Đức Vĩnh - Quán quân cuộc thi Vietnam's Got Talent 2014
Nhạc sỹ Giáng Sol mong giúp “Thị Mầu” Đức Vĩnh được học nghệ thuật
Phương Mỹ Chi giành giải một tỷ đồng của 'Bài hát Yêu thích'
Điều bất ngờ lớn nhất nằm ở việc, Đức Vĩnh đã đăng quang nhờ số lượng bình chọn của đông đảo khán giả. Xưa nay, những tưởng sân khấu truyền thống như tuồng, chèo đã rơi vào… “thất sủng”. Các nhà hát vắng khán giả. Các nghệ sỹ theo đuổi nghiệp sân khấu truyền thống như tuồng, chèo đã “sống dở chết dở” với nghề bao năm bởi thu nhập ít ỏi, vở dựng không bán nổi vé, sân khấu ít sáng đèn. Áo mũ nhung gấm của tuồng, chèo từng nằm phủ bụi. Cái “án” bị “khán giả quay lưng” đã ám ảnh những người theo đuổi nghệ thuật truyền thống suốt thời gian dài.
Việc cậu bé 8 tuổi Đức Vĩnh “bùng nổ” với những trích đoạn chèo, tuồng kinh điển khiến đông đảo khán giả nức lòng bỗng trở thành điều kỳ diệu. Giữa cuộc sống xô bồ, âm nhạc ngày càng hiện đại hóa, ồn ào với những cuộc thi trên khắp các kênh sóng để khẳng định mình “không phải dạng vừa đâu”, âm nhạc dân tộc bỗng trở nên quý hiếm.
Đã hơn một lần khán giả xúc động, thậm chí ngồi lặng trước màn hình tivi khi nghe những giai điệu dân gian, dân tộc cất lên từ những em bé. Không chỉ đến khi Đức Vĩnh 8 tuổi hát “Thị Mầu lên chùa”, “Xúy Vân giả dại”, “Ông già cõng vợ đi xem hội” mới khiến khán giả xúc động mạnh mẽ đến thế, tại cuộc thi The Voice Kids năm 2013- 3 thí sinh đội Hiền Thục ở vòng Đối đầu đã khiến biết bao khán giả bật khóc trước tiết mục tam ca với những ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca 3 miền. Tiết mục đã khiến dậy sóng cư dân mạng. Rất lâu, người ta mới truyền nhau, mới “rủ” nhau cùng xem một tiết mục để cùng xúc động, cùng nói những lời sẻ chia với giá trị truyền thống được lưu giữ từ những các “mầm non”.
Để thấy, cho dù những gì hiện đại có thể lấn át, những gì hiện đại có thể tự cho mình là “không phải dạng vừa đâu”, những giá trị truyền thống vẫn có sức sống lâu bền, mạnh mẽ. Những giai điệu gắn với tiềm thức của cả một dân tộc vẫn hiển hiện, vẫn lẩn khuất giữa cuộc sống ồn ào, ngay cả khi người ta nghĩ nó đã bị lu mờ, lãng quên. Thảng đôi khi, một giai điệu ấy được cất lên, lại khiến biết bao người xúc động…
Câu hỏi đặt ra, những giá trị truyền thống sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, xây dựng đến đâu? Những em bé đã hát tuồng, chèo, đã hát dân ca khiến khán giả xúc động ấy sẽ tiếp tục như thế nào? Hay tất cả cũng chỉ dừng lại là một tiết mục thi gây xúc động?
Bình luận của bạn