Dự thảo Trung tâm phân phối thuốc - Xa rời thực tiễn!

Vidatox Plus được phân phối chính thức tại Việt Nam

TPHCM: Phân phối vaccine cho trạm y tế tiêm trong ngày

Nano vàng trong mỹ phẩm: Nhà phân phối phớt lờ trách nhiệm

 

Theo Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đến năm 2020, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm. Đồng thời quy hoạch hệ thống phân phối thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả ở 5 khu vực. Tuy nhiên, việc quy định theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của Trung tâm phân phối thuốc mà Bộ Y tế đang soạn thảo thì quá xa với thực tiễn và liệu có đạt mục tiêu như Chính phủ đề ra!


Thị trường thuốc hiện nay luôn ở tình trạng thiếu kiểm soát, không nắm rõ được nguồn dược liệu đầu vào cũng như giá bán...

 

Thực tiễn một đằng...

Trước thực trạng buôn bán bát nháo của thị trường dược phẩm ở TP.HCM, cách nay 7 năm, thành phố đã cho phép xây dựng trung tâm phân phối thuốc tại 134/1 Tô Hiến Thành, quận 10. Sự ra đời của trung tâm này đã phần nào chấn chỉnh thị trường thuốc lộn xộn, kiểm soát được giá cả cũng như hạn chế thuốc giả, thuốc kém chất lượng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược cùng phát triển… Với diện tích 14.000m2, được Bộ Quốc phòng liên kết sử dụng lên tới 49 năm, Trung tâm Thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế hiện có 270 kiốt của hơn 140 công ty đang hoạt động kinh doanh dược phẩm và trang thiết bị y tế với gần 5.000 lượt người đến giao dịch mỗi ngày. “Công ty có gian hàng hoạt động ở trung tâm nhiều năm qua đạt chuẩn phân phối thuốc tốt và khá thuận lợi trong giao dịch”, ông Lê Thịnh Toàn, Giám đốc chi nhánh Công ty Dược Quảng Bình tại TPHCM, cho biết… Tiếp đó, năm 2011, Công ty Dược phẩm Trung ương II cũng đã xây dựng một trung tâm phân phối thuốc Codupha tọa lạc trên đường Tô Hiến Thành, quận 10. Trung tâm này được thiết kế 108 kiốt và cơ sở hạ tầng được đầu tư khá hiện đại. Sự ra đời của trung tâm này cũng phần nào hạn chế tình trạng buôn bán thuốc tự phát ở khu vực đường Lý Thường Kiệt, quận 11… Như vậy, ít ra tại TPHCM cũng đã có 2 trung tâm phân phối thuốc tập trung, góp phần rất lớn trong việc ổn định thị trường buôn bán thuốc, thuận tiện cho việc quản lý.

Ngược lại, tại Hà Nội, thị trường phân phối thuốc vẫn chưa đi vào ổn định sau khi chợ dược phẩm Ngọc Khánh đóng cửa năm 2012. Hiện hàng chục công ty dược phân phối thuốc đã chuyển về tòa nhà Hapulico ở số 1 Nguyễn Huy Tưởng. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh thì thực tế đây chưa phải là trung tâm phân phối thuốc chuyên biệt, do đó thiếu quản lý dẫn đến tình trạng thuốc giả, thuốc hết đát, thuốc không rõ nguồn gốc vẫn được giao dịch… Thực tế, các trung tâm phân phối thuốc hiện nay đúng nghĩa cũng chỉ là “chợ” bởi vì một đơn vị đứng ra đầu tư và cho các công ty dược thuê lại kiốt để buôn bán, giao dịch, chứ chưa “quy” về một mối.

Dự thảo... một nẻo

Thế nhưng, theo dự thảo lần 5 của Bộ Y tế về hướng dẫn tổ chức, hoạt động của trung tâm phân phối thuốc lại khiến không ít doanh nghiệp dược lo lắng. Theo đó, trung tâm phân phối thuốc không còn là một chủ thể cho thuê mặt bằng kiốt nữa mà phải là cơ sở xuất nhập khẩu hoặc cơ sở bán buôn thuốc, đáp ứng các điều kiện thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), thực hành tốt phân phối thuốc (GDP) có quy mô lớn, phù hợp với quy hoạch hệ thống lưu thông, phân phối thuốc. Hơn nữa, trung tâm phân phối thuốc trực tiếp thực hiện các công việc quản trị doanh nghiệp, chịu trách nhiệm hoàn toàn về nguồn gốc thuốc, nhập kho, giá thuốc, xuất bán thuốc, quản lý chất lượng thuốc… 


Trung tâm phân phối theo dự thảo mới sẽ chịu trách nhiệm về nguồn gốc thuốc, nhập kho, giá thuốc, xuất bán, quản lý chất lượng


Chiếu theo những quy định trên thì thực tế các trung tâm phân phối thuốc hiện nay không đáp ứng được. “Nếu cứ quy định như vậy chỉ có nước các trung tâm phân phối thuốc hiện nay phải đóng cửa”, một cán bộ phòng Quản lý dược - Sở Y tế TP.HCM cho biết. Chưa nói đến cơ sở vật chất, ngay điều kiện về chuyên môn thì các trung tâm phân phối thuốc hiện nay cũng khó đáp ứng được. “Là cái chợ, các công ty dược vô thuê mặt bằng bán thuốc, tự xuất hóa đơn, chứng từ nguồn gốc thuốc. Còn theo dự thảo thì trung tâm phân phối thuốc phải chịu trách nhiệm quản lý nguồn gốc, xuất xứ thuốc, xuất hóa đơn, chứng từ… Vậy hàng trăm công ty dược vô thuê mặt bằng có pháp nhân để làm gì”, giám đốc một công ty dược băn khoăn.

Nhằm xây dựng hệ thống phân phối thuốc lành mạnh, từ tháng 4/2011, Bộ Y tế đã có công văn 2057/BYT-QLD nêu rõ việc phát triển thêm các trung tâm bán buôn thuốc cần được tính đến để phù hợp với quy hoạch hệ thống phân phối thuốc. Bộ Y tế nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là khuyến khích mô hình trung tâm phân phối thuốc do một doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh (chịu trách nhiệm về nguồn gốc thuốc, bảo quản đến đầu mối quản lý bán thuốc), không khuyến khích việc thành lập trung tâm phân phối thuốc dưới hình thức các doanh nghiệp hoạt động độc lập, chỉ thuê địa điểm kinh doanh của trung tâm như hiện nay. Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã ký ban hành Quyết định 68/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó mục đích đến năm 2020 phải đảm bảo 100% thuốc cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước; thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm…

Để làm được điều đó, phải quy hoạch hệ thống phân phối thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, xây dựng 5 trung tâm phân phối thuốc tại miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ - Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Tuy nhiên, với thực tế thị trường phân phối dược phẩm hiện nay, các chuyên gia dược học cho rằng dự thảo Thông tư về hướng dẫn tổ chức, hoạt động của trung tâm phân phối thuốc cần sát thực tế hơn.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý