Tối nay ăn gì: Đổi vị với bánh đúc nóng

Bánh đúc nóng sền sệt, nhân bánh đậm đà, rau mùi hành thơm, rắc thêm chút tiêu đủ ấm lòng người.

Uống nhiều nước có giúp tan sỏi túi mật không?

Unilever tiếp sức tuyến đầu chống dịch Covid-19 với gói hỗ trợ trị giá 18 tỷ đồng

Dầu quả óc chó có phải loại dầu ăn lành mạnh, tốt cho sức khỏe?

Bệnh cơ tim giãn nở là gì, có triệu chứng gì cảnh báo?

Ăn bánh đúc nóng mùa này có vẻ hơi không hợp thời tiết. Nhưng kệ, cái tiết trời lạnh se se thế này, bưng bát bánh đúc nóng ấm trong lòng bàn tay vẫn là một cái thú ở thủ đô.
Bánh đúc nóng sền sệt, keo lại chứ không quá đặc hay quá lỏng. Phần nhân bánh đậm đà ăn kèm với rau mùi thơm và hành phi rất hợp vị. Nước rưới lên bánh cũng không kém phần hấp dẫn và chính là “tâm hồn” cho đúc nóng được thăng hoa và ấn tượng, khó quên hơn.
Nếu muốn làm bánh đúc nóng tại nhà cũng không quá khó, chỉ cần người nội trợ dành chút thời gian là cả nhà sẽ có bữa quà chiều ấm áp bên nhau. 
Bột để làm bánh đúc nóng sẽ gồm bột gạo tẻ và bột năng, 2 loại bột này đều có sẵn ở các hàng khô ngoài chợ hoặc trong siêu thị, mua về trộn theo tỷ lệ 1:1, tuy nhiên có thể điều chỉnh theo khẩu vị nhà bạn thích ăn giòn hay dẻo mà gia giảm tỷ lệ này cho phù hợp. Nhiều bột năng thì bánh sẽ có độ dai, dẻo mềm, còn ngược lại nhiều bột gạo hơn thì bánh sẽ cho cảm giác hơi cứng giòn khi ăn. Sau khi trộn 2 loại bột đều với nhau, bạn đổ nước vào bột, ngâm và thay nước 2 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 2 tiếng để bột được nở mềm. 
Trong lúc đợi ngâm bột, bạn ninh ít xương heo lấy nước dùng để quấy bánh và pha nước mắm. Chú ý hớt bọt trong quá trình ninh xương để nước trong và thơm nhé. Nước mắm chan bánh đúc chính là nước ninh xương, pha kiểu chua ngọt nhưng vị đậm hơn bình thường để khi rưới vào bánh là vừa đủ.  
Phần nhân của bánh đúc nóng sẽ được chế biến từ thịt heo xay, nấm hương khô, mộc nhĩ ngâm nở và thái nhỏ, hành lá và hành khô phi thơm, hạt tiêu xay, gia vị vừa đủ. Các nguyên liệu này trộn đều vào nhau, ướp khoảng 10 phút thì cho vào chảo đảo đều để thịt săn lại, ngấm gia vị thật thơm. Ngoài phần nhân chính là thịt ra, bạn có thể rán vàng đậu phụ xắt miếng nhỏ để cho vào ăn cùng bánh đúc thêm vị, cũng rất ngon.
Khi các khâu nước mắm, nhân bánh đã chuẩn bị sẵn sàng, bạn quay sang quấy bột. Bột sau khi ngâm và chắt nước ra, cho lại nước ninh xương vào hỗn hợp bột, khuấy đều rồi bắc nồi lên bếp quấy. Bạn nên dùng phới lồng để quấy cho bột mịn đều, nhưng nếu lượng bột bánh nhiều thì cần dùng đến đũa cả quấy cho chắc khỏe vì lúc bột sánh lại thì quấy rất nặng tay đấy. Ban đầu quấy thì để lửa vừa, khi thấy bột bắt đầu sánh lại thì hạ dần lửa xuống để tránh cho bột khỏi bén nồi và bị cháy khét, không ngon. Trong quá trình quấy bột, bạn nên để sẵn bát nước dùng bên cạnh để cho từ từ tiếp vào bột nếu thấy bột quá đặc và chỉ cho lượng vừa phải, đảm bảo bột dẻo quánh chứ không loãng hay quá đặc. Đun nhỏ lửa được 5-7 phút, bạn cho vào nồi ít dầu ăn và dầu mè, quấy đều để bột mướt thơm và có độ ngậy, không bị khô. Khi thấy bột chuyển màu trong, nhấc phới lên mà không còn chảy dài, sánh lại thì là bột bánh đã chín hoàn toàn, phải tắt bếp ngay.
Dùng thìa lớn múc bánh đúc lúc đang nóng vào bát có miệng loe, xúc thịt đã xào lên trên, rắc tiếp hành phi, rau mùi thơm thái nhỏ và cuối cùng là chan nước mắm vào bát. Đậu rán nên để riêng ở đĩa, ai muốn ăn thêm thì cho vào, tùy theo khẩu vị từng người. 
Như vậy, món bánh đúc nóng đã hoàn thành, thơm lừng và thật hấp dẫn. Bánh đúc dẻo sền sệt, keo lại, kết dính với nhau, quyện với thịt sao mà ngon đến vậy. Nước mắm chan vào vẫn không làm loãng bánh mà lại khiến cho bánh thêm tròn vị và đặc biệt ấn tượng.
Phương Chi H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Món ngon - Nhà hàng