi phí nuôi dạy trẻ em đắt đỏ nhất trên thế giới, vượt xa Mỹ và Nhật Bản về mặt tương đối.

Báo cáo này được Viện nghiên cứu dân số YuWa có trụ sở tại Bắc Kinh công bố ngày 21/2/2024. Báo cáo cho thấy chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ ở Trung Quốc cho đến 18 tuổi là 538.000 nhân dân tệ (59.275 bảng Anh) – cao gấp hơn 6,3 lần GDP bình quân đầu người, so với 4,11 lần ở Mỹ hoặc 4,26 lần ở Nhật Bản. Đối với trẻ em lớn lên ở các thành phố của Trung Quốc, chi phí trung bình tăng lên tới 667.000 nhân dân tệ (73.488 bảng Anh). Trong khi tại Úc, chi phí nuôi một đứa trẻ cao gấp 2,08 lần GDP trung bình mỗi người. Trung Quốc chỉ đứng sau Hàn Quốc – quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Báo cáo cũng đề cập đến chi phí cơ hội, chủ yếu do các bà mẹ gánh chịu, liên quan đến việc sinh con. Từ năm 2010 đến năm 2018, thời gian hàng tuần mà phụ huynh dành để giúp làm bài tập về nhà cho trẻ ở độ tuổi tiểu học đã tăng từ 3,67 giờ lên 5,88 giờ.

Việc có nhiều phụ nữ hơn trong lực lượng lao động là công thức để đạt được năng suất cao hơn và thịnh vượng hơn, đồng thời có thể giúp giảm bớt những lo ngại về lao động trong số dân số đang suy giảm. Nhiều phụ nữ hơn bao giờ hết đang vươn lên vị trí lãnh đạo trong kinh doanh, truyền thông và chính trị.

So với nửa thế kỷ trước, người dân ở nhiều nước giàu hơn, khỏe mạnh hơn và được giáo dục tốt hơn, phụ nữ được trao quyền nhiều hơn. Ví dụ, dân số Trung Quốc đang giảm và già đi, nhưng người dân nước này có trình độ học vấn cao hơn và có tuổi thọ cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử đất nước. Cơ hội giáo dục mở rộng đảm bảo một suất học đại học cho hầu hết mọi người sinh ra ở Trung Quốc ngày nay, trong đó có nhiều phụ nữ hơn nam giới.

Empty

Tất nhiên, ít người hơn trên hành tinh có thể làm giảm dấu chân sinh thái của loài người và sự cạnh tranh về nguồn tài nguyên hữu hạn. Thậm chí có thể có hòa bình lớn hơn khi các chính phủ buộc phải lựa chọn giữa việc chi tiêu cho trang thiết bị quân sự hoặc cho lương hưu. Và khi các quốc gia giàu có ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào người nhập cư từ các nước nghèo hơn, những người di cư đó có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với sự thịnh vượng toàn cầu hiện đang tập trung ở các nước phát triển. Lưu ý rằng: Số kiều hối hàng năm của Việt Nam lên đến 10 tỉ USD phần lớn do người lao động Việt ở nước ngoài gửi về.

Không có lý do gì dân số thế giới phải tiếp tục tăng hoặc thậm chí giữ nguyên. Và cũng giống như sự hoảng loạn trước đó đã dẫn đến những chính sách bất lợi ở Trung Quốc và các nơi khác, những nỗ lực nâng cao khả năng sinh sản - điều có thể tỏ ra vô ích - có nguy cơ một lần nữa coi phụ nữ là cỗ máy sinh nở.

Nếu tỷ lệ sinh của thế giới giống như ở Hoa Kỳ ngày nay, thì dân số toàn cầu sẽ giảm từ mức đỉnh điểm khoảng 10 tỷ xuống dưới 2 tỷ vào khoảng 300 năm sau, có lẽ là trong 10 thế hệ.

Empty

Ngay trong thế kỷ 21 này, dân số người máy nên được tính đến. Họ đang ngày càng đông. Việt Nam chúng ta chưa được kể đến trong các quốc gia có người máy, nhưng đâu đó chắc chắn vẫn có. Báo cáo World Robotics vừa công bố cho thấy mức cao nhất mọi thời đại là 517.385 robot công nghiệp mới được lắp đặt vào năm 2021 tại các nhà máy trên khắp thế giới. Con số này thể hiện tốc độ tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt kỷ lục lắp đặt robot trước đại dịch năm 2018 tới 22%. Ngày nay, số lượng robot hoạt động trên toàn cầu đạt kỷ lục mới với khoảng 3,5 triệu chiếc.

Empty

Marina Bill, Chủ tịch Liên đoàn Robot Quốc tế cho biết: “Việc sử dụng robot và tự động hóa đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Trong vòng sáu năm, số lượng robot lắp đặt hàng năm đã tăng hơn gấp đôi. Theo thống kê mới nhất của chúng tôi, việc lắp đặt đã tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021 ở tất cả các ngành khách hàng lớn, mặc dù sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng cũng như các trở ngại khác nhau ở địa phương hoặc khu vực đã cản trở hoạt động sản xuất.”

Châu Á vẫn là thị trường lớn nhất thế giới về robot công nghiệp. 74% tổng số robot mới được triển khai vào năm 2021 đã được lắp đặt ở Châu Á (2020: 70%). Số lượt cài đặt tại quốc gia áp dụng lớn nhất khu vực là Trung Quốc đã tăng mạnh 51% với 268.195 chiếc được xuất xưởng. Mọi robot khác được lắp đặt trên toàn cầu vào năm 2021 đều được triển khai ở Trung Quốc. Tồn kho hoạt động đã phá mốc 1 triệu đơn vị (+27%). Tốc độ tăng trưởng cao này cho thấy tốc độ robot hóa nhanh chóng ở Trung Quốc.

Nhật Bản vẫn đứng thứ hai sau Trung Quốc với tư cách là thị trường lớn nhất về robot công nghiệp. Số lượng lắp đặt đã tăng 22% vào năm 2021 với 47.182 chiếc. Hàn Quốc là thị trường robot lớn thứ tư về số lượng lắp đặt hàng năm, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Số lượng lắp đặt robot đã tăng 2% lên 31.083 chiếc vào năm 2021. Điều này diễn ra sau 4 năm số liệu lắp đặt giảm sút. Số lượng robot hoạt động được tính toán là 366.227 chiếc (+7%).

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa